Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những thủ đoạn chia chác tinh vi

Chúng tôi cũng nhận được những video clip, những cuộc ghi âm của lao động đi theo kiểu này ở nước ngoài. Họ kêu khổ vì không biết tiếng, không  tay nghề, không có đại diện Cty ở nước ngoài giúp đỡ những lúc khó khăn…

Gặp gỡ ngày 19/7, một số người có kinh nghiệm trong xuất khẩu lao động muốn chúng tôi nêu cách làm ăn sau đây lên báo để lao động biết mà tránh, Bộ LĐ-TB&XH vào cuộc thắt chặt hiện tượng cho mượn giấy phép, công an cũng chủ động hơn trong điều tra các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động.

Ăn chia

Qua thân phận lao động nghèo ở huyện miền núi Thạch Thành trong vụ Cho lao động đi “tàu bay giấy” và hàng trăm lao động quê Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Phòng… trong vụ Rỉa tiền tỷ người nghèo để nhìn lỗ hổng trong xuất khẩu lao động rõ nét hơn.

Mỗi lao động sang Nga làm việc bỏ ra tổng chi phí 2.700 USD (một số thị trường có giá 12.000 – 15.000 USD). Số tiền này được chia cho các công đoạn trong ê kíp làm việc như sau.

Người giữ vị trí trung tâm trong ê kíp này, cũng là khâu ăn nhiều nhất (lấy khoản 2.700 USD của thị trường Nga làm ví dụ) là ĐẠI DIỆN CHI NHÁNH (sau đây tạm gọi là Người đại diện) của một Cty có chức năng xuất khẩu lao động. Người này có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân tại Cty (tùy thỏa thuận giữa Cty và người này). Người đại diện được lấy danh nghĩa Cty để ra thông báo tuyển dụng, giao dịch, ký nhận tiền đặt cọc...

Người đại diện kiêm luôn việc khai thác thị trường tại nước ngoài để tìm kiếm hợp đồng. Nôm na là, Cty có chức năng xuất khẩu lao động cho Người đại diện mượn pháp nhân (và anh này quyết định mọi việc).

Để được tuyển lao động một cách hợp pháp, Người đại diện trình hợp đồng với đối tác nước ngoài, đề nghị Cty gửi Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, cho phép (chỉ có Cty có chức năng xuất khẩu lao động mới được làm việc này). Sau khi được Bộ cho phép, Người đại diện ra thông báo tuyển dụng tại địa phương và tiến hành thu tiền, làm thủ tục xuất ngoại…

Và, đây là quy trình ăn chia.

Theo thông báo tuyển dụng mà Người đại diện phát ra, từ đây các cò tỏa đi dụ dỗ, tìm kiếm lao động. Mỗi lao đồng đưa đến cho Người đại diện (sau khi lao động xuất cảnh) cò được nhận 500 USD (trong 2.700 USD). Mang càng nhiều lao động đến với Người đại diện, hầu bao của cò càng rủng rỉnh.

Mỗi lao động xuất cảnh Cty mẹ nhận từ Người đại diện 150 USD. Đây là khoản mà Người đại diện trả ơn Cty mẹ vì cho mượn pháp nhân, giúp thẩm định hợp đồng và những giấy tờ liên quan. Ngoài việc cho mượn pháp nhân và thẩm định hợp đồng,  Cty mẹ không hề làm gì (bán giấy phép, ngồi hưởng thụ).

Số tiền còn lại, Người đại diện tiếp tục chia cho cò ngân hàng (giúp người nghèo vay vốn xuất ngoại), khai thác hợp đồng, hộ chiếu, visa, vé máy bay và các thủ tục khác.

Nếu đưa lao động đi ổn thỏa thì ba người này (cò - Người đại diện - giám đốc Cty mẹ) kề vai sát cánh, gắn bó nhau hơn với khoản lợi nhuận trên lưng lao động.

Xảy ra sự cố thì sao?

Đối phó

Một cán bộ có kinh nghiệm (phải) trong xuất khẩu lao động trút bầu tâm sự với phóng viên. Ảnh: Phạm Anh

Những kẻ làm ăn kiểu này luôn thủ các kịch bản đối phó sự cố. Dưới đây là một trong những kịch bản đó.

