Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phù phép thành hàng Việt

Kẹo, bánh, mứt Trung Quốc vẫn chiếm số lượng lớn. Người bán sử dụng nhiều chiêu thức để hô biến hàng Trung Quốc thành hàng VN

Những ngày này, tại các chợ Bình Tây, An Đông, Bến Thành... TPHCM, kẹo, mứt các loại bán xá, bên ngoài chỉ ghi tên sản phẩm chứ không có tên cơ sở, địa chỉ sản xuất bày bán rất nhiều. Một số sạp hàng ở chợ Bình Tây đổ kẹo, mứt ra các rổ nhựa lớn hoặc đổ đống trên các tấm nhựa cho khách lựa chọn.


Bánh, mứt, kẹo có xuất xứ Trung Quốc bán tại chợ Bình Tây. Ảnh: H.Thúy

Mập mờ xuất xứ

 Trong vai một khách mua sỉ bánh mứt về bán Tết, chúng tôi ghé một sạp ở chợ Bình Tây hỏi mua sô-cô-la. Chị chủ hàng đon đả mời tôi ăn thử 5 -6 loại sô-cô-la bao gói bằng giấy bóng kiếng đẹp mắt, quảng cáo là sô-cô-la hạnh nhân, sô-cô-la nhân hạt dẻ, sô-cô-la nhân đậu phộng, sô-cô-la hoa hồng... chào giá từ 62.000 đồng – 73.000 đồng/kg.

Vì chẳng thấy nhãn hiệu gì nên tôi hỏi: “Hàng này của Trung Quốc (TQ) hả chị? Em muốn mua sô-cô-la VN bán cho chắc ăn, sợ mua hàng TQ về khách tẩy chay, lỗ vốn...”. Chị ta trấn an: “Em cứ ăn thử, bảo đảm ngon tuyệt. Đây là hàng TQ nhưng là loại “xịn”, giá rẻ hơn năm rồi 3.000 đồng – 4.000 đồng/kg, em mang về bán lẻ cứ nói là sô-cô-la VN “chất lượng cao” hay hàng của Malaysia, Singapore gì cũng được. Loại nào cũng toàn bọc trong giấy bóng kiếng, đâu có chữ nào ghi là hàng TQ đâu mà lo. Sô-cô-la VN mẫu mã xấu, chất lượng kém hơn hàng này, bán chậm lắm!”. Chúng tôi đề nghị xem giấy tờ nhập khẩu cho chắc ăn thì chị này nói tránh: “Giấy tờ chị để ở nhà rồi”. Liếc mắt vào bên trong sạp hàng, chúng tôi thấy thùng giấy, bao tải (giống như bao đựng gạo) đựng kẹo, mứt in toàn chữ TQ xếp chồng la liệt, tuyệt nhiên không thấy thùng nào có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Ghé một sạp mứt khác ở chợ Bến Thành hỏi mua mứt kiwi và xí muội VN, chị bán hàng lôi từ dưới gầm sạp ra 2 túi ni lông lớn, xởi lởi: “Đây là hàng VN 100% do Đà Lạt và Hà Nội sản xuất, giá hơi cao (80.000 đồng/kg) nhưng bảo đảm”. Chị còn giới thiệu các loại ô mai, xí muội cổ truyền Hà Nội, mứt khoai lang sâm (khoai lang dẻo, trong) Đà Lạt...tất cả đều bán xá, không có bao bì, nhãn mác. Thế nhưng, theo các cơ sở sản xuất bánh, mứt uy tín tại TPHCM, mứt khoai lang sâm, mứt kiwi, mứt cà bi gần như 100% là hàng TQ vì hàng VN giá thành sẽ rất cao, không tiêu thụ được.


