![]() |
Mức thuế suất thuế tài nguyên mà BTC dự kiến cao hơn nhiều so với các mức thuế suất hiện hành |
Theo đề xuất của BTC, các loại khoáng sản kim loại như sắt, mangan, titan... sẽ phải chịu thuế tài nguyên theo mức 10% thay vì 7% như hiện hành (vàng bị điều chỉnh tăng từ 9% lên 12%). Các loại khoáng sản phi kim loại cũng bị điều chỉnh nâng thuế tài nguyên thêm từ 1 đến 4%. Trong đó, các loại tài nguyên làm vật liệu xây dựng cũng bị nâng thuế suất lên đáng kể như cát nâng từ 5 lên 7%; đá granit, đất sét chịu lửa, cao lanh, cát làm thuỷ tinh được nâng từ 7% lên 10%. Tài nguyên là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế quan trọng như than được điều chỉnh thêm 1% (từ 4% lên 5% hoặc từ 6% lên 7% tuỳ loại); DN khai thác khí thiên nhiên, khí than có sản lượng đến 5 triệu m3/ngày sẽ phải nộp thuế tài nguyên theo mức 1% thay vì 0% hiện nay.
Theo BTC, việc áp mức thuế tài nguyên phù hợp sẽ góp phần tăng thu ngân sách; khuyến khích các địa phương lựa chọn phương thức đầu tư, khai thác, chế biến tài nguyên hợp lý; đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp mũi nhọn cho phát triển kinh tế đất nước...
Theo Bộ trưởng BTC, ông Vũ Văn Ninh, với mức thuế suất hiện hành, số thu ngân sách từ thuế tài nguyên trong giai đoạn 2005-2008 bình quân đạt 23.200 tỷ đồng/năm, chiếm 15% tổng thu ngân sách.
Trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí đạt 22.160 tỷ đồng, chiếm 95,5% tổng số thu thuế tài nguyên; các tài nguyên khác chỉ đóng góp 1.040 tỷ đồng. Nhưng với thuế suất mới thì hàng năm, sắc thuế này sẽ đóng góp vào ngân sách 27.360 tỷ đồng, chủ yếu là tăng từ các loại tài nguyên khác ngoài dầu khí (tăng từ 1.040 tỷ đồng lên 3.360 tỷ đồng) do thuế tài nguyên đối với dầu khí hầu như không bị điều chỉnh.
Hiện cả xã hội đang quan tâm theo dõi câu chuyện giữa ngành than và ngành điện, bởi nếu giá than bán cho ngành điện tăng theo lộ trình (chưa tính đến phương án tăng thuế tài nguyên đối với than), thì giá bán điện sẽ tăng, kéo theo chi phí đầu vào của cả nền kinh tế tăng mạnh.
Theo phương án tăng giá điện năm 2010 vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình BTC và Bộ Công thương, nếu giá than tăng 138% (theo đúng giá thị trường) thì giá điện sẽ tăng lên gần 14%; giá than tăng 47% thì giá điện sẽ tăng 9%; giá than tăng 15% thì giá điện sẽ tăng 7% và nếu giá than chỉ tăng 10% thì giá điện sẽ tăng hơn 6%. Như vậy, việc tiếp tục tăng thuế tài nguyên có thể khiến ngành than phải tăng giá bán cho 4 hộ tiêu dùng lớn, trong đó có điện.
Với mức thuế suất thuế tài nguyên 12% áp dụng đối với hoạt động khai thác vàng, ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Công ty Vàng Phước Sơn dự báo, sẽ có không ít DN khai thác vàng phải đóng cửa, còn nếu để tồn tại, DN sẽ tập trung khai thác những mỏ dễ khai thác, những phần dễ khai thác, còn lại sẽ “hoàn thổ” và hậu quả là, mục tiêu khuyến khích DN khai thác tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả sẽ khó đạt được. Theo ông Tường, cần phải phân biệt thuế suất giữa các mỏ, mỏ giàu tài nguyên phải khác với mỏ nghèo tài nguyên; mỏ dễ khai thác phải khác với mỏ khó khai thác.
Theo bà Trần Quỳnh Anh (Công ty Liên doanh Mỏ Niken Bản Phúc), với Biểu thuế tài nguyên như dự kiến, Việt Nam sẽ trở thành một trong số ít nước có chế độ thuế đối với ngành khai thác khoáng sản cao nhất trên thế giới. “Việc áp thuế tài nguyên cao sẽ không khuyến khích DN đầu tư, khai thác tài nguyên, hạn chế việc khai thác tài nguyên hợp lý để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu có chính sách thuế tài nguyên hợp lý, DN sẽ bỏ vốn ra đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, qua đó sẽ giúp Nhà nước giải quyết vấn đề an sinh xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương”, bà Quỳnh Anh phân tích.
(Theo Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com