Ra nước ngoài làm việc, nếu gặp sự cố phải về nước hoặc không xuất cảnh được (không phải lỗi của lao động) thì lao động đòi lại tiền, cũng như khiếu nại ở đâu?

Đầu tiên là tìm đến cò. Cò sẽ có 1001 phương án trả lời. Khi lao động hỏi, đòi tiền, cò sẽ giải thích, đại khái như sau (PV nghe lao động phản ánh và tìm hiểu trên thực tế): “Tôi đã chuyển công tác đến Cty khác. Anh (chị) đến văn phòng đại diện nhé”, “Tôi là người giới thiệu, không trực tiếp thu tiền”. Tóm lại cò không có tư cách pháp nhân, là kẻ không có tóc.

Tìm đến Người đại diện, lao động được trả lời: “Mọi việc do Cty chỉ đạo, tôi là người thực hiện. Lãnh đạo Cty mới quyết được việc thanh lý hợp đồng, trả tiền cho lao động”...

Gặp lãnh đạo Cty, lao động lại ngao ngán: “Tôi chưa bao giờ làm thủ tục đưa anh (chị) đi xuất khẩu lao động. Ai ghi phiếu thu người đó trả tiền cho anh (chị)…”.

Lao động quay về gặp Người đại diện (người ghi phiếu thu tiền) truy hỏi lại nhận được: “Tôi thực hiện theo chỉ đạo Cty. Tiền chuyển về  Cty chứ, đâu vào túi tôi. Tôi lấy đâu ra tiền trả cho anh (chị)… Từ đây, lao động rơi vào vòng luẩn quẩn đòi tiền, mệt mỏi và tốn kém (chuyện này nằm trong ý đồ của ê kíp trên).

Nếu công an, báo chí vào cuộc thì họ có kịch bản gì?

Ứng phó với sự đổ bể

Khi cuộc đòi tiền không dẫn đến đâu, lao động tìm đến công an, báo chí nhờ giúp đỡ. Lúc này kịch bản ứng phó mới xuất hiện.

Khi bị báo chí, công an đặt vấn đề, đại diện Cty giẫy nẩy: “Chúng tôi chưa bao giờ làm thủ tục đưa những lao động này xuất cảnh. Chúng tôi bị mạo danh. Người đại diện ấy chưa bao giờ là người của Cty. Đề nghị công an, báo chí vào cuộc làm rõ…”.

Sao lại thế? Là thế này đây. Khi xem xét cho Người đại diện mở văn phòng Cty tại một số địa phương (một Cty có thể có nhiều chi nhánh trên cả nước), phòng sự cố xảy ra, tránh liên lụy nên Cty thường ký hợp đồng không dấu đỏ, giấy trắng mực đen mà thỏa thuận miệng với Người đại diện.

Đặc biệt để qua cầu rút ván, Cty đề nghị Người đại diện làm giấy tờ, con dấu của văn phòng khác đi chút ít so với Cty mẹ. Khi việc không thuận buồm xuôi gió, Cty phủi tay bằng việc quy cho Người đại diện mạo danh, làm giấy tờ giả (vì giấy tờ của văn phòng không khớp với Cty mẹ).

Chiêu này giúp Cty vừa tránh được trách nhiệm quản lý nhân sự (Người đại diện) vừa thoát được sự đeo bám của lao động (vì giấy tờ văn phòng phát hành không liên quan Cty mẹ) và tránh được rắc rối với pháp luật. Cũng từ chiêu này, nhiều lao động hàng tháng trời vẫn không tìm ra Cty nào đưa mình đi và đòi tiền cả năm trời cũng không hiệu quả.

Ai phải hy sinh, nếu không thể trốn tránh?

Dù sao vẫn phải có người chịu trách nhiệm cuối cùng trong chuyện này, nếu báo chí và công an đi đến cùng sự việc. Người đó là ai?

