Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phi lý kinh phí công đoàn lấy từ quỹ lương

Công nhân may của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu quy định đối tượng phải đóng phí công đoàn là những đơn vị nơi có tổ chức công đoàn được thông qua thì sẽ làm giảm khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Quốc Hùng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng vừa phối hợp với Văn phòng Giới sử dụng lao động tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Công đoàn, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 3 tháng 5-2012. Hầu hết người tham dự hội thảo đều yêu cầu dự luật bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động.

Cơ sở pháp lý không thuyết phục

Thông tư liên tịch số 119/2004/TTLT/BTC-TLĐLĐVN, ngày 8-12-2004 về hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Thị Nhân và Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng ký, có dẫn ba căn cứ pháp lý là Nghị định số 133/HĐBT ngày 20-4-1991 hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và điều 4 Quyết định 53/1999/QĐ-TTg về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, điều 4 Quyết định 53/1999/QĐ-TTg nêu “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng nộp kinh phí công đoàn theo quy định tại thông tư này” và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP thì không đề cập gì việc thu kinh phí, mà chỉ có ba loại thu là thuế, phí và lệ phí, lại càng không quy định gì về việc thu kinh phí công đoàn.

Vậy chỉ còn căn cứ quan trọng nhất là Nghị định số 133/HĐBT ngày 20-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn. Nghị định này lấy căn cứ để thu phí công đoàn là điểm b, mục 2, điều 16 của Luật Công đoàn 1990, quy định các nguồn thu vào quỹ công đoàn gồm có “kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyển vào quỹ công đoàn theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.

Rất tiếc, không tìm thấy quy định của Hội đồng Bộ trưởng định nghĩa thế nào là quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quỹ mà các đại biểu Quốc hội đã thông qua ở đây được hiểu là quỹ phúc lợi và người sử dụng lao động phải trích một phần quỹ này cho công đoàn để chăm sóc người lao động trong nội bộ cơ quan, doanh nghiệp. Từ quy định như trên mà thông tư liên tịch lại hướng dẫn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải “nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động và các khoản phụ cấp lương” và trích nộp lên công đoàn cấp trên thì không có cơ sở, khó chấp nhận, và cần được xem xét lại.

Thứ nhất, công đoàn là tổ chức tự nguyện do người lao động thành lập để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình nên trong chừng mực nhất định, đây là tổ chức đối lập với người sử dụng lao động (trong trường hợp có xung đột quyền và lợi ích). Việc bắt buộc người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đóng một khoản tiền không nhỏ cho công đoàn hàng tháng là một điều rất vô lý. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã nhận ra bất hợp lý này khi cho rằng “lấy nguồn thu từ công đoàn để lo cho công đoàn thì mới đúng tính chất đại diện, lấy chỗ khác (tức người sử dụng lao động) để nuôi công đoàn là không được”.

Thứ hai, tại khoản 3, điều 26 về tài chính công đoàn, dự thảo nêu một trong các nguồn thu của công đoàn là “ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ”. Ghi như thế là hoàn toàn không đúng vì theo điều 10, Luật Ngân sách nhà nước 2002 “ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam)”. Như vậy, đối với công đoàn ngân sách nhà nước bảo đảm có nghĩa là cấp đủ chứ không phải chỉ cấp hỗ trợ như những tổ chức khác. Dự thảo đã làm cho người đọc hiểu sai là Nhà nước chỉ cấp hỗ trợ nên công đoàn không đủ kinh phí hoạt động và do vậy cần phải thu thêm từ người sử dụng lao động.

Hơn nữa, nếu đối tượng phải nộp kinh phí công đoàn như quy định tại Thông tư liên tịch 119 thì rõ ràng ngân sách cho công đoàn được cấp trùng hai lần: một lần do Chính phủ cấp theo Luật Ngân sách nhà nước và một lần (đóng 2% trên tổng số lương thực trả) từ người sử dụng lao động.
Nếu quy định đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn là những cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nơi có tổ chức công đoàn thì điều này sẽ thúc đẩy người sử dụng lao động tìm mọi cách ngăn cản việc thành lập công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình. Quy định này nếu được thông qua sẽ làm giảm khả năng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vì nó góp phần làm tăng chi phí, một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh thu hút đầu tư.

Không công bằng

Trước hết quy định này không công bằng với những tổ chức quần chúng tương tự (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...). Trong khi nguồn thu của các tổ chức này chỉ từ ngân sách nhà nước và từ phí của hội viên thì công đoàn lại được thu cả từ người sử dụng lao động. Đó là chưa kể đến khoản thu khá lớn từ hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ thuộc công đoàn nằm ở những vị trí đắc địa tại hầu hết các tỉnh thành.

Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, trong khi ở các nước doanh nghiệp không phải đóng khoản kinh phí này thì doanh nghiệp Việt Nam phải đóng, chưa kể doanh nghiệp đã phải đóng quá nhiều loại phí cả chính thức và không chính thức như hiện nay. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn sẽ giảm khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp không đóng phí và doanh nghiệp nước ngoài.

_________

(*) Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng

(Theo Nguyễn Diễn (*) // Thời báo kinh tế SG)

  • Thu 25 triệu đồng/ngày từ tiền "lót tay"
  • 9 bị cáo vụ Vinashin lĩnh tổng cộng 124 năm tù
  • Nỗi ám ảnh mang tên ngà voi
  • Thu đúng thu đủ trong lĩnh vực Hải quan: Còn lắm chông gai
  • Sửa đổi thuế thu nhập DN
  • Sẽ sửa toàn diện Luật Đầu tư 2005
  • Không có Tuyên bố xuất xứ, không được ưu đãi
  • Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cơ chế mới chống chuyển giá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%