Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những nẻo đường trốn thuế VAT”: Chuyện cái hóa đơn, lẽ nào chính quyền bất lực?

“Các doanh nghiệp đã bị báo chí phản ánh vẫn ngang nhiên không xuất hóa đơn. Lẽ nào các cấp chính quyền TP bất lực...”- một bạn đọc nhắn vào máy chúng tôi một câu hỏi đầy bức xúc như vậy khi mua hàng mà không được xuất hóa đơn.Rõ ràng, việc bán hàng không xuất hóa đơn VAT đã khiến hàng lậu tràn vào thị trường; không xuất hóa đơn, các đơn vị báo cáo thuế lỗ để trốn thuế… Vậy mà, dù báo chí đã lên tiếng, Thủ tướng Chính phủ đã lưu tâm, thế nhưng, đến nay qua khảo sát lại thực tế, sự thật vẫn rất đáng thất vọng… 

Đủ chiêu “né” hóa đơn! 

Quay lại các điểm mà Báo SGGP đã phản ánh trước đây, ghi nhận của chúng tôi là chỗ nào cũng đối phó, thậm chí nhiều nơi chây lỳ, chấp nhận đóng phạt để… tiếp tục vi phạm. Thật đáng buồn khi hầu hết cửa hàng đều giăng băng rôn “Tại đây, bán hàng xuất hóa đơn…” nhưng thực tế thì … vẫn “lơ” hóa đơn đỏ.

Dù các cơ quan chức năng đã đồng loạt ra quân rầm rộ kiểm tra, xử lý nhưng dường như đâu vẫn vào đấy! Trung tâm điện máy Thiên Hòa (277B Cách Mạng Tháng Tám) vẫn như trước, bán hàng không xuất hóa đơn, chỉ giao cho khách “phiếu giao hàng” với dấu đỏ “đã kiểm tra và xuất hàng”. Trung tâm điện máy Nguyễn Kim thì tinh vi hơn, xuất hóa đơn theo… mặt. Cụ thể, khi trực tiếp đến mua hàng, tôi đã nhận “phiếu tạm ứng/xuất kho nội bộ” với đầy đủ 3 liên, nhân viên ở đây nhìn tôi một hồi với vẻ thận trọng dẫn tôi sang bàn xuất hóa đơn để giao hóa đơn đỏ, đóng dấu đỏ “đã thu tiền”, “đã xuất hóa đơn” lên phiếu nhận tạm ứng. Thế nhưng, khi tôi nhờ một người khác nhìn… “nông dân thứ thiệt” thì đúng như bạn đọc phản ánh, Nguyễn Kim vẫn không xuất hóa đơn, vẫn giao khách hàng bằng “phiếu nhận tạm ứng/xuất kho nội bộ”, trong đó đóng dấu “đã giao hàng”. Nhiều khách hàng cho biết, các cửa hàng khác cũng thế, hễ thấy người nào giống công chức nhà nước là nhân viên kéo sang bàn xuất hóa đơn để giao hóa đơn đỏ, còn không thì lơ luôn. 

Tại một trung tâm điện máy, khách hàng sau khi mua hàng và thanh toán tiền thì chỉ nhận một phiếu giao hàng thế này. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Quay lại 2 chuỗi cửa hàng vi tính lớn nằm ngay trung tâm là Phong Vũ và Hoàn Long, chúng tôi càng thất vọng hơn. Bên ngoài đầy băng rôn, biểu ngữ khẳng định việc xuất hóa đơn đỏ nhưng bên trong vẫn không hề xuất hóa đơn. Phong Vũ giao cho khách “phiếu tạm xuất”, còn Hoàn Long giao bằng “phiếu báo giá”. Điều lạ là hai phiếu này giống nhau, nếu luật quy định trách nhiệm xuất và giao hóa đơn là của bên bán thì ở đây lại đẩy trách nhiệm nhận hóa đơn cho khách hàng với dòng chữ “Khi kiểm tra xong hàng hóa quý khách vui lòng đến quầy xuất hóa đơn”. Thay vì khi nhận tiền, cửa hàng có trách nhiệm xuất hóa đơn VAT ngay cho khách thì Hoàn Long, Phong Vũ lại làm quy trình ngược lại, nhận tiền xong, sang quầy giao hàng nhận hàng và quay lại quầy xuất hóa đơn.

Một khách hàng tên Nguyên than phiền: Nơi nhận tiền thì đến 5, 7 quầy, còn nơi xuất hóa đơn chỉ có 2, 3 quầy, trong khi chúng tôi đã nhận hàng rồi, việc gì phải chen lấn, chờ đợi để nhận hóa đơn. Đây phải chăng cũng là một “chiêu” để né việc xuất hóa đơn đỏ? 

