Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trạm cân Dầu Giây: Có nên nhân rộng ?

Xe quá tải bị giữ lại chờ hạ tải tại Trạm cân DG

Xe quá tải bị giữ lại chờ hạ tải tại Trạm cân DG

 
Sau 4 tháng hoạt động, Trạm cân Dầu Giây chưa thực hiện được vai trò ngăn chặn xe quá tải, gây tâm lý bức xúc cho DN. Hơn thế, Ngân sách nhà nước đã bị lỗ nặng nề.

 
Cụ thể tiền xây dựng trạm là gần 7,7 tỷ đồng, thu xử lý phạt xe quá tải 3,7 tỷ đồng, các xe tránh trạm đã làm hư hỏng 50 km đường, tương đương 70 tỷ đồng... Ấy vậy mà các ngành chức năng vẫn muốn tiếp tục chỉnh sửa sai sót để nhân rộng mô hình này.


Như DĐDN đã nhiều lần phản ánh, trạm cân Dầu Giây vốn bị các DN từ Bắc vào Nam quyết liệt phản đối về những bất cập từ máy móc đến con người. Mới đây, Cục đường bộ VN, Khu quản lý đường bộ 7- đơn vị chủ quản của Trạm cân tải trọng xe Dầu Giây (Dầu Giây) đã tổ chức hội nghị sơ kết của trạm cân này sau 4 tháng hoạt động chính thức (1/3- 1/7/2009).


Nhiều khiếm khuyết


Ông Nguyễn Thuận Phương- TGĐ Khu quản lý đường bộ 7 nhìn nhận:  Sau 4 tháng hoạt động, Trạm cân Dầu Giây đã bộc lộ nhiều bất cập: về kỹ thuật còn nhiều hỏng hóc, chập chờn không ổn định nhưng việc xử lý khắc phục chưa triệt để. Cụ thể tại trạm cân động, bảng điện tử báo (hiện bảng số xe, mời xe vào trạm cân tĩnh) còn nhòe, chập chờn, đặc biệt khi trời mưa to; việc nhận dạng biển số chưa đạt chỉ tiêu đề ra; các camera quan sát còn nhòe nhiễu. Máy tính tại trạm cân tĩnh thỉnh thoảng bị treo. Còn trong quá trình hoạt động cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, hàng loạt xe né trạm, xe quá tải đi không đúng làn, không đúng tốc độ, không đúng khoảng cách hoặc đi sát nhau che không cho camera nhận dạng biển số, xe được mời vào trạm cân tĩnh nhưng không vào trạm...


Đồng tình với quan điểm của ông Phương, ông Nguyễn Văn Điệp- GĐ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai thẳng thắn: Vị trí đặt trạm cân là nơi có nhiều đường tránh nhất, vì vậy dù lực lượng liên ngành tỉnh Đồng Nai lập đến 4 chốt chặn vẫn không xử lý hết. Do theo Quyết định 20/2008/QĐ - BGTVT, Trạm cân Dầu Giây chỉ giới hạn kiểm tra và xử lý đối với xe tải, xe máy chuyên dùng quá tải trọng đường bộ... nhưng Trạm đã kiểm tra điện tử tự động tất cả các phương tiện xe bốn bánh (đọc số xe, chào hỏi, chúc tụng) dẫn đến lãng phí khoảng 90% công suất thiết bị và làm chậm lưu lượng xe lưu thông. Bên cạnh đó, Trạm cân không có nhà kho cho hàng hạ tải, bãi hạ tải quá nhỏ, thiết bị hoạt động trục trặc thường xuyên vì thế không đáp ứng mục tiêu đề ra. Số xe tránh trạm bị xử lý là 4.289 xe, nhiều hơn gấp hai lần số xe bị xử lý tại trạm là 1.394 xe.


Vẫn muốn duy trì, nhân rộng


Tuy Trạm cân Dầu Giây đã bộc lộ hàng loạt bất cập nêu trên, cho đến nay vẫn chưa khắc phục được nhưng quan điểm của Khu quản lý đường bộ 7, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai vẫn đề nghị tiếp tục khắc phục những bất cập tại trạm cân này, và lập thêm nhiều trạm cân xe trên toàn quốc theo một cách tổ chức khác chưa quyết định được... Ông Phan Hiền - Phó TGĐ Khu quản lý đường bộ 7 tuy không khẳng định là nên dời vị trí của Trạm cân Dầu Giây sang chỗ khác. Nhưng theo đề xuất của ông thì gần như phải lập trạm cân khác, cách tổ chức các trạm mới cũng phải theo mô hình khác, cũng có nghĩa rằng sẽ tốn thêm nhiều tỷ đồng cho việc lập trạm cân tải trọng xe.


Cụ thể, ông Hiền cho rằng phải xây dựng trạm cân ở nơi hạn chế tối đa khả năng lựa chọn đường khác của các xe quá tải, trong khi Trạm cân Dầu Giây đang ở nơi có quá nhiều đường tránh. Thậm chí, ông Hiền còn kiến nghị ngoài việc lập các trạm cân tại quốc lộ, nên lập trạm cân tại các tỉnh lộ quan trọng. Năng lực chịu tải của trạm cân phải lớn hơn nhiều lần năng lực chịu tải của đường. Có thể xây dựng trạm theo mô hình trạm thu phí, nhiều làn dành làn riêng cho xe tải kiểm tra tải trọng bằng cân tĩnh, không cần cân động, các phương tiện không kiểm tra tải trọng thì đi làn riêng. Chiều rộng các làn đường tại trạm cân phải lớn hơn hiện nay, đáp ứng nhu cầu xe có chiều rộng trên 2,5 m. Nhân viên của trạm phải được đào tạo chuyên nghiệp.


Trong khi các DN vận tải phản đối rất nhiều về cách cân tải trọng trục của xe, thì ông Hiền lại đề nghị trạm cân chỉ nên kiểm tra tải trọng trục tại trạm cân, không kiểm tra tổng tải trọng mà chỉ nhắc nhở. Còn ông Điệp bổ sung: Trạm cân phải có trạm hạ tải đạt yêu cầu bảo quản tất cả các loại hàng hóa hạ tải không bị hư hỏng, đề nghị Cục quản lý đường bộ, Khu quản lý đường bộ 7 hỗ trợ kinh phí sửa chữa các con đường bị hư hỏng do xe quá tải né Trạm cân Dầu Giây.


Rõ ràng sau 4 tháng hoạt động, Trạm cân Dầu Giây đã làm ngân sách nhà nước lỗ gần 7,7 tỷ đồng, thu xử lý phạt xe quá tải 3,7 tỷ đồng, các xe tránh trạm đã làm hư hỏng 50 km đường, tương đương 70 tỷ đồng.  Số tiền phạt xe trốn trạm là 4,8 tỷ đồng/4.289 phương tiện... Thiết nghĩ, với thực tế trên, nên chăng để giảm thiểu nạn xe quá tải phải có một giải pháp khác, chứ  không nên lập trạm cân tải trọng và phạt xe quá tải.

(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Truy thu 110 tỷ đồng tiền gian lận thương mại
  • Sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng về giá đất
  • Rừng Phú Quốc bị đe dọa
  • Ngành tài nguyên: Gần 99% khiếu nại, tố cáo là về đất đai
  • Hoạt động xây dựng luật phải đúng tiến độ và chất lượng
  • Sau loạt bài Rỉa tiền tỷ người nghèo:
  • Bắt khẩn cấp Giám đốc Vineco
  • Bắn thủng lốp ôtô để cướp tiền tỷ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%