Thủ tục hành chính hiện là một rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp |
Đại điện của một doanh nghiệp Pháp phải thốt lên, cho dù yêu quý Việt Nam tôi vẫn quyết định mở rộng sản xuất ở Ma-rốc. Môi trường đầu tư của Việt Nam đang kém dần sức hấp dẫn vì chính những rào cản thủ tục hành chính.
Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị thường kỳ lần thứ hai giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vừa qua đã chọn chủ đề là “Cải cách thủ tục hành chính”. Mỗi hiệp hội có một số đại diện, và vị đại diện nào cũng có ý kiến. Điều này nói lên một thực tế, nếu quá trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) không được đẩy mạnh và duy trì thì các con số thu hút đầu tư khó lòng được như mức đã từng có.
Mất cơ hội đầu tư
Chuyện bị TTHC “hành” thì không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà chính doanh nghiệp trong nước cũng gặp phải. Nhưng dẫu sao, khi một người nước ngoài như ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham), lượng hóa thiệt hại từ TTHC bằng con số - Việt Nam có thể bị mất từ 20 - 30% chi phí do hệ thống hành chính không hiệu quả, cũng khiến người trong cuộc không thể không suy ngẫm.
Từ góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cũng tham gia tổ công tác thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước (gọi tắt là Đề án 30). Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã phải chuyển tải thông điệp rằng, hệ thống thủ tục hành chính của Việt Nam vừa chưa đơn giản, vừa thiếu hiệu quả.
Đi kèm với nó là các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Đơn cử như việc thông quan hàng hóa, một thông số không thể thiếu trong quyết định đầu tư của mỗi doanh nghiệp, đến nay vẫn là vướng mắc chưa thể giải được. Một thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcham), ông Choi Hyung Joon cho biết: “Không một nhà đầu tư nào có thể đưa ra được một câu trả lời chính xác về thời gian thông quan. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sản xuất”.
Còn Tổng thư ký Korcham, ông Hong Sun, đồng thời là Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Phát triển HS thì khuyến nghị, chính việc thay đổi cơ chế chính sách một cách khó đoán định khiến nhà đầu tư nước ngoài mất cơ hội và khó tránh khỏi nản lòng. Dẫn ví dụ từ chính việc giải phóng mặt bằng chậm của công ty mình, ông cho biết, khởi đầu công ty ông nhận được quyết định giao đất của tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng chưa kịp triển khai thì Hà Nội mở rộng, công ty của ông cũng cùng về với Hà Nội. Mới đây, một quy định về giá đất và đền bù, giải phóng mặt bằng được ban hành, đẩy giá đền bù tăng vọt đến hơn 5 lần khiến cho công ty này gần như bế tắc trong triển khai dự án.
Điều đáng nói, cùng trong hoàn cảnh “chẳng tiến cũng chẳng thể lùi” như dự án của công ty ông Hong Sun còn có hơn 900 dự án trên địa bàn Hà Nội, đã có quyết định thu hồi đất, đang triển khai giải phóng mặt bằng dang dở. Bản thân Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cũng phải thừa nhận rằng, Nghị định 69 (Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009), sẽ gây tác động rất mạnh, theo chiều hướng ngắn hạn là không thuận lợi lắm. Chi phí đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nghiệp sẽ tăng rất nhanh.
24 bộ, ngành và 63 địa phương đã công khai chức phận của mình tính đến thời điểm này |
Ông Hong Sun ví von một cách hình ảnh là, những dự án khu công nghiệp cũng giống như mặt hàng tiêu dùng, nếu không hấp dẫn khó lòng thu hút được nhà đầu tư. “Doanh nghiệp chấp nhận những thay đổi trong thủ tục, luật lệ nhưng cần phải thấu đáo và nhanh chóng để không lỡ cơ hội của doanh nghiệp”, ông Hong Sun chốt lại.
