Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đừng để miễn cưỡng với công đoàn!

Ảnh: Kinh Luân.

Ở nhiều doanh nghiệp, công đoàn vẫn chỉ là một tổ chức được thành lập mang tính hình thức, thậm chí chỉ để nhằm đối phó với các quy định của pháp luật. Vấn đề này vẫn chưa được dự thảo Luật Công đoàn giải quyết một cách căn cơ.

Cho người lao động “núp lùm cây”

Theo quy định hiện hành và dự thảo Luật Công đoàn (dự thảo ngày 20-3-2012), công đoàn là “tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện” (phương án 2) và doanh nghiệp có trách nhiệm “tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”.

Ông Trịnh Quang Đồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần E-Study School, nêu một tình huống phát sinh: doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi nhưng nếu người lao động không có nhu cầu thành lập thì có bắt buộc thành lập công đoàn và thành lập ra sao?

Pháp luật hiện hành chỉ quy định: đối với những doanh nghiệp sau sáu tháng đi vào hoạt động mà chưa thành lập được công đoàn thì công đoàn cấp trên có trách nhiệm thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp đó. Sau thời hạn trên vẫn chưa thành lập công đoàn thì công đoàn cấp trên chỉ định ban chấp hành công đoàn lâm thời. Như vậy, việc thành lập là quyền của người lao động (tự nguyện) hoặc nghĩa vụ của hệ thống tổ chức công đoàn. Thế nhưng, theo ông Đồng khi làm thủ tục bảo hiểm xã hội cho người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội bắt buộc doanh nghiệp phải có tổ chức công đoàn. Để thỏa mãn yêu cầu bắt buộc này, các doanh nghiệp thường đối phó bằng hai cách. Một là miễn cưỡng tự đứng ra tổ chức việc thành lập công đoàn. “Lúc này, chủ doanh nghiệp sẽ chủ động đưa toàn người thân tín của mình vào cơ cấu tổ chức”, ông Đồng phân tích. Hệ quả là công đoàn không phải để bảo vệ người lao động nữa mà thực chất trở thành công cụ để bảo vệ lợi ích của chủ doanh nghiệp. Đây là một thực tế xảy ra khá phổ biến. 

Cách thứ hai, theo ông Đồng, là giấu bớt số lượng người trong thủ tục khai trình lao động vì theo quy định hiện hành doanh nghiệp có dưới 10 lao động thì không phải thành lập công đoàn. “Ví dụ, doanh nghiệp có 40 lao động thì chỉ đăng ký có chín người để lấy mã số, số còn lại cho “núp lùm cây”. Sau khi có mã số, doanh nghiệp sẽ được làm các thủ tục như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Êm xuôi rồi, doanh nghiệp lại len lén đưa thêm các lao động còn lại vào để làm cho xong thủ tục. Muốn thực hiện tốt quyền lợi của người lao động cũng khổ sở vậy đó”, ông Đồng cho biết.

Không ổn từ nhiều mặt

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có nghĩa vụ trích nộp khoản kinh phí công đoàn 2% tính trên quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động. Mức phí này không phải mới có mà thực chất đã được quy định dưới tên gọi “kinh phí công đoàn” tại điều 19 Nghị định số 188-TTg do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành vào ngày 9-4-1958 để hướng dẫn Luật Công đoàn số 103-SL/L10 ngày 14-9-1957.

Luật Công đoàn (1990) đang có hiệu lực lại đưa ra khái niệm “tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyển vào quỹ công đoàn” nhưng không nói rõ cụ thể mức trích bao nhiêu mà giao cho Hội đồng Bộ trưởng quy định. Đến lượt mình, tại Nghị định 133-HĐBT ngày 20-4-1991, Hội đồng Bộ trưởng lại giao cho Bộ Tài chính và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn chi tiết mức trích nói trên. Từ năm 1994 đến nay trong các thông tư của mình, Bộ Tài chính và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không dùng khái niệm “tiền trích từ quỹ cơ quan” theo luật mà hướng dẫn doanh nghiệp nộp “kinh phí công đoàn” với mức quy định là 2% như đã nêu. Đáng nói là trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ phải nộp với mức 1%.

