Hai câu chuyện kể dưới đây được coi là chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cho thấy bất cập về góc độ luật pháp. Phải ứng xử thế nào khi nhà đầu tư lớn phủ quyết mọi nghị quyết của đại hội đồng cổ đông?
Thép lại mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2012 có một sự kiện hy hữu xảy ra khi ĐHĐCĐ của 2 doanh nghiệp vào loại hoạt động hiệu quả tại Việt Nam đã thất bại khi cổ đông lớn nước ngoài bỏ phiếu phủ quyết toàn bộ các tờ trình. Đối chiếu với các quy định hiện hành áp dụng với công ty cổ phần tại Việt Nam, không có một điều khoản nào quy định cách xử lý mâu thuẫn khi các nhóm cổ đông lớn không đồng thuận với nhau. Hệ quả là các cổ đông nhỏ lẻ thiệt đủ đường.
Hai doanh nghiệp, một hoàn cảnh
Sau một cuộc họp kéo dài 6 tiếng đồng hồ hồi tháng 4/2012, ĐHĐCĐ CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone, doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn Hà Nội với mã chứng khoán VCS) thất bại, toàn bộ các nội dung trình ĐHĐCĐ như kết quả kinh doanh 2011, báo cáo tài chính đã được kiểm toán, báo cáo của HĐQT, ban kiểm soát… bị phủ quyết bởi 36,39% cổ phần. Liên minh giữa 2 cổ đông nước ngoài là quỹ đầu tư Red River (Pháp) và Beira Lmt (Đức) với tỷ lệ sở hữu như trên đã phản ứng quyết liệt khi không đưa được ứng viên họ đề cử vào HĐQT công ty. Đây là sự kiện hy hữu trên TTCK bởi VCS hoạt động hiệu quả, năm 2011 đạt lợi nhuận trước thuế 131,4 tỷ đồng, trong đó 95% doanh thu đến từ xuất khẩu vật liệu xây dựng. Đáng chú ý, HĐQT VCS sẽ hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2013, khi ấy theo quy định bầu dồn phiếu, liên minh đại diện 2 quỹ đầu tư trên (nếu còn gắn bó với doanh nghiệp) hoàn toàn có cơ hội có chân trong HĐQT VCS. Cách hành xử của các cổ đông nước ngoài khiến nhiều nhóm cổ đông Việt Nam bức xúc, bởi công ty không thể hoạt động tốt khi thiếu Nghị quyết của ĐHĐCĐ, những kế hoạch về kinh doanh không được thông qua sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của doanh nghiệp với ngân hàng và cả các bạn hàng quốc tế…
Cuối tháng 5, ĐHĐCĐ của CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Năm 2011, AGPPS đạt lợi nhuận trước thuế 569 tỷ đồng, tăng 58,9% so với năm 2010 và tăng 37,4% so với kế hoạch. Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 30%.
Kết quả kinh doanh tốt như vậy, nhưng ĐHĐCĐ thường niên 2011 (lần 1) của AGPPS tổ chức ngày 29/4/2012 lại không thành công do 4 cổ đông lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài gồm: Mekong Capital, VinaCapital, Vietnam Holding, Duxton không đến dự. Đại hội lần 2 cũng tiếp tục thất bại với diễn biến ít người có thể ngờ: nhóm cổ đông lớn (gồm VinaCapital, Vietnam Holding, Duxton) bỏ phiếu phủ quyết toàn bộ các nội dung mà HĐQT và ban kiểm soát trình đại hội, trong đó có cả những nội dung như báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ trình lựa chọn công ty kiểm toán thuộc nhóm Big 4 (đây là nội dung do chính nhóm cổ đông trên đề nghị đưa vào cuộc họp). Tại đại hội, mặc cho các cổ đông khác tỏ thái độ bức xúc về cách hành xử như trên và yêu cầu những cổ đông lớn bỏ phiếu phủ quyết lên tiếng giải thích lý do hành động của mình, đại diện 3 quỹ trên đều im lặng.
