Kết quả kiểm toán việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản của các ban quản lý dự án (BQLDA) các bộ ngành, địa phương vừa công bố cho thấy, các ban này chi tiêu lãng phí tiền tỷ vào việc mua thiết bị, máy móc rồi đắp chiếu. Hàng trăm ô tô, xe máy mua vượt chuẩn, sử dụng sai mục đích phải kiến nghị thu hồi. Vấn đề đặt ra là xử lý trách nhiệm người đứng đầu ra sao trong việc sử dụng lãng phí tài sản công, nhất là lãng phí ô tô.
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), đây là cuộc kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá thực trạng và việc thực hiện Chỉ thị số 17/2007 của Thủ tướng về việc tăng cường quản lý tài sản của BQLDA sử dụng vốn nhà nước. KTNN đã thực hiện kiểm toán tại các BQLDA thuộc 4 bộ (NN-PTNT, Y tế, GT-VT, GD-ĐT) và 4 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Ninh Bình).
Kết quả kiểm toán cho thấy, sẵn có tiền trong tay, các BQLDA của 4 bộ và 4 địa phương trên đã mua sắm tài sản, thiết bị làm việc vượt tiêu chuẩn, sai mục đích, không phản ánh vào sổ kế toán và quyết toán 95,3 tỷ đồng.
Trong đó, lãng phí nhất là tài sản, phương tiện đi lại. Cụ thể, các BQLDA mua sắm phương tiện đi lại cao hơn tiêu chuẩn, chế độ, không có trong hợp đồng, không đúng nguồn hơn 53,4 tỷ đồng (gồm tàu trục thả phao 2 tấn, tàu công tác không đúng nguồn; mua 73 ô tô vượt tiêu chuẩn và 16 ô tô không có trong hợp đồng tư vấn giám sát; mua 160 xe máy không có chế độ trang bị cho cán bộ…).
Ngoài ra, các BQLDA thích “xài sang” nên chi tới 17,9 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị làm việc cao hơn tiêu chuẩn chế độ, sai mục đích đối tượng, như: máy tính xách tay 61 chiếc, trị giá 1,3 tỷ đồng; điện thoại di động 26 chiếc, trị giá 172 triệu đồng...
Vì vậy, KTNN đã kiến nghị các bộ ngành, địa phương trên phải xử lý 156 ô tô, 159 xe máy, 1 tàu công tác, trong đó thu hồi 29 ô tô (23 của Bộ NN-PTNT, 5 ô tô của Bộ GT-VT). Ngoài ra, cần kiểm tra tính pháp lý hồ sơ 70 ô tô do Bộ GT-VT quyết định điều chuyển trên cơ sở công văn của Bộ Tài chính mà không có quyết định cụ thể. Số 157 xe máy của các dự án đã kết thúc cần tiến hành bán đấu giá, thu hồi nộp tiền vào ngân sách, gồm Ban Quản lý các dự án 18 (Bộ GT-VT) 100 xe và Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) 57 xe.
Điều cần nói là, tính đến nay, có tới 27/39 bộ ngành; 37/63 tỉnh thành; 12/19 tập đoàn, tổng công ty chưa tổng hợp và báo cáo tình hình thục hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng theo đúng thời gian quy định.
Đặc biệt, chưa có bộ ngành, địa phương nào trong diện được kiểm toán tự phát hiện và xử lý các sai phạm trong mua sắm, quản lý, sử dụng tại các BQLDA theo Chỉ thị của Thủ tướng (Thủ tướng yêu cầu hàng năm, các bộ ngành, địa phương phải xây dựng Chương trình và định kỳ tổ chức kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản của các BQLDA thuộc phạm vi quản lý để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh những sai phạm, gây thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng tài sản Nhà nước).
Với kết quả kiểm toán trên, KTNN cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT, Bộ Y tế kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc mua sắm, điều chuyển tài sản không đúng mục đích và thẩm quyền. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm và xử lý các sai phạm trong quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản của các BQLDA; tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng để báo cáo Bộ Tài chính về tình hình thực hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chính phủ xử lý.
KTNN cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp cùng các bộ, ngành xác định rõ mô hình hoạt động của các BQLDA, quy định rõ phân cấp trách nhiệm trong tổ chức, chuyên môn, tài chính kế toán. Chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc điều chuyển chiếc xe của BQLDA tỉnh Lâm Đồng dành phục vụ hoạt động của dự án chăm sóc sức khỏe Tây Nguyên cho Văn phòng Tỉnh ủy sử dụng sai mục đích; xác định rõ giá trị thiệt hại, buộc các cá nhân vi phạm phải bồi thường.
Ngày 26-11, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, hiện Văn phòng Chính phủ chưa nhận được báo cáo chính thức từ KTNN. Sau khi có báo cáo, Chính phủ sẽ xem xét các đề nghị của KTNN.
Nhưng có thể thấy là trong việc lãng phí tài sản công vô tội vạ như đã nêu, trách nhiệm người đứng đầu cần phải được chỉ rõ. Vì tại Chỉ thị 17, Thủ tướng đã nêu: đối với các dự án đã kết thúc nhưng không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý tài sản và các trường hợp dự án có xảy ra sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản thì phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, trên cơ sở đó có hình thức xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Trưởng ban quản lý dự án, thủ trưởng cơ quan chủ đầu tư hoặc chủ dự án, Thủ trưởng cơ quan chủ quản của dự án phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại đối với các tài sản do chậm được xử lý hoặc không thực hiện các biện pháp quản lý trong phạm vi, trách nhiệm được giao” - Chỉ thị nêu rõ.
(Theo báo Sài gòn giải phóng )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com