Công an Hà Nội đang mở rộng điều tra vụ Rỉa tiền tỷ người nghèo (Tiền Phong sẽ cập nhật thông tin việc xử lý các đơn vị, cá nhân liên quan, theo dòng thời sự) và đây là thời điểm để nhìn sâu hơn công nghệ lừa đảo xuất khẩu lao động...
Ba lao động này đã có mặt tại Hà Nội để theo đuổi một cuộc đòi lại tiền dự báo là gian nan Ảnh: Phạm Anh |
Như Tiền Phong phản ánh tại bài đầu tiên (Dùng chữ ký thứ trưởng để lừa đảo: Rỉa tiền tỷ người nghèo - ngày 25/5/2009), lá bùa mê hoặc lao động nghèo là Thông báo số 37/TBXH, ngày 10/3/2009 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho phép Cty ChangShin Việt Nam đưa lao động có danh sách kèm theo sang Hàn Quốc làm việc, do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà ký.
Thông báo này được phát cho các cò từ Đồng Nai ra Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh… để tuyển lao động, giá 12.500 USD.
Một phần âm mưu lừa đảo của đường dây này, Tiền Phong đã đưa ra ánh sáng và PC15 đã vào cuộc. Nhưng, để chỉ ra ai là trùm đường dây, ai sản xuất văn bản giả chữ ký ông thứ trưởng và nhiều vấn đề nữa, PC15 Công an TP Hà Nội đang tìm câu trả lời.
Xin lại vén thêm một tấm màn bí mật trong hành trình dài mà phonga viên Tiền Phong đang theo đuổi.
… Tại PC15, Giám đốc VINECO Trần Ngọc Hương thú nhận tất cả mánh khóe làm ăn như Tiền Phong phanh phui và nhận mình chỉ là một mắt xích trong đường dây lừa đảo quy mô toàn quốc này.
Cty VINECO thành lập năm 2000, chức năng tư vấn du học. Tháng 3/2009, VINECO được Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Thành phố Hà Nội cấp phép tư vấn giới thiệu việc làm trong nước.
Thời điểm này, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc VINECO (vợ ông Hương), có quan hệ làm ăn với một phụ nữ cũng tên Phương ở Đồng Nai. Người này đã dẫn dắt VINECO đến với ChangShin (trụ sở tại Đồng Nai). Và cuộc kết nối bắt đầu.
Đầu tháng 4/2009, tôi gửi cho Cty ChangShin một bản hợp đồng tuyển dụng cung ứng lao động theo mẫu Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Sau đó, Cty ChangShin fax lại cho tôi một bản hợp đồng đã ký và đóng dấu Cty ChangShin.
Tôi ký và đóng dấu và gửi lại cho Cty ChangShin (hoàn tất việc ký hợp đồng của hai bên - PV). Tất cả việc này đều làm qua chị Phương ở Đồng Nai… Trong quá trình thực hiện hợp đồng tuyển dụng với ChangShin, tôi hoàn toàn không biết thông tin về Cty ChangShin - Lời khai của ông Hương.
Việc kết nối này, ông Hương chỉ thông qua chị Phương ở Đồng Nai và làm việc qua fax, chứ chưa một lần gặp gỡ, đàm phán với người có tư cách pháp nhân của ChangShin. Vậy, văn bản giả chữ ký Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà có mặt tại Cty VINECO và các cò ở miền Bắc như thế nào? Ông Hương là người sản xuất văn bản ấy?
Triệu tập Phó Giám đốc và Kế toán Cty VINECO Ngày 3/7, Phòng Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội (Đội 6 - PC15) gửi giấy triệu tập tới bà Nguyễn Thị Phương - Phó Giám đốc VINECO, và bà Đặng Thị Sử, Kế toán VINECO (mẹ bà Phương), để làm rõ một số nội dung liên quan lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu xuất khẩu lao động. Kể từ khi có lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở và nơi ở và bắt khẩn cấp ông Trần Ngọc Hương (Giám đốc Cty VINECO), cơ quan điều tra cũng như ông Hương (chồng bà Phương) nhiều lần liên lạc với bà Phương những vẫn chưa gặp được bà này. Theo cơ quan điều tra, hết thời hạn triệu tập, nếu không đến cơ quan điều tra làm việc, bà Phương sẽ bị truy nã. |
Tôi chỉ biết Cty ChangShin có 100% vốn nước ngoài và cũng không có chức năng xuất khẩu lao động. Tôi và vợ tôi có nhận qua fax một số văn bản do Cty ChangShin gửi như sau: Thông báo lịch tập trung lao động, lịch bay; danh sách lao động trúng tuyển; visa (bản photocopy), Thông báo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội số 37 (văn bản giả chữ ký Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa - PV) về việc cho phép Cty ChangShin đưa lao động sang Hàn Quốc - Lời khai ông Hương.