Khi cổ đông không nhìn về một hướng
Trong cả 2 trường hợp trên, cổ đông nước ngoài đều nghi ngờ ban điều hành doanh nghiệp có những hoạt động không minh bạch, vì quyền lợi cá nhân, họ quyết liệt đưa người vào HĐQT để giám sát và tiếp cận với những thông tin trọng yếu nhất của doanh nghiệp (theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thành viên HĐQT có quyền tiếp cận tất cả số liệu, thông tin quan trọng nhất của doanh nghiệp). Trong trường hợp của AGPPS, mâu thuẫn còn nảy sinh từ việc chiến lược đầu tư lớn nhất của ban lãnh đạo công ty đưa ra là đầu tư vào lúa gạo với mô hình cánh đồng lớn (cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân) không được cổ đông lớn ủng hộ. Ngoài ra, cổ đông nước ngoài không chấp nhận lý do trì hoãn kế hoạch lên sàn chứng khoán như kế hoạch bởi thị trường bất lợi mà ban lãnh đạo công ty đưa ra. Là đối tác chiến lược của nhau, nhưng khi cơm không lành, canh chẳng ngọt, cách hành xử của các quỹ đầu tư đối với ban lãnh đạo các doanh nghiệp và ngược lại, trong nhiều trường hợp căng thẳng đến mức khó tin. Chủ tịch AGPPS, ông Huỳnh Văn Thòn đã nín nhịn khi nói: "Mấy anh chị nhà đầu tư nói rằng, chúng tôi là những người làm công, còn mấy anh chị là ông chủ. Tụi tôi làm công thiệt, nhưng là những người làm công đặc biệt, vì tôi đại diện cho các cổ đông nắm giữ 22% tổng số vốn và cá nhân tôi cũng có 1,47%". Còn ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch VCS thì nói: "Từ trước đến nay các ông tư vấn cho tôi được cái gì, khi doanh nghiệp thiếu vốn các ông có hỗ trợ vay được không? Ở thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp cần sự đoàn kết của cổ đông, có khi doanh nghiệp không chết vì cạnh tranh trên thương trường mà chết vì mâu thuẫn nội bộ".
Như vậy trong cả 2 trường hợp trên, mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông sở hữu 36% cổ phần trở lên với các nhóm cổ đông khác khó có thể được giải quyết êm thấm, nhất là khi cả hai bên đều có "cái tôi" lớn và khi một trong hai bên thiếu thiện chí.
Lỗ hổng luật pháp?
Trong câu chuyện trên, cổ đông thiểu số của hai công ty là đối tượng thiệt thòi nhất. Với trường hợp của VCS, do là doanh nghiệp niêm yết nên khi nội tình ĐHĐCĐ thất bại được công bố ra ngoài, hình ảnh, thương hiệu của công ty bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu trên sàn. Bằng chứng là hồi tháng 4, trong khi phần lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt trên sàn Hà Nội đều tăng giá mạnh thì giá cổ phiếu VCS vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 13.000-14.000 đồng/cổ phiếu. Đó là chưa nói đến việc ban lãnh đạo doanh nghiệp bị phân tán đầu óc, không thể tập trung vào việc chèo lái doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn. Những mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, bạn hàng có thể bị ảnh hưởng không tốt. Điều này tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của VCS trong 6 tháng đầu năm nay (thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước).
Với trường hợp của AGPPS, ngoài một số tác động như trên, cổ đông nhỏ lẻ rất bức xúc về việc cổ đông lớn phủ quyết toàn bộ nội dung đại hội, trong đó có cả tờ trình chia cổ tức năm 2011 với tỷ lệ 30%, đồng nghĩa với việc họ chưa được nhận cổ tức. “Cổ đông lớn giàu có, nhiều tiền không quan tâm đến cổ tức, chứ chúng tôi là nhà đầu tư ít tiền, doanh nghiệp làm ăn có lãi không được chia nhiều cũng mong được nhận một phần”, một cổ đông của AGPPS bức xúc nói.
Vấn đề lớn hơn đặt ra trong 2 câu chuyện này là Khoản 3, Điều 104, Luật Doanh nghiệp trao quyền phủ quyết cho cổ đông sở hữu hoặc đại diện đủ tỷ lệ cổ phần (trên 35%). Thế nhưng, trong trường hợp những quyết định đó vì quyền lợi của họ, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các cổ đông khác thì sao? Hơn nữa, nếu mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông không giải quyết được, cơ chế xử lý sẽ như thế nào? Phải chăng, nhóm cổ đông sở hữu 35% cổ phần có thể quyết định được mọi vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của nhóm lớn hơn (sở hữu trên 60% cổ phần, trong đó có các cổ đông nhỏ lẻ) như trường hợp của VCS và AGPPS. Trong trường hợp này, rõ ràng dù sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn hơn, cổ đông trong nước của cả 2 doanh nghiệp đều không thể quyết định được các vấn đề của doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên về một hướng giải quyết nếu 2 bên cổ đông không dàn xếp được, giới luật sư và cả lãnh đạo UBCKNN, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương - những người chấp bút cho Luật Doanh nghiệp - đều cho hay: không có cách nào, ngoại trừ hai bên tự đàm phán.
Trong khi đó, nhìn sang nhiều nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia, trong những trường hợp như vậy, tòa án hoặc một cơ quan trọng tài trung gian sẽ có trách nhiệm xử lý và làm đối trọng (nếu cần thiết). Thậm chí, ở một số quốc gia, người ta còn áp dụng biện pháp mạnh là giải thể doanh nghiệp để tạo cơ hội cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường, làm lợi cho nhà nước. Trong trường hợp đó, các cổ đông lớn hay ban lãnh đạo doanh nghiệp gây mâu thuẫn sẽ là người thiệt nhất, vì vậy họ sẽ phải suy tính kỹ và có trách nhiệm trước khi bỏ lá phiếu phủ quyết mọi vấn đề.
(Theo Mai Nam // Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com