Một Người đại diện cho biết, hiện anh này làm việc với khá nhiều Cty có chức năng xuất khẩu lao động. Cách ăn chia với Cty mẹ tương ứng với các thị trường như sau: Malaysia 80 USD/lao động; Trung Đông 120 USD; Nga 150 USD…

Đó là Người đại diện! Chúng tôi đã gặp một số cò có thâm niên trong xuất khẩu lao động. Một cò kể:

“Tôi từng sống ở bên Nga nên có mối quan hệ bên đó. Thấy người ta làm môi giới xuất khẩu lao động giàu nhanh nên tôi tìm đặt vấn đề làm ăn với một Cty xuất khẩu lao động. Ông giám đốc gợi ý tôi mở văn phòng đại diện.

Ông này nói: “Xuất khẩu lao động là xuất hàng biết nói, dễ dính vào pháp luật nên phải có cách làm. Tôi cho chú mở văn phòng đại diện tại tỉnh chú, nhưng phải tuân thủ điều kiện của tôi.

Thứ nhất, tôi không ký hợp đồng với chú, chỉ thỏa thuận miệng. Thứ hai, tôi giúp chú tất cả giấy tờ, từ thẩm định đến ký duyệt hợp đồng… Mỗi lao động chú trả tôi 150 USD.

Cần lưu ý, phiếu thu và văn bản giấy tờ của văn phòng đại diện phải khác chút ít với Cty mẹ. Khi vỡ lở, chú phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, đừng kéo tôi vào. Chấp nhận thì làm”.

Cò này hỏi ông giám đốc kia: “Khi chúng ta không đưa lao động đi được, hoặc đi sang đó nhưng việc làm không như hợp đồng ký kết, họ kiện thì xử lý thế nào? Ông này nói: Khi đó ta đá bóng cho nhau, chú bảo cò, cò bảo chú, chú bảo tôi... Thậm chí đổ cho lý do khách quan, bất khả kháng, mỗi bên chịu một tí.

Hứa hẹn giải quyết, rồi hoãn. Hoãn càng nhiều càng tốt. Lao động đi lại mệt mỏi, tốn kém sẽ nản. Khi đó họ sẽ theo cách của ta. Đền bù kiểu gì ta vẫn có lợi nhuận”.  

Theo cách kể trên, cò này đưa được nhiều lao động ra nước ngoài và phải cống nộp 150 USD/lao động cho Cty mẹ. Nhưng số lao động đi đợt ấy có vài người công việc phập phù, sinh khiếu kiện rồi về nước. Cò này đến gặp giám đốc Cty mẹ chỉ cho cách giải quyết. “Chú bỏ tiền mà đền,  để họ đỡ kêu ca. Nếu báo chí, công an sờ gáy thì chú phải hy sinh. Ta thoả thuận thế rồi, đúng không”. Sau vụ đó, cò này bỏ nghề vì thấy nguy hiểm và tàn nhẫn.

Như vậy, mỗi khi đường dây kiểu này vỡ ra, vật hy sinh luôn là Người đại diện với tội mạo danh, lừa đảo, chiếm đoạt tiền lao động. Còn thủ phạm chính là Cty có chức năng xuất khẩu lao động lại trở thành nạn nhân (bị mạo danh, làm giấy tờ giả, ảnh hưởng uy tín…).

Bài “Cho lao động đi tàu bay giấy” (ngày 9/7) và “Thật giả lẫn lộn” (ngày 20/9), và trước đó là loạt bài “Rỉa tiền tỷ người nghèo” phản ánh hiện tượng nhiều lao động từ các miền quê của tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng... quá khó để tìm ra Cty thật đưa mình đi xuất khẩu lao động. Từ đây, chúng tôi phát hiện một lỗ hổng trong quy trình xuất khẩu lao động

(Theo Lê Đạt // Tienphong Online)

  • Hai giáo viên chiếm đoạt tiền tỷ của ngân hàng
  • Vụ sai phạm tại Vifon: Đã thu hồi 24 tỷ đồng
  • Lại một chiêu trốn thuế?
  • Hơn 3.300 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích
  • Lập hợp đồng khống 60.000 USD, lãnh đạo HAPULICO bị khiển trách
  • Bảo vệ cảng Hải Phòng rút ruột container
  • Vụ tiêu cực đất đai tại huyện Hóc Môn: Truy tố nguyên Chủ tịch UBND huyện và 9 đồng phạm
  • Ra mắt 21 cuốn sách pháp luật mới nhất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%