Việc thành lập công đoàn là quyền của người lao động. Nếu để doanh nghiệp tự đứng ra thành lập công đoàn, hệ quả là công đoàn không phải để bảo vệ người lao động nữa mà thực chất trở thành công cụ để bảo vệ lợi ích của chủ doanh nghiệp.

Như vậy, xét về mặt lịch sử lập pháp, “kinh phí công đoàn” 2% là có. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ pháp lý thì việc quy định như hiện nay là không ổn. Không ổn cả về tên gọi lẫn thẩm quyền ban hành quy phạm. Bởi Luật Công đoàn (1990) chỉ quy định về “tiền trích từ quỹ cơ quan” (không có khái niệm “kinh phí công đoàn”), đồng thời giao cho Hội đồng Bộ trưởng thẩm quyền quy định về khoản tiền trích này. Việc Hội đồng Bộ trưởng giao lại thẩm quyền cho Bộ Tài chính và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam rõ ràng là trái Luật Công đoàn. Vấn đề vướng mắc nằm ở chỗ hiện nay không có hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp được khởi kiện ra tòa án để bãi bỏ văn bản pháp luật nếu văn bản ấy được ban hành không đúng và có nội dung trái luật. Chưa nói còn có sự bất công khi mức phí công đoàn của doanh nghiệp trong nước phải đóng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với nhiều khoản trích nộp khác, phí công đoàn trở thành một gánh nặng thực sự đối với doanh nghiệp. Tổng cộng, tỷ lệ trích nộp các khoản (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn) lên tới 33,5% quỹ tiền công, tiền lương, trong đó người lao động 10,5% và người sử dụng lao động là 23%. Theo ông Trịnh Quang Đồng, do mức trích nộp quá cao nên hầu như 99,9% doanh nghiệp đều tìm cách “gian dối” để giảm gánh nặng. Ví dụ, trên hợp đồng lao động chỉ ghi mức lương cơ bản và mức này sẽ là căn cứ để tính các khoản trích nộp. Phần thu nhập còn lại doanh nghiệp và người lao động sẽ thỏa thuận bằng một phụ lục hợp đồng hoặc thậm chí thỏa thuận miệng với đủ khoản được sáng tạo đại loại như “thưởng theo năng suất”, “tiền trách nhiệm”... Cuối năm, trong quá trình làm thủ tục quyết toán nếu cán bộ thuế có hỏi han, vặn vẹo thì các bên sẽ “thương lượng”, thỏa thuận bằng “tiền dưới gầm bàn”. “Xã hội băng hoại bắt đầu từ đó”, ông Đồng kết luận.

Liên quan đến 2% phí công đoàn, ngoài phương án tính trên tổng quỹ lương thực trả cho người lao động, dự thảo Luật Công đoàn còn đưa thêm phương án thứ hai là tính trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo một số doanh nghiệp, cho dù phương án hai có vẻ sát với thực tế hơn nhưng quy định như vậy vẫn mang tính gượng ép vì chẳng ai hồ hởi gì với việc đóng tiền để nuôi một tổ chức nhằm chống lại lợi ích của mình cả. Một điều thắc mắc khác là trong khi đó việc thu và sử dụng phí công đoàn như thế nào đến nay vẫn chưa được minh bạch. “Khoản thu này, nếu tính với hàng trăm ngàn doanh nghiệp hiện nay thì quá rất lớn. Tuy nhiên, xem ra vai trò bảo vệ người lao động của công đoàn vẫn chưa tương xứng với nguồn lực tài chính đó”, ông Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phong, phát biểu.  

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Sửa đổi hiến pháp trong “xu thế của thời đại”
  • Sự thật về "mê cung thương hiệu kem Tràng Tiền"
  • Tá hỏa với hàng chục nhãn hiệu kem Tràng Tiền
  • Hà Nội mạnh tay ngăn chặn nhập lậu rượu, thuốc lá
  • Xí muội Trung Quốc cực độc tràn lan ở TP. HCM
  • Phát hiện thịt lợn nhiễm chất cấm ở Hà Nội
  • Kiến nghị thu thuế xe của Việt kiều hồi hương
  • Chông chênh... pháp lý
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%