Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiền bán cổ phần EVN đi đâu?

Song song với quá trình cổ phần hoá ở tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (Sài Gòn Tiếp Thị thông tin trong số báo trước), Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc cổ phần hoá ở tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ba công ty cổ phần trực thuộc tập đoàn này. Có những sai phạm khá giống với sai phạm trong cổ phần hoá ở tập đoàn Bưu chính viễn thông nhưng ở EVN, còn có những dạng sai phạm đáng lo ngại mà Thanh tra Chính phủ phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý.

Sai từ tập đoàn

Cho đến thời điểm kết thúc cuộc thanh tra (11.2009), EVN đã thực hiện cổ phần hoá 30 đơn vị. Cho dù số lượng đơn vị, doanh nghiệp đã cổ phần hoá như vậy là chưa nhiều và chưa phải là những doanh nghiệp lớn nhất nhưng tổng giá trị phần vốn nhà nước của các đơn vị tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá đã lên tới 8.257,7 tỉ đồng. Bán cổ phần ở các đơn vị này, EVN đã thu về 6.457 tỉ đồng, một nguồn lực không nhỏ mà ít được thấy EVN nhắc đến cho việc đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện do tập đoàn này thực hiện. 5.700 tỉ đồng trong số đó đã được EVN chuyển sang nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận).

Tuy nhiên với số doanh nghiệp đã cổ phần hoá so với số đơn vị trực thuộc EVN phải cổ phần hoá (là 55 đơn vị, hoàn thành vào năm 2008) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì quá trình cổ phần hoá ở EVN đã là chậm. Đã thế, lại có những đơn vị lớn như nhà máy nhiệt điện Phả Lại và nhà máy thuỷ điện Thác Bà ban đầu không hề có tên trong danh mục các doanh nghiệp thuộc EVN được tiến hành cổ phần hoá lại được EVN triển khai cổ phần hoá. Theo Thanh tra Chính phủ thì việc này là làm sai nội dung các quyết định của Thủ tướng khi phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc EVN.

Sự tuỳ tiện của EVN với tư cách là tập đoàn lớn của Nhà nước còn thấy ngay ở việc sử dụng tiền bán cổ phần. Tập đoàn này đã không thành lập quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp tập đoàn như Chính phủ đã quy định. EVN cũng không chấp hành các quy định về giám sát tài chính biểu hiện qua việc hàng năm không xây dựng kế hoạch thu, chi gửi bộ Tài chính; không lập các báo cáo định kỳ. EVN có cách làm riêng của mình: các báo cáo quỹ hàng năm thực hiện chung với hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Nhưng theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, điều này là không đúng với quyết định số 174/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng và quyết định của bộ trưởng Tài chính khi ban hành quy chế quản lý và sử dụng quỹ Hỗ trợ, sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Có lẽ chính từ đây lại sinh ra những sự tuỳ tiện khác. Trong tổng số tiền bán cổ phần thu được, có gần 757 tỉ đồng, EVN đã đem chi tạm ứng cho các dự án đầu tư mà không hề báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

… đến các đơn vị thành viên.

Tại các đơn vị thành viên của EVN, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sự tuỳ tiện trong sử dụng, đánh giá, định giá tài sản nhà nước khi tiến hành cổ phần hoá. Tại ba đơn vị được thanh tra, đoàn thanh tra cho rằng, trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, các đơn vị này và tư vấn đã tính toán sai quy định cũng như thực hiện không đúng thông tư hướng dẫn của bộ Tài chính, không áp dụng đúng suất đầu tư do viện Kinh tế, bộ Xây dựng ban hành dẫn đến làm giảm giá trị doanh nghiệp từ đó làm giảm giá trị phần vốn góp của nhà nước với số tiền trên 4,47 tỉ đồng. Riêng công ty nhiệt điện Phả Lại đã làm giảm giá trị vốn góp nhà nước trên 2,38 tỉ đồng. Một vấn đề khác được làm rõ qua thanh tra EVN và các đơn vị thành viên là nhiều doanh nghiệp của EVN đã quản lý, sử dụng sai số lượng đáng kể tài sản không dùng. Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh còn chưa bàn giao cho công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng tại doanh nghiệp (công ty này trực thuộc bộ Tài chính) theo quy định, gây tồn đọng tài sản trên 2 tỉ đồng. Công ty cổ phần điện lực Khánh Hoà khi cổ phần hoá cũng đã không tính vào giá trị doanh nghiệp nhiều tài sản như các công trình nhà ở tại

Nha Trang… Nhưng rất lạ là các công ty này sau khi loại bỏ những tài sản được cho là “không cần dùng” với giá trị khá lớn ấy lại tiếp tục sử dụng số tài sản này.

Đoàn thanh tra cũng phát hiện một số đơn vị cổ phần hoá của EVN đã không chấp hành quy định về cổ phần hoá như công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh đến thời điểm thanh tra vẫn chưa nộp đủ phần vốn nhà nước về công ty mẹ – tập đoàn EVN số tiền còn phải nộp gần 15 tỉ đồng. Công ty này còn thanh lý một số loại tài sản nhưng lại không hề tính vào giá trị doanh nghiệp. Ở công ty cổ phần điện lực Khánh Hoà cũng có chuyện tương tự: chậm nộp tiền bán cổ phần và phần vốn nhà nước về tập đoàn EVN.

Theo một quan chức của Thanh tra Chính phủ thì cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng giao cho bộ trưởng Công thương, chủ tịch hội đồng quản trị EVN tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, thu hồi các khoản tiền sai phạm do định giá sai tài sản, tiền bán cổ phần chậm nộp… Nhưng điều quan trọng hơn qua cuộc thanh tra, theo Thanh tra Chính phủ là Nhà nước phải quy định rõ hơn trách nhiệm của đơn vị tư vấn trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan trong quá trình cổ phần hoá nhất là khâu định giá, thẩm định tài sản nhà nước.


(Theo Mạnh Quân/SGTT)

  • Vedan nộp 127 tỷ đồng tiền phạt và phí môi trường
  • Chặt "vòi bạch tuộc" khai thác cát ở Quảng Xương
  • Bài học đắt giá
  • Làm rõ kẻ “khủng bố” Bí thư chi bộ phường vì chống tiêu cực
  • Công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về Thủ tục hành chính
  • Sau Vedan là hàng loạt thương hiệu bị “lộ tẩy”
  • Xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn cho Vedan
  • DN chưa giải quyết xong công nợ: Không cho giám đốc về hưu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%