Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng thuế khoáng sản gắn với tăng quản lý

Tổng trữ lượng vàng nước ta khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn

Dự thảo Nghị quyết về Biểu mức thuế suất tài nguyên đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế suất các loại khoáng sản sẽ tăng đáng kể.

Bộ Tài chính cho biết, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Kết quả thực hiện cho thấy, cần thiết phải rà soát điều chỉnh lại mức thuế suất đối với một số loại tài nguyên.

Không khuyến khích khai thác tài nguyên

Việc tăng thuế, theo Bộ Tài chính là nhằm thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, bảo vệ nguồn tài nguyên để phục vụ sản xuất trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Theo biểu mức thuế suất thuế tài nguyên thì nhóm khoáng sản kim loại bao gồm 13 loại, với 4 mức thuế suất là 10%, 11%, 12% và 15%. Ban soạn thảo nghị quyết cho rằng, cần điều chỉnh lại mức thuế suất của một số loại khoáng sản cho phù hợp.

Để góp phần bảo vệ nguồn quặng sắt phục vụ sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đề nghị tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với sắt từ 10% lên 15%.

Với việc tăng mức thuế suất nêu trên, số thu thuế tài nguyên đối với quặng sắt dự kiến khoảng 320,3 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 106,8 tỉ đồng. Mặt hàng titan được đề xuất tăng khung thuế suất lên 7-20% từ mức thuế suất hiện hành là 11%.

Để đảm bảo phục vụ nhu cầụ trong nước, hạn chế xuất khẩu thô tinh quặng và khuyến khích các DN khai thác đầu tư công nghệ tiên tiến chế biến sâu tinh quặng titan để xuất khẩu, ban soạn thảo đề nghị tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với titan từ 11% lên 16%.

Mặt hàng vàng cũng được đề nghị áp thuế ở mức 9-25%, thuế suất hiện hành là 15%. Tổng trữ lượng vàng nước ta khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn. Theo Bộ Tài chính, công nghệ khai thác, chế biến vàng của các DN trong nước chưa cao, hiệu quả kinh tế đạt thấp, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh tác động xấu về môi trường.

Hai mặt hàng đồng và niken được đề xuất tăng khung thuế suất 7-25% từ mức thuế suất hiện hành là 10%. Với mức thuế suất dự kiến tăng lên (15%), lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm còn 848.662 đồng/tấn. Việc tăng mức thuế suất này sẽ giúp số thu thuế tài nguyên từ hai mặt hàng này đạt khoảng 412,3 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 137,4 tỉ đồng.

Thuế - chỉ là phương án đầu tiên 

Thuế khai thác tài nguyên mỏ chỉ là:
2009: 19.392 tỉ đồng, 2010: 26.014 tỉ đồng, 2011: 39.299 tỉ đồng, 2012: 41.313 tỉ đồng.

Để thực hiện mục đích không khuyến khích việc khai thác nhanh, nhiều tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế lớn, ăn dè tài nguyên trong sử dụng, để phục vụ dài lâu sản xuất trong nước, cân đối hài hoà lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, thì bên cạnh việc quản lý chặt chẽ tài nguyên, hạn mức cấp phép khai mỏ, đẩy mạnh công tác giám sát khai thác và xuất khẩu khoáng sản, phải dùng đến biện pháp đánh thuế cao mà chế ngự. Việc tăng mạnh thuế khoáng sản cũng sẽ không dễ dàng thu lợi cao qua lối khai thác không tái tạo khoáng sản, bắt buộc các DN khai khoáng hoặc là phải dừng bớt việc khai mỏ, hoặc cân đối thu chi, lời lãi qua việc tìm cách tái tạo chế biến khoáng sản để bán được với giá cao hơn khi xuất khẩu. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với nghị quyết này. Trong các ý kiến đóng góp, nhiều cơ quan, chuyên gia, ủng hộ việc tăng thuế. Song, cũng không ít ý kiến đề nghị Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ, vì trong tình hình còn quá lỏng lẻo, kém hiệu quả về quản lý khai thác khoáng sản như hiện nay thì việc tăng mạnh thu thuế, nâng cao thuế suất chưa chắc đã tăng thu nổi. Mà trái lại, sẽ khiến cho không ít DN khai thác khoáng sản chuyển sang khai thác lậu để trốn thuế, hoặc khai gian, hối lộ, mặc cả ăn chia để trốn bớt thuế, vin vào cớ thuế thu nhập DN cao đó để không đóng thuế môi trường, không phân bổ lợi ích trở lại cho địa phương, người dân vùng có mỏ.

Bởi vậy, chỉ tăng thuế suất đánh vào khai thác khoáng sản không thôi thì chưa đủ, mà phải đi liền với việc tăng các biện pháp mạnh mẽ trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, phát hiện và xử phạt nghiêm các vụ việc khai thác lậu, xuất khẩu lậu khoáng sản, các cấp quản lý kinh tế nên có sự định hướng cho các DN.

Hiệu lực thi hành nghị quyết được đề nghị áp dụng từ ngày 1/1/2014. Rõ ràng, từ nay đến lúc đó, cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm.      

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Khối FDI hồi hộp chờ ưu đãi thuế từ luật mới
  • Doanh nghiệp FDI có cơ hội thoát “án treo” phạm luật
  • Đề nghị giảm thuế TNDN xuống 20%: Tiếp sức cứu doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp FDI có cơ hội thoát “án treo” phạm luật
  • Lương lãnh đạo tập đoàn kinh tế cao nhất 36 triệu/tháng
  • Trẻ sơ sinh cũng phải có mã số thuế
  • DN vận tải Hải Phòng : “Oằn mình” trước phí
  • Nguy cơ mất tiền tỷ vì bút phù thủy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%