Điểm được nhiều ngân hàng đồng thuận nhất trong dự thảo lần này đó là cho phép các ngân hàng thu phí giao dịch ngoại mạng và không thu phí khách hàng khi giao dịch qua POS. |
Tranh cãi xung quanh việc thu phí ATM và POS sắp kết thúc nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo lần 2 thông tư hướng dẫn về nguyên tắc thu trả và chia sẻ phí đối với các giao dịch thẻ nội địa tại máy giao dịch tự động, điểm chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng hoá - dịch vụ. Tuy nhiên, dự thảo lần này đang nhận được sự không đồng thuận từ phía các ngân hàng.
Nói không với thu phí ATM nội mạng!
Theo dự thảo lần này, tổ chức phát hành thẻ được xây dựng biểu phí giao dịch ATM áp dụng đối với chủ thẻ, bảo đảm nguyên tắc: Không thu phí vấn tin số dư tài khoản; áp dụng mức phí bằng không đối với các giao dịch nội mạng gồm rút tiền mặt và in sao kê tài khoản; miễn phí 3 giao dịch ngoại mạng rút tiền mặt đầu tiên trong mỗi tháng đối với đối tượng khách hàng sử dụng thẻ để nhận lương từ Ngân hàng Nhà nước, lương hưu, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội.
Tổ chức phát hành thẻ chỉ được thu phí ATM đối với chủ thẻ theo mức quy định tại biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ khoản phí nào, các giao dịch không thành công sẽ không được thu phí.
Đối với giao dịch qua POS, tổ chức phát hành thẻ không được thu phí khi chủ thẻ mua hàng hóa-dịch vụ. Chỉ được thu phí thẻ theo mức quy định tại biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ khoản phí nào ngoài biểu phí đã ban hành.
Tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ không được thu phí đối với chủ thẻ thực hiện giao dịch POS.
Tuy nhiên, tổ chức thanh toán thẻ sẽ được xác lập mức phí chiết khấu thương mại đối với đơn vị chấp nhận thẻ cho các giao dịch POS mua hàng hóa-dịch vụ theo nguyên tắc thỏa thuận, chia sẻ lợi ích và bù đắp chi phí.
Mức phí chiết khấu thương mại được xác định theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá trị giao dịch thanh toán hàng hóa-dịch vụ.
Còn nhiều bức xúc
Ngay sau khi được đưa ra, dự thảo này đã không nhận được sự đồng thuận cao của các ngân hàng.
Theo đại diện của một ngân hàng thương mại cổ phần, dự thảo này đã đi ngược với Điều 17 Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, theo đó: “Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ thanh toán. Mức thu phí dịch vụ thanh toán do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và niêm yết công khai”.
Phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng cho rằng, đang còn nhiều bất cập trong dự thảo, dường như Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp quá sâu vào hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Để hiệu quả hơn trong quản lý, VNBA cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên giao quyền chủ động cho các ngân hàng thương mại, còn trong trường hợp cần có sự kiểm soát Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra một mức trần thu phí nhất định để các ngân hàng làm căn cứ thu phí ATM.
Để chứng minh thu phí ATM là cần thiết, một đại diện của Vietcombank cho biết, tại ngân hàng này, mức phí duy trì hệ thống trung bình của một máy ATM đang ở mức 800 triệu - 1 tỷ đồng trong 1 năm và lượng tiền 700 triệu/1 ATM/ngày để phục vụ nhu cầu rút tiền của người dân.
Đó là chưa kể đến khoản tiền 600 triệu khi đầu tư mua 1 máy ATM. Theo tính toán của Vietcombank, với mỗi giao dịch ATM được thu phí 1.000 đồng thì phải mất 5 năm ngân hàng này mới bù đắp được một phần các khoản chi phí bỏ ra.
“Nếu không được phép thu phí các giao dịch nội mạng các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ ATM”, đại diện Vietcombank bức xúc.
Mặc dù có nhiều phản đối nhưng điểm được nhiều ngân hàng đồng thuận nhất trong dự thảo lần này đó là cho phép các ngân hàng thu phí giao dịch ngoại mạng và không thu phí khách hàng khi giao dịch qua POS
(Theo Ngô Hải // vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com