Một điều khiến các doanh nghiệp nước ngoài lấy làm “khó hiểu” chính là cấu trúc thuế hiện nay của Việt Nam không khuyến khích việc sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. “Nhập một chai nước có thể rẻ hơn nhập một cái vỏ chai”, Tổng thư ký Korcham nêu ví dụ. Như vậy sẽ khó lòng có được một nền công nghiệp mạnh. Thắc mắc này lập tức nhận được sự chia sẻ từ phía Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) Hiroaki Yashiro. Ông cho rằng, về nguyên tắc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thông thường những nội dung quan trọng nhất sẽ được đưa vào luật, nghị định. Thế nhưng, ở Việt Nam, những nội dung này thường nằm trong các thông tư hướng dẫn nhiều hơn. Và nhiều khi ý kiến của các bộ ngành “vênh nhau” khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận và thực thi các quy định mới, ông Hiroaki Yashiro nhấn mạnh. Vậy nên, vị Chủ tịch JBAV lên tiếng: “Chúng tôi mong muốn có một khung pháp lý và cách thức áp dụng luật minh bạch, hệ thống luật đầy đủ và đối tượng điều chỉnh phải được tôn trọng hơn”. Còn Alain Cany khuyến cáo, nếu những rào cản TTHC được giải quyết sẽ giúp tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. “Đề án 30 đi trước, giám sát đi sau” Lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp, Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Ngô Hải Phan chỉ ra, việc Chính phủ giao chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm tương ứng được 30% chi phí xã hội. Tổng thư ký VCCI Phạm Gia Túc cho biết thêm, chỉ riêng trong giai đoạn một thực hiện Đề án 30 đã có hơn 1.000 văn bản trong tổng số hơn 5.000 văn bản hiện có bị bãi bỏ. Tuy nhiên, hoàn thành giai đoạn 1, thống kê lại vẫn còn khoảng hơn 5.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền trong cả nước. Đó là do vẫn còn khoảng 1.000 thủ tục hành chính ban hành không đúng quy định, chồng chéo…, vẫn được áp dụng trong nhiều năm qua. Để giải quyết tình trạng này, giai đoạn hai sẽ được tiến hành triệt để hơn tại 11 lĩnh vực. Ông Phan thông báo, hiện các thành viên trong Tổ công tác đang rà soát các thủ tục hành chính mang tính ưu tiên, ngày 30/10 tới đây sẽ có kết quả bước đầu. Trong tháng 12 sẽ có một gói kiến nghị ưu tiên đầu tiên trình Chính phủ. Nhóm cuối cùng vào tháng 5/2010. Ngoài mục tiêu là khắc phục sự chồng chéo của các văn bản; thực thi pháp luật liên quan đến ban hành và triển khai văn bản, thủ tục hành chính; sắp tới sẽ tiến hành đánh giá về tác động của chính sách, thủ tục đó trên ba tiêu chí: sự cần thiết, tính hợp lý và hợp pháp. Đồng thời, vai trò giám sát của người dân, doanh nghiệp cũng sẽ được đề cao hơn, đặc biệt là giám sát quá trình văn bản đi vào đời sống, ông Phan nhấn mạnh. Tiếp lời, ông Phạm Gia Túc cung cấp thêm thông tin, VCCI đã đăng ký 4 lĩnh vực (thuế, hải quan, sử dụng lao động, đăng ký kinh doanh) để đứng ra tổ chức tham vấn doanh nghiệp đóng góp cho cải cách. Rõ ràng, quyết tâm đi đến cùng Đề án 30 là bước đi quan trọng trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, hiệu quả hơn cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đã kiến nghị Chính phủ thành lập tổ giám sát thực hiện cải cách TTHC hậu Đề án 30. “Cải cách phải là dòng chảy liên tục và tạo nên một hiệu ứng tích cực trong xã hội, khi mà mọi sáng kiến từ cộng đồng được động viên cùng vì mục đích chung - xây dựng môi trường kinh doanh của Việt Nam cạnh tranh nhất trong khu vực”, ông Lộc nhấn mạnh.
(Theo Thảo Nhi // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com