Trong khi các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp còn đang lần lữa về việc nuôi nhốt, cách ly lô rùa tai đỏ “khổng lồ” trót nhập khẩu về Việt Nam như thế nào cho an toàn, bao giờ tái xuất thì hiện rùa tai đỏ đã được bày bán tràn lan trên thị trường cả nước. Người dân đã mua rùa về làm cảnh hay phóng sinh ra các ao hồ, môi trường tự nhiên từ rất lâu.
Nhan nhản rùa tai đỏ ở Hồ Gươm
Mặc dù 40 tấn rùa tai đỏ nhập về đang được nuôi nhốt cách ly tại xã Phú Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), bị các cơ quan chức năng bắt buộc phải quản chặt để chờ tái xuất nhưng ở ngoài Bắc, rùa tai đỏ đã tràn lan trên thị trường và cả ao hồ, đồng ruộng.
Tại Hà Nội, hầu như đại lý, cửa hàng cá cảnh nào cũng có rùa tai đỏ hoặc khách có nhu cầu là chủ gọi người mang tới liền. Riêng trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) hiện có hàng chục cửa hàng bán rùa tai đỏ với giá chỉ có 40.000 đồng/con. Tại cửa hàng 626 Hoàng Hoa Thám, bà chủ cửa hàng cho biết, đã nhập rùa tai đỏ về bán từ 10 năm nay rồi.
Còn chị Nguyễn Thị Hạnh ở cửa hàng 713 Hoàng Hoa Thám thì bày tỏ: “Khách đến mua rùa rất đông. Có người mua để làm cảnh, thả trong bể cá. Cũng có người mua để mang đến chùa phóng sinh”.
Tại Mỹ, rùa và trứng rùa tai đỏ mà được phát hiện hoặc mua bán sẽ bị tịch thu và tiêu hủy theo thủ tục FDA. Có thể phạt tiền lên tới 1.000 USD và (hoặc) bị tù đến 1 năm nếu người sở hữu cố ý từ chối không tiêu hủy. |
Ở đây, có con rùa tai đỏ nặng tới 1,5kg với giá bán khoảng 250.000 đồng. Thậm chí, theo một người dân thì vào những ngày cuối tuần, ở khu chợ đêm Đồng Xuân cũng có người mang rùa tai đỏ tới bán cho du khách. Từ nhiều năm qua, người dân đã thi nhau mua rùa, trong đó chủ yếu là rùa tai đỏ vì kích cỡ nhỏ, chỉ dài bằng khoảng gang tay (15-20cm), màu sắc đẹp, để thả xuống Hồ Gươm cầu may vào các dịp lễ, rằm, tết. Hiện nay, lượng rùa tai đỏ ở Hồ Gươm có khá nhiều. Đi dọc bờ hồ, có thể gặp rùa tai đỏ nổi lên nhiều, trẻ em thường kéo nhau ra khu vực đền Ngọc Sơn để câu về bán lại cho du khách. Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh khác cũng có rùa tai đỏ.
Trong đó, năm nào tới hội chùa Hương (Mỹ Đức-Hà Nội) và chùa Yên Tử (Quảng Ninh) cũng có những người mang rùa tới bán. Ở chùa Hương, đoạn lên chùa Trình và dọc đường lên động Hương Tích, ngày nào cũng có 2-3 quầy bán rùa tai đỏ cho du khách. Rùa được thả trong xô, chậu. Mỗi con bằng khoảng bàn tay. Trên mai và cổ có sọc màu vàng, tai có vành đỏ. Tốc độ bán chậm nhưng gặp những hôm có đông sinh viên, học sinh đi chùa thì các em mua la liệt về để chơi. Giá mỗi con là 20.000-25.000 đồng.
Theo giáo sư chuyên về rùa Hà Đình Đức, mặc dù có nguồn gốc từ Bắc Mỹ nhưng lần đầu tiên, loài rùa lạ này được phát hiện ở Hồ Gươm vào năm 1997. Không hiểu bằng con đường nào, rùa được người dân nhập về Việt Nam để nuôi làm cảnh, và khi không còn nuôi nữa thì họ thả xuống Hồ Gươm. Hiện nay, bên cạnh việc người dân vẫn không ngừng thả rùa tai đỏ xuống hồ thì những con rùa được thả đã sinh sản ra rất nhiều.
Ông Đức lo ngại, mặc dù hiện chưa có nghiên cứu nào về việc rùa tai đỏ làm ảnh hưởng tới cân bằng sinh thái ở Hồ Gươm ra sao, song trong điều kiện nước cạn, nguồn dinh dưỡng bị thu hẹp thì sự xuất hiện ngày càng nhiều rùa tai đỏ sẽ có thể làm biến mất các loài rùa khác, thậm chí có thể làm mất nguồn gen bản địa
Hiện nay rùa tai đỏ đã xuất hiện ở TPHCM và được bày bán tại các cửa hàng cá cảnh trên đường Lý Chính Thắng với giá 35.000 đồng/con (ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 13-8-2010). Ảnh: THÁI BẰNG |
Ngăn chặn kinh doanh “rùa độc”
Theo Tổng cục Thủy sản, rùa tai đỏ có xuất xứ từ Bắc Mỹ, có thể sống tới 50 - 70 năm. Khi thoát ra tự nhiên, rùa tai đỏ sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, đưa đến phá vỡ cân bằng sinh thái (nguy hiểm không kém ốc bươu vàng, chuột hải ly, cá kim cương hay cây mai dương...). Bên cạnh đó, rùa tai đỏ có thể mang vi khuẩn salmonella, loại vi khuẩn gây bệnh thương hàn đối với người. Chính vì thế mà Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loài này đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.
Theo nhiều người thì việc để rùa tai đỏ, một loài rùa độc, thoải mái nhập vào Việt Nam suốt nhiều năm qua, và hiện đang bày bán tràn lan trên thị trường chứng tỏ sự lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động nhập khẩu các loài động vật nguy hại, mà ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ… là những bằng chứng.
GS Hà Đình Đức cho rằng, để đề phòng tai họa cho môi trường, không chỉ buộc công ty đã nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ về tỉnh Vĩnh Long phải đưa ra khỏi lãnh thổ mà các cơ quan chức năng cũng phải sớm có giải pháp ngăn chặn tình trạng rùa tai đỏ tràn ra thị trường như hiện nay, nghiêm cấm việc mua bán, nuôi thả rùa tai đỏ. “Từ năm 2006, tôi đã có đề tài nghiên cứu về rùa tai đỏ và chủ trương mà tôi đề nghị là phải tiêu diệt rùa tai đỏ”- ông Đức nói.
(Theo VĂN PHÚC HẬU // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com