![]() Nhóm sản phẩm hoá chất tẩy rửa, sơn công nghiệp... sẽ không phải nộp thuế môi trường. Ảnh: S.T |
Đề xuất trên của Bộ Tài chính sẽ làm giảm chi phí đầu vào đối với một số sản phẩm cho nhiều ngành kinh tế nên đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Như Khuê (Hiệp hội Nhựa Việt Nam), bình quân mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn nguyên liệu nhựa, 20% trong số này được sử dụng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, việc không đánh thuế đối với hạt và bột nhựa từ sản phẩm hoá dầu sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong xuất khẩu sản phẩm nhựa với các nước trong khu vực.
Việc đánh TMT đối với một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm là đầu vào của nhiều lĩnh vực khác như xăng dầu, than, HCFC… theo ông Dương Thanh Minh (Ban Pháp chế, NHTM cổ phần Bảo Việt), không những làm tăng giá của sản phẩm trực tiếp chịu thuế, mà còn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới giá cả nhiều sản phẩm khác trên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Minh, trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, cùng với việc bổ sung thêm nhiều nhóm sản phẩm tác động tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường vào đối tượng chịu thuế, BTC nên đề ra lộ trình áp TMT đối với từng sản phẩm, để tạo sự chủ động trong quá trình thực hiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Mặc dù tiên liệu việc đánh TMT trong thời gian đầu thực hiện (dự kiến bắt đầu áp dụng kể từ ngày 1/1/2012) chắc chắn sẽ tạo ra những biến động về mặt bằng giá cả, gây nên gánh nặng đối với người tiêu dùng và tạo áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế. Nhưng TS. Nguyễn Đình Chiến (Học viện Tài chính) vẫn ủng hộ quan điểm phải ban hành sắc thuế này. “Việc đánh TMT hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc, người nào gây ô nhiễm phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường”, ông Chiến nêu quan điểm.
Về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hoá bị tác động bởi sắc TMT, theo ông Chiến, Nhà nước có thể sử dụng các chính sách khác để hỗ trợ. Đơn cử, việc đánh TMT đối với nhóm thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng (nằm trong khung thuế suất 1.000 đồng đến 5.000 đồng/kg) sẽ làm tăng gánh nặng đối với sản xuất nông nghiệp, nhưng không vì thế mà chỉ giới hạn 4 loại sản phẩm phải chịu thuế, mà có thể mở rộng đối tượng thuế đối với một số sản phẩm khác như chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản…
Việc điều chỉnh giảm thuế suất TMT cho nhiều nhóm sản phẩm của Bộ Tài chính, theo ông Phạm Văn Võ, giảng viên Trường đại học Luật (TP.HCM) là, Bộ Tài chính hướng đến mục tiêu định hướng việc bảo vệ môi trường, khuyến khích xã hội giảm dần các sản phẩm gây ô nhiễm thay vì hướng vào mục tiêu tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, để bảo đảm sự ổn định cho sắc thuế này, Bộ Tài chính cần xem xét lại cách đánh thuế, thay vì ấn định thuế theo số tiền tuyệt đối cho từng sản phẩm cụ thể, mà nên áp dụng mức thuế suất tương đối tính theo phần trăm giá sản phẩm bán ra chưa có thuế.
Hiện Việt Nam chưa có TMT, nhưng trên thực tế, nhiều loại hàng hoá đã phải chịu loại thuế này đánh gián tiếp qua thuế tiêu thụ đặc biệt như ôtô du lịch, xe gắn máy có công suất từ 125 cm3 trở lên, xăng và các sản phẩm để pha chế xăng…
Theo ông Dương Thanh Minh, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào những sản phẩm này cũng hướng đến mục tiêu hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, vì vậy, Bộ Tài chính cần phải cân nhắc đối với một số sản phẩm như xăng dầu khi đánh TMT để tránh tình trạng thuế trùng lên thuế.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com