Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rừng Phú Quốc bị đe dọa

Nhiều cây gỗ quý trong vườn quốc gia Phú Quốc bị đốn hạ không thương tiếc. Năm ha rừng tràm cũng bị người dân chặt phá, đốt để lấy đất làm nương rẫy
 
 Thời gian gần đây, nhiều vụ phá rừng trái phép liên tiếp xảy ra ở Vườn Quốc gia Phú Quốc, huyện đảo Phú Quốc-Kiên Giang.

Phần thân và ngọn cây ổi rừng trên 30 năm tuổi này được lâm tặc bỏ lại hiện trường


Ngang nhiên “xẻ thịt” rừng


Chạy dọc các con đường thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Phú Quốc qua các xã Gành Gió, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm..., chúng tôi nhận thấy còn rất ít cây gỗ lớn do sự hoành hành của lâm tặc.

Khu vực bị lâm tặc tàn phá nặng nề nhất là Tiểu khu 79, ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu. Dọc theo con đường đất đỏ từ UBND xã Gành Dầu về hướng Bãi Thơm, lúc nào cũng văng vẳng tiếng cưa máy phát ra cặp bìa rừng thuộc khu vực Rạch Cóc, ấp Rạch Vẹm.

Lần theo hướng có tiếng máy cưa phát ra, chúng tôi phát hiện một thanh niên đang “xẻ thịt” một cây ổi rừng cao lớn. Nơi cây bị đốn hạ chỉ cách đường lộ chừng 50 m nhưng người này vẫn vô tư hành động. Thấy có người lạ, người thanh niên liền thu dọn dụng cụ và đưa những lõi gỗ vừa xẻ được ra xe máy ngoài bìa rừng rồi rú ga chạy mất hút.


Men theo lối mòn nhỏ vào rừng, chúng tôi sửng sốt khi hàng loạt cây ổi rừng khác chỉ còn trơ gốc. Chỉ tay vào nửa thân trên cây ổi rừng bị bỏ lại hiện trường, anh D., một người dân địa phương, cho biết cây này phải từ 30- 40 năm tuổi và chỉ vừa bị đốn khoảng 5 ngày.
 
“Ổi rừng khoảng 30 – 40 năm tuổi thì phần lõi rất cứng nên được dùng làm chốt đóng ghe tàu biển thay cho đinh sắt. Mỗi cây chốt dài 2,5 cm và to bằng ngón chân cái. Một đầu to, một đầu vót nhọn và tròn được bán với giá 2.000 đồng. Một cây ổi rừng cao hàng chục mét nhưng người ta chỉ lấy những đoạn thẳng chẻ ra lấy lõi làm chốt. Ở đây có cả một xóm chuyên sống bằng nghề vót chốt tàu ghe biển”- anh D. cho biết.


Trước đó, tại Tiểu khu 79, hàng trăm cây chai từ 15 – 20 năm tuổi cũng bị lâm tặc tấn công. Sự việc được anh Nguyễn Đình Đức, người dân địa phương, phát hiện vào ngày 15-4.

“Đất rẫy tôi nằm cặp bìa rừng. Hôm đó, tôi nghe tiếng cưa máy đốn cây. Đến chiều, tôi phát hiện một lượng lớn gỗ chai tại bìa rừng nên liền đi báo cho kiểm lâm biết, nhưng chẳng ai tin tôi. Mãi đến một tuần sau, kiểm lâm, công an xã mới đến nhà tôi yêu cầu dẫn vào hiện trường. Lúc này, toàn bộ số gỗ trên đã bị lâm tặc tẩu tán ra khỏi rừng, chỉ còn trơ lại gốc”- anh Đức nói. 


Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây chai rừng thuộc nhóm gỗ quý hiếm và có giá trị kinh tế rất cao. Chính vì thế, loài cây quý hiếm này đang được xác định là loài đặc hữu của rừng Phú Quốc.


Không quản lý xuể?


Sau khi hàng loạt vụ phá rừng được người dân phản ánh, Huyện ủy Phú Quốc đã thành lập đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Đức Chiêu, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, làm trưởng đoàn. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã kết luận sự việc là có thật.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc, cho rằng chỉ có 87 cây chai rừng bị đốn tại khu vực anh Nguyễn Đình Đức phát hiện.

Trước sự việc này, lực lượng kiểm lâm đã tiến hành lập biên bản bà Trần Thị Lan (ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu) vì đã đốn 37 cây chai rừng về làm mái che trước nhà.

“Ngoài ra, chúng tôi không xác định được những đối tượng nào khác phá rừng trái phép”- ông Tiệp cho biết. Cũng theo ông Tiệp, những cây chai rừng bị chặt phá chỉ là mầm tái sinh khoảng 15-20 năm tuổi, vì từ khi thành lập Vườn Quốc gia Phú Quốc đến nay, khu vực này đã không còn cây cổ thụ.


Ngoài những loài gỗ quý hàng chục năm tuổi bị tàn sát, còn có khoảng 5 ha rừng tràm thuộc Tiểu khu 79 bị người dân chặt phá, đốt để làm rẫy. Ông Tiệp cho rằng do khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Phú Quốc có nhiều hộ dân sinh sống nên rất khó kiểm soát. Do vậy, chuyện chặt phá cây rừng để bao chiếm đất làm nương rẫy là không tránh khỏi.

“Vườn Quốc gia Phú Quốc có diện tích 31.422 ha, cộng thêm diện tích vùng đệm hơn 6.000 ha, trong khi đó lực lượng kiểm lâm chỉ có khoảng 50 người nên không thể bao quát hết địa bàn”- ông Tiệp lý giải.

Có hỏi kiểm lâm trước khi đốn cây?


Bà Trần Thị Lan, người bị lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc lập biên bản vi phạm hành chính vì tự ý chặt phá cây chai rừng, cho biết trước khi chặt cây đã có hỏi một kiểm lâm. “Chú Th. nói dì cứ đốn đi, khi nào đem cây ra thì báo tôi biết là được rồi. Mấy chú không đồng ý sao tôi dám chặt. Vậy mà lại xử phạt tôi hết 480.000 đồng”- bà Lan trình bày.


Mặc dù đã xác định được bà Lan là người chặt phá cây chai rừng, nhưng đến nay tang vật vẫn không được các ngành chức năng ở Phú Quốc thu giữ. Và số gỗ rừng này vẫn được bà Lan để ở nhà mình. 

(Bài và ảnh: QUỐC DŨNG // Nguoilaodong Online)

  • Ngành tài nguyên: Gần 99% khiếu nại, tố cáo là về đất đai
  • Hoạt động xây dựng luật phải đúng tiến độ và chất lượng
  • Sau loạt bài Rỉa tiền tỷ người nghèo:
  • Bắt khẩn cấp Giám đốc Vineco
  • Bắn thủng lốp ôtô để cướp tiền tỷ
  • Lừa đảo, nữ cán bộ ngân hàng lĩnh 20 năm tù
  • Vụ "Rỉa tiền tỷ người nghèo": "Cò" và người tàng hình
  • Vụ án chỉnh trị cửa sông Đà Nông (Phú Yên): Khởi tố Phó Giám đốc Sở Xây dựng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%