Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Loại bỏ những giấy phép con vô lý

(minh họa: Khều)

Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30) đang được triển khai rất tích cực. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang hy vọng và chờ đợi kết quả của đề án này sẽ tháo gỡ những khó khăn vô lý cho họ trong hoạt động kinh doanh và đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc rà soát để loại bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết đã và đang là “cuộc chiến âm thầm nhưng quyết liệt”.

Rất nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ các TTHC không cần thiết với những lập luận chặt chẽ và có sức thuyết phục. Nhưng cái lý của những người ra sức bảo vệ cho TTHC do mình “đẻ ra” cũng sắc sảo và thuyết phục không kém.

Do đó, nếu cứ đi theo hướng “tranh cãi” như hiện nay, việc đơn giản hóa TTHC sẽ rất khó có kết quả. Để đẩy nhanh quá trình này, xin đề nghị việc đơn giản hóa TTHC cần đi theo từng bước với quyết tâm cao và cơ sở pháp lý đầy đủ. Trước hết, cần bắt đầu từ việc rà soát và loại bỏ các giấy phép con không cần thiết, xuất phát từ những lý do sau.

Một là, tổng kết 10 năm Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống, chúng ta đã thừa nhận điểm độc đáo và là nhân tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức sống mãnh liệt của đạo luật này là sau khi nó có hiệu lực, việc rà soát và loại bỏ các giấy phép con đã được thực hiện rất kiên quyết. Hơn 100 giấy phép con đã được xóa bỏ.

Song, sau đó, do giám sát không chặt chẽ và vì chưa có khung pháp lý đầy đủ, nên hiện nay các giấy phép con lại “tái xuất” với số lượng lớn.

Hai là, các giấy phép con hiện nay chủ yếu được thể hiện dưới các hình thức: a) giấy phép kinh doanh; b) giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; c) chứng chỉ hành nghề; d) chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; đ) xác nhận vốn pháp định; e) chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; g) các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khoản 1 điều 5 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5-9-2007 của Chính phủ, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh quy định: ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật chuyên ngành). Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian vừa qua, không ít giấy phép con đã ra đời từ các thông tư hướng dẫn, các công văn của các bộ, ngành và UBND các địa phương. Việc kiểm tra, xử lý những hành vi “sáng tạo” trái luật đó chưa được thực hiện.

Ba là, tại khoản 3 điều 5 Nghị định 139/2007/NĐ-CP quy định: “Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật nói tại khoản 1 điều này đều hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2008”. Nghị định quy định rõ ràng như vậy nhưng không có một giấy phép con nào “tự động hết hiệu lực” từ ngày 1-9-2008. Ngược lại, từ đó đến nay, lại có không ít giấy phép con ra đời từ các văn bản không được coi là văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là, trước thời điểm 1-9-2008, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có đề án “Phân tích, chẩn đoán về giấy phép con” nhằm kiến nghị loại bỏ một số trong số 37 giấy phép con được lựa chọn phân tích. Đó là một cố gắng lớn, đáng ghi nhận của VCCI. Tuy nhiên, ý kiến của VCCI dù sao cũng chỉ là một “kiến nghị”. Các bộ, ngành không thật sự quan tâm nên kiến nghị đó đã nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Điều đó có nghĩa là, việc rà soát và loại bỏ các giấy phép con phải được sự chỉ đạo kiên quyết từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, Đề án 30 hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý, quyền lực hành chính để triển khai một đợt “tấn công” vào các giấy phép con đang tồn tại hiện nay. Tất nhiên, không phải tất cả các TTHC đều là các giấy phép con nhưng các giấy phép con lại là những “siêu TTHC”. Những giấy phép con vô lý đã gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường kinh doanh, gây nhiều tốn kém về tiền bạc, thời gian và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, mở đầu cho việc loại bỏ các TTHC không cần thiết phải là việc xóa bỏ các giấy phép con vô lý.

_____________________________________________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Các “đại gia” đều bán hàng lậu!
  • Ai là chủ sở hữu nhà 22D-24 Phan Đăng Lưu?
  • Cháy lớn tại công ty sản xuất thiết bị điện
  • Chuyên gia nước ngoài được miễn thuế thu nhập
  • “Đặc sản” từ đâu ra?
  • “Lượm” 10 tấn xương động vật từ bãi rác đem bán
  • Cấp chung giấy chứng nhận nhà đất từ ngày 10-12
  • Phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%