Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật Cạnh tranh: Bốn năm vẫn… quá mới!

Sau một năm có hiệu lực, chỉ có 30% doanh nghiệp biết là có Luật Cạnh tranh, 70% doanh nghiệp không hề biết gì về Luật này 

Luật Cạnh tranh đã có hiệu lực được 4 năm nhưng sự hiểu biết của doanh nghiệp về luật này còn hạn chế. Để giúp doanh nghiệp hiểu biết về Luật Cạnh tranh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa phối hợp với Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên tổ chức Chiến dịch truyền thông về các hành vi phản cạnh tranh qua 5 cuộc hội thảo tổ chức tại 5 thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội.

4 năm xử lý… 20 vụ

Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Với 6 chương, 123 điều. Luật Cạnh tranh là một trong những văn bản luật đồ sộ và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng cho nền kinh tế thị trường đang hình thành và ngày càng phát triển ở nước ta. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm áp dụng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chẳng biết gì về Luật Cạnh tranh.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, 1 năm sau khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Cục Quản lý Cạnh tranh có làm một cuộc điều tra và kết quả cho thấy, chỉ có 30% doanh nghiệp biết là có Luật Cạnh tranh, 70% doanh nghiệp không hề biết gì về luật này. Hiện nay, con số này đã đảo ngược, tuy nhiên, doanh nghiệp được xếp vào loại có biết về Luật Cạnh tranh thì cũng chưa thực sự hiểu luật nên chưa biết dùng luật để bảo vệ mình.

Theo Luật Cạnh tranh, các hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh bao gồm: gây rối; thực hiện các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi cạnh tranh không lành mạnh; các hoạt động làm hàng giả, hàng nhái; thỏa thuận ấn định giá hàng hóa; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ…

Hiện các doanh nghiệp chưa sử dụng hiệu quả Luật Cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của mình

Trong thực tế, đã xảy ra rất nhiều vụ việc doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh, điển hình như: vụ Hiệp hội Thép ra nghị quyết ấn định giá bán, vụ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thống nhất nâng mức phí bảo hiểm cho tất cả các đối tượng khách hàng, vụ doanh nghiệp cấu kết nâng giá thị trường thuốc tân dược, sữa…

1 năm sau khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Cục Quản lý cạnh tranh có làm một cuộc điều tra và kết quả cho thấy, chỉ có 30% doanh nghiệp biết là có Luật Cạnh tranh, 70% doanh nghiệp không hề biết gì về luật này. Hiện nay, con số này đã đảo ngược, tuy nhiên, doanh nghiệp được xếp vào loại có biết về Luật Cạnh tranh thì cũng chưa thực sự hiểu luật nên chưa biết dùng luật để bảo vệ mình. 

(Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam)

Thế nhưng, qua hơn 4 năm chính thức có hiệu lực, Luật Cạnh tranh mới được áp dụng để xử lý hơn 20 vụ việc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp, trong số đó, chỉ có một vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh bị xử lý. Đó là vụ Cty Cổ phần Xăng dầu hàng không (Vinapco) lợi dụng vị trí là doanh nghiệp độc quyền bán nhiên liệu máy bay trên thị trường đã đơn phương chấm dứt bán hàng cho Cty Cổ phần PACIFIC AIRKINES (PA) khiến công ty này phải hủy tất cả các chuyến bay trong ngày 1/4/2008. Tuy mức xử phạt khá nhẹ, phạt 0,05% doanh thu của công ty này trong năm 2007 (Luật Cạnh tranh cho phép mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh lên tới 10% doanh thu của doanh nghiệp trước năm thực hiện hành vi vi phạm) nhưng cũng đã có những tác động nhất định đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, tác động đến ý thức tôn trọng pháp luật của doanh nghiệp.

Qua vụ việc này, các doanh nghiệp Nhà nước có vị thế độc quyền thấy rằng, không thể cho phép mình tạo ra một “kiểu” kinh doanh riêng, đứng trên pháp luật.

Doanh nghiệp nhỏ, nỗi e ngại càng lớn

Ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Luật Cạnh tranh chưa thực sự đi vào cuộc sống bởi sự hiểu biết về Luật Cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn nhiều hạn chế do họ thiếu chuyên gia có kiến thức về luật. Hơn nữa, vì chưa nhận thức đúng, nên doanh nghiệp “ngại va chạm”, “ngại can dự vào các vấn đề liên quan đến pháp lý”, dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả công cụ Luật Cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nhiều khi doanh nghiệp này biết doanh nghiệp khác vi phạm Luật Cạnh tranh, ảnh hưởng đến lợi ích của mình, nhưng đành nhắm mắt cho qua mà không dám khởi kiện, bởi nếu khởi kiện họ phải tự thu thập tài liệu, chứng minh các vấn đề liên quan... để chứng minh có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc hạn chế cạnh tranh.

Đây là những yêu cầu có thể nói là vượt quá khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì để thu thập được các thông tin này từ các cơ quan chức năng là không dễ. Ngoài ra, phí khởi kiện đối với các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh là 10 triệu đồng và với các hành vi hạn chế cạnh tranh là 100 triệu đồng - cũng là một vấn đề với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một điều quan trọng nữa, là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không có được niềm tin vào thắng lợi của mình. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi tính độc lập của các cơ quan như Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh vẫn chưa rõ ràng, ngay cả tên tuổi của những thành viên trong Hội đồng Cạnh tranh cũng chưa được doanh nghiệp biết đến nhiều...

Đó là chưa nói đến trường hợp doanh nghiệp kiện đúng phải đối tác không thể thay thế, dẫn tới việc nếu doanh nghiệp thắng kiện cũng đồng thời với mất đối tác làm ăn. Tất cả những vấn đề này dẫn tới hiện trạng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể, không dám, không muốn tham gia các vụ kiện.

Theo các chuyên gia, Luật Cạnh tranh đã bao quát một cách toàn diện những vấn đề liên quan đến cạnh tranh trên thương trường nhưng để luật đi vào cuộc sống, Nhà nước phải tích cực thúc đẩy thi hành Luật Cạnh tranh và phải hành động quyết liệt như đã làm đối với Luật Doanh nghiệp trước đây./.

(Theo Thanh Vân // TNVN)

  • Hà Nội: Xử phạt hơn 476 tỷ đồng hàng giả và gian lận thương mại
  • Thêm một vụ lừa đảo tiệm vàng
  • 5 điều kiện ôtô tay lái nghịch tham gia giao thông
  • Khai thác khí than phải nộp phí bảo vệ môi trường
  • Cảnh sát đặc nhiệm tập luyện trấn áp tội phạm
  • Vùng quê không yên tĩnh (2): Những chuyến hàng đêm
  • Nửa triệu vụ tai nạn vì chị em mải trang điểm
  • Vùng quê không yên tĩnh: Những băng nhóm gia đình
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%