Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kiểm soát chặt đầu tư công

Khi được thông qua, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Luật Đầu tư công sẽ trở thành chiếc "vòng kim cô" siết chặt hoạt động đầu tư công.
 
Thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả... là những điều mà lâu nay dư luận vẫn hay nhắc tới về đầu tư công. Song những tồn tại này sẽ sớm được giải quyết, một khi Luật Đầu tư công được ban hành.

"Việc ban hành Luật Đầu tư công sẽ bổ sung kịp thời những nội dung phù hợp, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về đầu tư trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của Quốc hội và Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ tăng cường quản lý, chống thất thoát và lãng phí trong đầu tư sử dụng vốn nhà nước", ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ biên tập Luật nói.

Cũng theo ông Tự, hiện hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu..., nhưng các luật này lại chưa đủ để điều chỉnh toàn diện hoạt động đầu tư công. Chẳng hạn, Luật Xây dựng không bao gồm các nội dung quan trọng về quản lý đầu tư, như kế hoạch đầu tư, phân bổ, quản lý vốn và các nguồn lực đầu tư qua các chương trình và dự án đầu tư... Trong khi đó, Luật Đầu tư 2005 lại chưa điều chỉnh việc

sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác của Nhà nước đầu tư vào các dự án không nhằm mục đích kinh doanh...

"Còn nhiều khâu trong quá trình quản lý đầu tư công chưa có quy định, đồng thời thiếu một văn bản luật pháp nhất quán điều chỉnh toàn bộ quá trình đầu tư của một dự án đầu tư công. Đó là chưa kể, còn có những chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của các văn bản pháp luật khác nhau. Các quy định hiện hành đều chưa đủ hiệu lực cần thiết để có thể kiểm soát và đẩy lùi tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, lãng phí và thất thoát trong đầu tư hiện nay", ông Tự giải thích về sự cần thiết phải có một Luật Đầu tư công hoàn chỉnh.

Theo Dự thảo Luật Đầu tư công, đầu tư công là việc Nhà nước bỏ vốn đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không nhằm mục đích kinh doanh. "Quy định này nhằm phân biệt với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước nhưng nhằm mục đích kinh doanh, được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư", ông Tự lý giải.

Tuy vậy, việc Dự thảo Luật Đầu tư công chỉ có phạm vi áp dụng đối với các hoạt động đầu tư của Nhà nước, không mang mục đích kinh doanh và chưa thực sự hợp lý.

Theo quan điểm của ông Trương Tấn Viên, Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải), hiện Việt Nam đang trong xu hướng đầu tư cơ sở hạ tầng có mục đích kinh doanh. "Quốc lộ là công trình đầu tư công đặc thù nhất, nhưng vẫn có kinh doanh. Vì vậy, cần phải xem xét lại điều này", ông Viên nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, tất cả các dự án đều có hiệu quả kinh tế - xã hội nhất định, vì vậy, nếu dùng cụm từ "không có mục đích kinh doanh" là chưa chính xác. "Các dự án đường giao thông hiện nay sử dụng nhiều vốn ODA, tức là có sự hỗ trợ từ Nhà nước, cũng được coi là đầu tư công, song vẫn cho thu phí. Vậy phải điều chỉnh các dự án này như thế nào", ông Việt đặt câu hỏi.

"Nên dùng cụm từ các chương trình, dự án không có hoặc khả năng thu hồi vốn thấp", một đại diện của Bộ Tài chính đề xuất và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, thành viên Ban soạn thảo Luật, cũng đã đồng thuận với đề xuất này. "Cần phải làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật", Thứ trưởng Đạt nói.

Theo Dự thảo Luật Đầu tư công, thì các dự án sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu, công trái... cũng là đối tượng điều chỉnh của Luật này. Dự thảo Luật có 9 chương, 75 điều và tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến các nguyên tắc quản lý đầu tư công, chính sách sử dụng và huy động vốn cho đầu tư công; lập, thẩm định, quyết định dự án đầu tư công; quản lý thực hiện dự án đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công...

Đặc biệt, với Dự thảo Luật Đầu tư công, lần đầu tiên, việc quản lý khai thác dự án (quản lý dự án sau đầu tư) được đặt ra. "Hoạt động đầu tư là quá trình liên tục từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu quản lý khai thác dự án, vì vậy Dự thảo Luật đưa ra các quy định cụ thể về việc này để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nội dung này làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình sử dụng, khai thác. Đây là nội dung mới, chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây", ông Tự nói.

Dự thảo Luật Đầu tư công đang được hoàn thiện và theo dự kiến, sẽ được trình Chính phủ trong ngày hôm nay (8/3), sau đó sẽ được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế. Kế hoạch đặt ra là, trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Dự thảo Luật sẽ được đưa ra thảo luận và hy vọng, sẽ được thông qua trong kỳ họp ngay sau đó.

"Nguyên tắc chung là Dự thảo Luật phải làm sao góp phần chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Phải vừa tăng cường quản lý, nhưng lại không được làm tăng thủ tục hành chính", Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt nói và cho rằng, một yếu tố quan trọng khác nữa là Luật Đầu tư công phải tạo sự nhất quán đối với các quy định luật pháp khác có liên quan.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • Xử lý nghiêm vi phạm về quản lý giá
  • DN xuất khẩu gạo bán phá giá có thể bị rút giấy phép
  • Xem nhẹ an toàn lao động tại doanh nghiệp
  • Bán đấu giá tài sản sẽ được thắt chặt hơn
  • Tìm mô hình quản lý chung cư tại HN
  • Tranh chấp nguồn nước Thủy điện Đắc Mi 4 - Lấy 5, trả 1
  • Ô tô dưới 16 chỗ ngồi sẽ bị hạn chế nhập khẩu
  • Sẽ tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%