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, bà Trần Thị Lệ Nga, người phát ngôn của Cục Thuế TP khẳng định, trách nhiệm của bên bán hàng là phải xuất hóa đơn ngay khi nhận tiền cho khách hàng. Dù vì bất cứ lý do gì thì việc bên bán không xuất hóa đơn ngay cho khách cũng là vi phạm pháp luật. 

Sai phạm đã rõ nhưng... có phản ánh mới xử! 

Ở các cửa hàng ăn uống cũng thế. Riêu cá chép 3A của Công ty TNHH một thành viên Phạm Hào Quang vẫn tính tiền và không xuất hóa đơn. Đợi thối tiền xong, tôi hỏi nhân viên: “Giá bán đã có VAT, sao không xuất hóa đơn cho khách?” (trước đây, giá bán ở đây không VAT), nhân viên trả lời, khách muốn lấy sẽ xuất. Khi tôi đồng ý lấy hóa đơn có VAT thì phải ngồi chờ gần… nửa giờ mới được nhận. Nhà hàng Ngọc Lan cũng thế, vẫn không có “khái niệm” tự nguyện xuất hóa đơn. Sang nhà hàng Ngọc Sương cũng vậy, dù hóa đơn thanh toán đã thu 10% thuế VAT trên giá bán nhưng họ vẫn không xuất hóa đơn cho khách mà chỉ đóng dấu “đã thu tiền” lên phiếu. 

Trong quá trình đi lấy thông tin, tôi đã nhiều lần gọi đến các số điện thoại đường dây nóng mà cơ quan thuế cung cấp. Trong lần gọi điện thoại đến Chi cục Thuế quận 1, tôi cũng rất mệt mỏi bởi sau gần chục cuộc liên tục mà chỉ tít tít báo bận, chúng tôi gọi đến số trực 24/24 thì người bắt máy cho biết, đó là… phòng bảo vệ. Và anh nói không biết gì hết, thậm chí chúng tôi hỏi số điện thoại phòng của lãnh đạo chi cục trực ban, anh vẫn không biết!

Một khách hàng khác phàn nàn, khi nhà hàng Chả cá Lã Vọng bán hàng không xuất hóa đơn, anh cũng điện thoại đến đường dây nóng Chi cục Thuế quận 3 và cuối cùng là… chuốc lấy phiền phức. Ăn xong, tính tiền xong nhưng đến vài chục phút sau cán bộ thuế mới đến. Lúc đó anh khách này đã ra về. Cán bộ thuế nói không có cơ sở nên không xử phạt được (dù vi phạm rành rành, không nơi nào thực hiện xuất hóa đơn), anh cũng nhiệt tình quay trở lại cung cấp chứng cứ. Sau khi anh quay lại, thay vì làm việc với chủ nhà hàng, cán bộ thuế lại lập biên bản ghi nhận lời trình bày của anh, anh phải cung cấp chứng cứ và… ngồi chờ ký tên. Anh nói: Với cách xử lý như thế thì không ai muốn hợp tác với cơ quan thuế trong việc góp phần hạn chế tình trạng không xuất hóa đơn mà báo chí nêu. 

Phải chăng cũng vì cách làm như thế, nên nhà hàng Hoa viên Mạc Đĩnh Chi bị báo chí phản ánh bán hàng không xuất hóa đơn, nhưng vẫn không có gì thay đổi. Cán bộ thuế đến tận quán ngồi đếm doanh số bán ra, nhưng kết quả “áp thuế” cũng có vẻ “giơ cao đánh khẽ” khi tăng từ 1,3 tỷ đồng/tháng như khai báo lên thành 1,8 tỷ đồng! Một con số quá thấp, vì so với nhà hàng Lion cùng quy mô và lượng khách thì doanh số bán lên đến 4,5 tỷ đồng. 

Chúng tôi đã đặt vấn đề này với lãnh đạo các chi cục thuế nhưng nơi nào cũng “ca” điệp khúc: Thiếu người! Giờ qua kết quả kiểm tra, xử lý, có vẻ như những gì người dân khẳng định với chúng tôi là có cơ sở: Không thiếu người, chỉ thiếu người có trách nhiệm!

(Theo sggp online)

  • Làm rõ chất lượng thi công 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm
  • Hà Nội: Tạm giữ 3 tấn mỡ động vật phân hủy
  • Luật Cạnh tranh: Bốn năm vẫn… quá mới!
  • Hà Nội: Xử phạt hơn 476 tỷ đồng hàng giả và gian lận thương mại
  • Thêm một vụ lừa đảo tiệm vàng
  • 5 điều kiện ôtô tay lái nghịch tham gia giao thông
  • Khai thác khí than phải nộp phí bảo vệ môi trường
  • Cảnh sát đặc nhiệm tập luyện trấn áp tội phạm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%