Suốt cả hai ngày 2 và 3/7/2009, một loạt DN tập trung trước cửa Tcty đường sắt Việt Nam (VNR) với tâm lý và hành xử vô cùng bức xúc. Họ không chấp nhận việc VNR công bố đấu giá tài sản thanh lý, nhưng lại không “chịu” bán hồ sơ tham gia đấu giá cho người có nhu cầu.
Dĩ nhiên, vì kiểu thông báo này, mà các DN đã bị Cty CP đấu giá Bắc Trung Nam từ chối bán hồ sơ cũng như cho đăng ký tham gia đấu giá lô hàng thanh lý trên. Cty này yêu cầu các DN muốn tham gia đấu giá phải có xác nhận của VNR về việc đủ điều kiện tham gia đấu giá. Nhưng khi các DN tới trụ sở VNR, thì lại bị từ chối với lý do: VNR không có chủ trương tiếp khách xin xác nhận và cũng không cấp xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá cho các DN. Như vậy là, VNR đã từ chối thực hiện chính điều kiện do họ đặt ra và ủy quyền Cty CP đấu giá Bắc Trung Nam thông báo tới các DN.
Đính chính, hay là thay đổi ?
Tới 16h23’ chiều ngày 3/7/2009, ông Nguyễn Bá Văn – người tự giới thiệu là đại diện của Cty CP đấu giá Bắc Trung Nam - mới tiếp xúc với những DN có nhu cầu tham gia đấu giá lúc này vẫn ngồi trước cổng trụ sở VNR. Ông Văn đưa ra một bản fax (nhưng lại đóng dấu đỏ của Cty CP đấu giá Bắc Trung Nam), nội dung là ... đính chính thông tin đấu giá đã đăng trên báo và trên web site của Cty này. Nếu như tại thông báo ban đầu, đối tượng được tham gia đấu giá là “các tổ chức, đơn vị có chức năng kinh doanh phù hợp”, thì với đính chính do Cty này đưa ra, điều kiện ấy đã trở thành: “các đơn vị trực thuộc VNR”. Có nghĩa, nội dung về đối tượng được tham gia đấu giá đã thay đổi hoàn toàn, chứ không còn là “đính chính” – hiểu theo nghĩa chỉnh lại cho chính xác về nội dung. Đáng ngạc nhiên thay, việc thay đổi này là do Cty CP đấu giá Bắc Trung Nam đơn phương đưa ra, và không có xác nhận của VNR, cũng như của chủ khối tài sản mang ra đấu giá. Vậy thì “đính chính” ấy có đủ cơ sở và căn cứ pháp lý để... tin ?
Căn cứ công bố đấu giá tài sản của các thành viên VNR do Cty CP đấu giá Bắc Trung Nam thực hiện, thì danh mục ở đây là các tài sản thanh lý – hiểu theo nghĩa là không còn giá trị sử dụng với ngành đường sắt. Các tài sản này đều là sắt thép chế tạo thành tà vẹt, ray, tấm ghi, lưỡi ghi đường sắt... Do vậy, nó cũng không phải là những loại vật liệu nguy hiểm, độc hại để người mua phải xuất trình phương án xử lý (sau mua) với người bán. Mặt khác, việc giám sát sử dụng các tài sản thanh lý này lại thuộc thẩm quyền của những ngành khác, không phải của ngành đường sắt. Từ đây sẽ thấy, yêu cầu người mua phải xuất trình phương án xử lý tài sản thanh lý do VNR đưa ra và thẩm định, chấp nhận là không hề hợp lý.
Vậy thì tại sao Cty CP đấu giá Bắc Trung Nam lại phải cố tình đẩy bằng được các DN ngoài ngành đường sắt ra khỏi cuộc đấu giá này? Trong khi về thực tế, càng nhiều người tham gia thì khả năng phiên đấu giá thành công, lô tài sản được trả giá cao nhất càng dễ xảy ra? Liệu có hay không một vụ mua bán theo kiểu “đóng cửa tự... bán” trong vụ đấu giá này. Để trả lời câu hỏi ấy, phóng viên DĐDN đã nhiều lần liên lạc điện thoại với ông Nguyễn Hữu Bằng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VNR đề nghị được tìm hiểu về cuộc đấu giá này. Ông Bằng đã không trả lời điện thoại. Việc nhắn tin giới thiệu và đề nghị làm việc của phóng viên đã nhận được phản hồi từ phía ông Bằng với tin nhắn đề nghị phóng viên “liên hệ” với ông Tiến – Phó TGĐ VNR. Thế nhưng, vị Phó TGĐ này, cũng như lãnh đạo củaVNR đã không trả lời điện thoại. Vậy là khả năng nghe “hai tai”, để thể hiện vấn đề một cách khách quan, trung thực nhất – vốn là lợi thế của cơ quan báo chí - đã bị VNR từ chối, như họ đã từ chối bán tài sản cho những người không phải “người nhà” của họ. Và đương nhiên, vụ bán đấu giá tài sản Nhà nước đầy khuất tất này không thể chỉ cần một bản “đính chính” như trên để có thể trở nên “minh bạch, khách quan”.
(Theo Quốc Dũng/dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com