Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi doanh nghiệp vẫn khổ vì thuế và hải quan

Việc thực thi không nhất quán chính sách thuế giữa các cấp đang gây ra nhiều phiền hà không đáng có cho các doang nghiệp. Ảnh chụp tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

Trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế vụ và hải quan nói riêng, ngành tài chính nói chung do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại khách sạn Daewoo, Hà Nội, tuần qua, nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội bày tỏ những vướng mắc và kiến nghị của mình với cơ quan chức năng.

Đại biểu của hiệp hội doanh nghiệp miền núi tỉnh Thanh Hóa đã rất bức xúc khi trình bày cái khó của các doanh nghiệp thu mua nông sản từ nông dân. “Thu mua nông sản với những nông dân bán từng chục cân hoặc chục tạ nông sản với giá chỉ khoảng 2.000 đồng/ki lô gam sắn hay khoai thì lấy đâu ra hóa đơn VAT đầu vào? Vậy mà doanh nghiệp mua nông sản vẫn phải chịu thuế VAT đầu ra là 5% và thuế doanh thu”.

Chi phí đội lên quá nhiều trong khi mức giá bán lại cho đại lý chênh không mấy, dẫn tới lợi nhuận chẳng còn bao nhiêu, chưa kể có trường hợp còn bị lỗ, hệ quả là ít doanh nghiệp dám mua trực tiếp hàng nông sản của dân còn người dân thì không biết bán cho ai.

Như vậy người nông dân không được hưởng chủ trương ưu đãi cho nông nghiệp của Nhà nước, còn doanh nghiệp lại phải xoay xở tìm hướng kinh doanh khác. Đây là một nghịch lý trong bối cảnh nông nghiệp là lĩnh vực đang được Nhà nước ưu tiên hàng đầu. Nên chăng các ngành chức năng có cái nhìn linh hoạt và giải pháp thấu tình đạt lý hơn khi thực hiện thu thuế của doanh nghiệp thay vì áp đặt một cách máy móc đối với mọi trường hợp.

Tình trạng văn bản đá nhau là vấn đề muôn thuở nhưng không thể rõ nét hơn trong ví dụ mà đại diện đến từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nêu lên. Trong khi Bộ Tài chính quy định tại Công văn 3316 để giải thích cho Thông tư 219 ngày 1-1-2009 về việc không áp thuế VAT cho phí dịch vụ bảo lãnh ngân hàng thì Cục Thuế Hà Nội lại quy định loại hình dịch vụ này chịu mức VAT 10%.

Tương tự như vậy, dịch vụ phát mại siết nợ tài sản của khách hàng nếu theo quy định của Bộ Tài chính là không chịu VAT thì một số cục thuế địa phương lại ra văn bản theo hướng ngược lại. Kết quả là doanh nghiệp gặp rối và không biết theo ai, làm như thế nào. Một giám đốc doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng chia sẻ bức xúc này khi hàng năm chị phải nộp đơn xin được ưu đãi về thuế tới chi cục thuế trong khi Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cấp phép miễn thuế thuê đất cho doanh nghiệp trong thời gian 10 năm theo ưu đãi của tỉnh. Việc thực thi không nhất quán về chính sách thuế giữa các cấp cho thấy sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý chức năng nhưng trên hết là gây phiền hà không đáng có cho doanh nghiệp.

Một bức xúc nữa được nêu lên tại cuộc đối thoại là thời gian chờ đợi giải quyết khiếu nại nhiều lúc kéo dài vô thời hạn. Một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã nêu lên sự khác biệt về mức thuế nhập khẩu cho cùng một loại xe tự đổ tại hai cửa khẩu là Quảng Ninh và Lạng Sơn. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ phải chịu mức thuế suất là 10% mỗi khi thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn. Tuy nhiên, một lần thông quan ở Quảng Ninh, mức thuế phải nộp lại là 20%.

Sự việc xảy ra cách đây gần hai năm và doanh nghiệp cho tới giờ vẫn phải chờ được hoàn thuế, trong khi xe nhập khẩu vẫn để trong kho, mọi chi phí phát sinh bao gồm chi phí mua hàng, lãi vay ngân hàng, chi phí bảo dưỡng lưu kho... doanh nghiệp phải gánh chịu và chưa biết là chờ cho tới bao giờ. Xét trên góc độ hiệu quả kinh doanh, rõ ràng đây là một thương vụ bị lỗ nặng. Lý do là mặt hàng máy móc, cơ khí hay phương tiện vận chuyển bị lỗi thời về công nghệ theo thời gian và mất giá, chưa kể doanh nghiệp mất mối làm ăn do không giao hàng đúng hạn...

Tất cả những chi phí và tổn thất này đều không thể kê khai để đòi bồi thường thiệt hại. Điều này cho thấy khâu giải quyết khiếu nại về truy thu thuế vẫn còn trì trệ. Bộ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng phải thừa nhận những thiếu sót này, tuy nhiên mọi nguyên nhân đều quay về việc các chính sách luôn luôn chậm chạp hơn thực tế.

Hiện ngành tài chính đang triển khai thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ. Đây là tin vui cho mọi người, đặc biệt là giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một bất cập được nêu lên tại cuộc đối thoại là trong khi việc kê khai chứng từ hàng hóa đã được đơn giản hóa rất nhiều thông qua hải quan điện tử thì ngân hàng, thuế và kiểm toán vẫn yêu cầu hồ sơ giấy tờ bằng giấy. Như vậy việc đơn giản hóa chỉ được thực hiện ở khâu đầu, còn những khâu sau vẫn không có gì thay đổi. Doanh nghiệp vẫn phải làm toàn bộ bộ chứng từ như trước đây khi chưa triển khai khai báo thủ tục hải quan qua mạng.

Vụ phó Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng phải thừa nhận tính đồng bộ của các cơ quan trong hệ thống tài chính còn chưa cao, và việc hiện đại hóa hay cụ thể hơn là đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính phải được thực hiện triệt để, toàn diện hơn mới thực sự đạt được mục tiêu của đề án và gỡ khó cho doanh nghiệp...

(Theo Bùi Thị Thanh Hương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Vi phạm trên thị trường chứng khoán: Công tác giám sát chưa hiệu quả
  • Bị xử theo luật rừng, dân Mỗ Lao kiến nghị Phó Thủ tướng can thiệp
  • Quy định về quản lý trang thông tin điện tử
  • Không có chỗ cho sự tuỳ tiện
  • TPHCM: 406 nhà thầu bị dừng cấp phép thi công
  • Kỷ luật giám đốc ngân hàng không giảm lãi suất
  • TP.HCM: Xử lý 702 vụ nhập lậu hàng ngoại trong 6 tháng đầu năm
  • Chính thức thiết lập cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%