Bánh, mứt, kẹo có xuất xứ Trung Quốc được bày bán nhiều tại chợ Bình Tây (TPHCM). Ảnh: H.Thúy

“Lên đời” hàng ngoại

Theo người kinh doanh mứt lâu năm ở chợ Bình Tây thì ai bán sỉ ở chợ nói là không bán kẹo, mứt TQ là nói dối. Cứ nhìn vào các sạp sẽ thấy sản phẩm đủ loại, đủ màu sắc; quầy sạp càng phong phú chủng loại, màu sắc sản phẩm càng bắt mắt thì hàng TQ càng nhiều. Người ta ít công khai là hàng TQ vì gần đây xảy ra nhiều vụ báo động về chất lượng kẹo, mứt TQ khiến nhiều người tiêu dùng không còn chuộng loại hàng này. Hầu hết các loại mứt nông sản, trái cây nào VN sản xuất được đều có hàng TQ, từ mứt me, mứt gừng dẻo, ô mai, xí muội, khoai lang, hồng khô đến các loại kẹo đậu phộng, kẹo mè, kẹo bắp...

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy tiểu thương các nơi thường đến chợ Bình Tây mua bánh mứt TQ (loại không nhãn hiệu) về quảng cáo là hàng đặc sản địa phương, hàng nhập từ Mỹ, Ấn Độ... bán giá gấp rưỡi, gấp đôi giá gốc. Chẳng hạn, chà là TQ ở chợ Bình Tây chỉ 35.000 đồng – 40.000 đồng/kg, về chợ Bến Thành, An Đông giới thiệu là hàng Ấn Độ, Ả Rập giá 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg; nho khô TQ loại lớn 100.000 đồng/kg, về chợ lẻ “lên đời” thành nho khô Mỹ giá 150.000 đồng – 180.000 đồng/kg... Đặc biệt, có nhiều loại đặc sản Hà Nội, Đà Lạt nhưng địa chỉ sản xuất lại ở TPHCM, một số hộp chỉ ghi “đóng gói tại cơ sở...” chứ không có địa chỉ sản xuất... Thậm chí, một số DN tư nhân mua hàng TQ giá rẻ về sang chiết, đóng gói, dán nhãn cơ sở rồi đem bán ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng (đầu tháng 12, QLTT TPHCM phát hiện 3 cơ sở dùng xí muội, táo khô, mứt me TQ... rồi đóng gói, gắn mác Công ty Kim Lan).

Ông Phùng Tuấn Đạt, chuyên kinh doanh bánh mứt tại quận 11, cho biết bánh hộp hiện nay được nhiều người sang Malaysia, Indonesia kể cả TQ để đặt hàng với chất lượng rất kém. Hàng được đóng gói, vô hộp ngay tại nơi sản xuất và được sử dụng nhãn hiệu tự đặt nhái theo các nhãn hiệu nổi tiếng. Hoặc họ nhập hàng về kiểu hàng xá, vô bao đóng gói ghi xuất xứ trong nước và trở thành hàng VN chính hiệu...

Rất khó phân biệt

Theo ông Huỳnh Quốc Bảo, cán bộ ban quản lý chợ Bình Tây, dù tiếp xúc với hàng hóa hằng ngày nhưng... ông cũng chịu, không thể phân biệt được đâu là hàng trong nước, đâu là hàng TQ, hàng Mỹ, hàng Nhật... huống gì người tiêu dùng, lâu lâu mua một lần. Ngại nhất là hàng TQ nhập lậu, không rõ nguồn gốc... không thể biết được nhà sản xuất sử dụng hóa chất gì để chế biến và độ an toàn.

(Theo T.NHÂN – N.HẢI // Nguoilaodong Online)

  • 2010: Kiểm tra vấn đề môi trường, đất đai nổi cộm
  • Xử lý sau thanh tra tại EVN
  • Thuế tài nguyên có thể tăng mạnh
  • Vi phạm về môi trường bị phạt tới 500 triệu đồng
  • Huỷ bỏ phê chuẩn chức danh của Jetstar Pacific Airlines
  • Cấm nhập 8 loại hàng CNTT đã qua sử dụng
  • Huy động hơn 150 cán bộ và luật sư tham gia rà soát thủ tục hành chính
  • Vedan chính thức ký xác nhận bồi thường thiệt hại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%