Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH - ông Nguyễn Đình Quyền – cho rằng, việc kê khai tài sản của người có chức, quyền phần nào không hiệu quả bởi không có quy định rõ ràng về quy trình xác minh tài sản, cũng như trách nhiệm của những người liên quan đến quá trình kê khai tài sản.
“Hiện nay, người khai man hay xác minh sai đều không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào” – ông Quyền cho biết.
Theo ông Phí Ngọc Tuyển – Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ – một trong những bất cập nữa của chính sách hiện nay là thay vì quy định phải kê khai “nguồn thu nhập” để từ đó phát hiện xung đột lợi ích, nguy cơ tham nhũng thì lại chỉ yêu cầu kê khai “tổng thu nhập”.
Không chỉ có vậy, theo ông Tuyển, hiện nay cũng chưa có quy định nào buộc cán bộ, công chức phải giải trình tăng, giảm tài sản, thu nhập, nên rất khó phát giác những tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng.
Một số đại biểu cho rằng, việc kê khai hiện nay chỉ dựa vào ý thức tự giác của người phải kê khai, trong khi những người trực tiếp đi xác minh tài sản lại chủ yếu là những người trong cùng đơn vị, nên công tác này không hiệu quả là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, việc “bó tay” với tình trạng những người có chức, có quyền nhờ người thân đứng tên tài sản cũng khiến người dân chưa tin vào chủ trương kê khai tài sản.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, cần công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức, có quyền tại đơn vị công tác và ở tổ dân phố, để người dân giám sát.
Theo Nguyễn Hùng
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com