Như vậy, ông Hương chỉ nhận văn bản giả chữ ký Thứ trưởng Hoà từ Đồng Nai, qua fax và cũng không biết thật hay giả (?). Từ văn bản này, ông Hương đưa cho các cò để lấy lòng tin, tuyển lao động.
Ông Hương thú nhận không biết ai làm giả chữ ký ông Hòa, ai điều khiển đường dây, mà chỉ thực hiện việc của mình là tuyển, thu tiền theo điều khiển của người tàng hình.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, văn bản giả chữ ký ông Hoà được sản xuất tại Đồng Nai rồi gửi ra miền Bắc. Sau đó kẻ làm giả chữ ký này thu tiền lao động qua tay cò và không biết ai điều khiển. Ai làm công đoạn nào ăn hoa hồng công đoạn ấy, số còn lại chuyển lên trên.
Như ông Hương thú nhận: Số tiền thu từ người lao động, vợ tôi cho biết đã chuyển cho chị Phương ở Đồng Nai và ChangShin (theo ông Hương là 174.000 USD nhưng có thể gấp bốn lần con số ấy). Hiện tôi chưa có chứng từ chứng minh việc chuyện tiền này...
Cần nói thêm, trong việc này ông Hương là nạn nhân của vợ - ông chỉ là con rối cho vợ giật giây. Có nhiều việc bà Phương làm ông Hương không được biết. Tại PC15, ông Hương nói như vậy.
“Người cầm đầu đường dây này rất bí hiểm, điều hành theo kiểu việc ai người nấy biết, thu tiền qua tay cò (không hóa đơn chứng từ), không được tiếp xúc, hỏi han thông tin gốc” - Thú nhận của một cò đã rửa tay gác kiếm. Cò này thu tiền của năm lao động nhưng khi Tiền Phong phản ánh các chiêu lừa của đường dây nên chủ động trả lại người lao động và hợp tác cung cấp thông tin cho phóng viên.
Nguồn tin riêng của Tiền Phong nhận định, có thể nhiều Cty Việt Nam (có và không có chức năng xuất khẩu lao động) quan hệ làm ăn trong vụ này. Vây quanh các Cty này là các cò với cách làm việc biến ảo khó lường.
“Vì thị trường xuất khẩu lao động bị thu hẹp, thiếu hấp dẫn nên các đường dây kiểu này mới có đất sống. Đây là cái bẫy lớn mà Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội phải suy nghĩ” – Người cung cấp thông tin bình luận.
Những kẻ giấu mặt sẽ được lôi ra ánh sáng nếu bà Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc VINECO, hợp tác với cơ quan công an. Bà Phương đã bỏ trốn.
Kẻ xấu nói tin ngay - Công an nói thì nghi ngờ Giám đốc VINECO bị bắt, phó giám đốc bỏ trốn, các cò bỏ chạy - nhiều lao động giờ mới tin cơ hội sang Hàn Quốc đã khép lại. Không phải chiến sỹ PC15 buồn lòng trước sự thiếu hợp tác của một số lao động mà chúng tôi cũng bất ngờ khi đến giờ lao động mới tỉnh ngộ. Trước đó, có lao động ra sức bảo vệ vợ chồng ông Hương và không cung cấp thông tin cho phóng viên. “Kẻ lừa đảo nói thì tin ngay, Công an nói thì nghi ngờ…” - Một điều tra viên PC15 nhún vai. Trước khi bị bắt, Giám đốc VINECO muốn được khắc phục hậu quả. Có thể lao động sẽ được nhận lại tiền. “Tiền nộp cho cò thì có lấy được không?” – Đây là câu hỏi của nhiều lao động nộp tiền cho cò trước khi đến với VINECO. “Hãy báo với chính quyền địa phương để truy tìm cò và đòi lại tiền” - Một chiến sỹ PC15 khuyên. Phạm Anh |
(Theo Lê Đạt // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com