Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Anh Tuấn, Luật sư điều hành của Công ty Luật VCI Legal về những thay đổi của Quy chế Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Thưa ông, trong Quy chế Góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN trong các DN Việt Nam mà Chính phủ vừa ban hành kèm theo Quyết định 88/2009/QĐ-TTg có những điểm mới nào so với Quyết định 36/2003/QĐ-TTg từ năm 2003?
Mỗi khi Chính phủ ban hành một nghị định mới với những hướng dẫn rõ ràng hơn cho một vấn đề nào đó thì đây có thể coi là một tiến bộ. Về tổng thể, chúng tôi cho rằng, Quyết định 88/2009/QĐ-TTg đã thành công khi bản thân nó cũng không đặt ra quá nhiều tham vọng - thể hiện ở phạm vi hẹp mà quy định đề cập đến cũng như cách thức thể hiện tương tự như các quy định hiện hành.
Về cơ bản, có một vài cải thiện ở Quy chế mới này, nhưng chưa đủ đáp ứng những điều mà các nhà ĐTNN hiện đang mong muốn. Một tiến bộ rõ ràng của Quy chế mới là đưa ra được những định nghĩa tốt hơn và rõ ràng hơn đối với không chỉ các nhà ĐTNN hiện hữu, mà cả những nhà ĐTNN tiềm năng có thể hiểu rõ hơn về các quy định.
Các nhà ĐTNN vẫn có ý kiến về giới hạn 49% cổ phần mà họ được mua ở các DN Việt Nam. Quy chế mới cũng không bỏ mức giới hạn này. Ông có nhận xét gì?
Tất nhiên, việc bỏ đi mức giới hạn mua 49% cổ phần này sẽ rất thuận lợi cho các nhà ĐTNN, nhưng trên thực tế, Việt Nam không phải là nước duy nhất quy định về mức trần đó. Nói một cách công bằng, nếu so với các nền kinh tế khác như Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc, thì Việt Nam có phần nào tự do hoá hơn về giới hạn này.
Mức trần 49% được xem như một chiếc van an toàn đối với chính sách vĩ mô của quốc gia. Chúng tôi dự đoán, sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chấm dứt, Chính phủ sẽ nới lỏng quy định về mức trần này đối với một số ngành, lĩnh vực.
Ông có nhìn nhận gì về những hạn chế mà ông cho là còn tồn tại trong Quy chế mới rất có thể sẽ là rào cản đối với nhà ĐTNN trong việc mở rộng cổ phần của mình trong các DN Việt Nam?
Theo tôi, không có hạn chế mới cụ thể nào đối với các nhà ĐTNN. Tuy nhiên, những hạn chế liên quan đến góp vốn hay mua cổ phần trong các công ty đại chúng (mà trong số này có rất nhiều công ty không hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề chiến lược hay các công ty thương mại với nhiều tiềm năng phát triển) có thể làm một số nhà ĐTNN cảm thấy thất vọng.
Song thông điệp khá rõ ràng mà Quy chế mới này muốn đưa ra là, nếu nhà đầu tư có tính kiên nhẫn và kiên trì sẽ nhận ra được kết quả tốt từ tiềm năng vô cùng to lớn của thị trường này trong tương lai.
Quy chế mới có tác động nào tới thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?
Một mặt, ít nhất thì Quy chế mới cũng tạo ra lòng tin cho các nhà đầu tư về sự rõ ràng, dự đoán được và những bước đi tiến đến sự minh bạch. Mặt khác, hiện vẫn chưa thể nói, Quy chế này có thể có tác động gì tới các công ty đại chúng, bởi không có số liệu hay cơ sở dữ liệu. Chúng tôi cho rằng, sẽ có rất ít hoặc không có tác động nào do không có thay đổi trong Quyết định 88/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ sở hữu vốn của các nhà ĐTNN trong các DN Việt Nam.
(Theo Liên Hương // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com