Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vẫn loay hoay trong cuộc chiến chống hàng giả

Đại diện doanh nghiệp hướng dẫn cách phân biệt hàng giả, hàng thật của sản phẩm khẩu trang Kissy bên lề hội thảo. Ảnh: Nguyễn Cẩm

Những câu chuyện thực tế về những khó khăn và hạn chế của chính các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả lại một lần nữa được nêu ra tại cuộc hội thảo “Phòng chống hàng giả và gian lận thương mại”, tổ chức tại TPHCM ngày 26-11.

Nhiều doanh nghiệp dẫn chứng rằng khi hàng hóa bán chạy, có doanh số cao là ngay lập tức bị làm giả với kỹ thuật tinh vi, thậm chí có bao bì, nhãn mác còn tinh xảo, đẹp hơn bao bì hàng thật và nhiều khi còn được dán tem chống hàng giả.

Doanh nghiệp thua thiệt, đau đầu vì hàng giả còn các cơ quan chức năng thì vẫn loay hoay trong "cuộc chiến" này. Những lý do được nêu ra chủ yếu vẫn xuất phát từ các nguyên nhân như thiếu cơ chế, luật và quy định chưa rõ ràng, thiếu đội ngũ nhân sự để xử lý.

Khi hàng giả có bao bì đẹp hơn hàng thật

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Phó trưởng Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina - chủ sở hữu của các thương hiệu mỹ phẩm Essance, Ohui và Whoo, nói rằng hàng giả không chỉ gây thiệt hại về uy tín mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp. Với LG Vina, doanh thu các năm vừa qua không đạt được như kế hoạch dự kiến, thường chỉ 70 - 75% dù đã nghiên cứu, khảo sát thị trường rất kỹ càng trước đó. Phần không đạt được chính là phần hàng giả lấy mất.

Ông Vĩnh so sánh, cuộc chiến chống hàng giả cũng giống như hiệp sĩ Don Quixote đánh nhau với cối xay gió bởi hàng giả có muôn hình vạn trạng, mặt hàng nào cứ có doanh số cao là ngay lập tức bị làm giả và mức độ làm giả ngày càng tinh vi.

Theo ông Vĩnh, trước đây sản phẩm giả nhãn hiệu Essance, dòng hàng bị giả nhiều nhất của LG Vina do có giá trị vừa phải, được làm giả ở TPHCM và các tỉnh lân cận thì nay đã sản xuất ở Trung Quốc rồi đưa lậu vào Việt Nam. “Chúng tôi nhận định như vậy vì mẫu mã, bao bì của hàng giả rất tinh xảo, thậm chí còn đẹp hơn bao bì thật. Lấy ví dụ ở dòng hàng Essance, trong mẫu bao bì chúng tôi đặt ở Hàn Quốc có lỗi. Vậy nhưng hàng giả chúng tôi thu được, lỗi này đã được khắc phục và mẫu thì rất đẹp”, ông Vĩnh kể.

Ông Nguyễn Bá Cương Trực, quản lý bán hàng của Công ty Kềm Nghĩa, cho biết vào ngày 15-11 vừa qua, công ty phối hợp với lực lượng chức năng bắt hàng giả tại hai cửa hàng ở Hà Nội. Số lượng hàng giả thu được không nhiều nhưng nhiều cách thức phân phối, nơi thì bán giả 100% nhưng có nơi thì trộn lẫn giữa hàng giả và hàng thật để lừa người tiêu dùng.

Ông Trực cho rằng, dù đã thường xuyên kiểm tra các điểm bán hàng nghi ngờ, có những cam kết với đại lý phân phối, xử phạt nghiêm những nơi vi phạm nhưng không thể chắc chắn được rằng các cửa hàng, đại lý đều làm ăn nghiêm túc. Người bán vì hám lợi mà sẵn sàng trộn hàng giả vào để bán như hàng thật. Hàng thật thì tỷ lệ chiết khấu ở mức nhất định nhưng bán hàng giả thì lời hơn gấp đôi. Cuộc chiến chống hàng giả, theo ông Trực là trường kỳ nên cách Kềm Nghĩa làm không phải xóa đi điểm bán giả mà tập trung vào việc giúp người tiêu dùng hiểu và phân biệt được hàng thật-giả.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, luật sư Châu Huy Quang, Công ty Luật TNHH LCT, cho rằng một trong những vấn đề nghiêm trọng hiện nay là đến tem chống hàng giả cũng bị làm giả trên thị trường. Điều này cũng làm cho doanh nghiệp thêm hoang mang về mức độ khó khăn trong cuộc chiến chống hàng giả.

Luật sư Trần Hải Đức cung cấp thêm thông tin rằng trong thực tế, một số doanh nghiệp lúc đầu sản xuất hàng thật nhưng sau này đã sang Trung Quốc gia công hàng giả, về gắn bao bì, nhãn mác của mình rồi bán ra thị trường. Tức là doanh nghiệp làm giả chính hàng hóa của mình để kiếm lợi nhiều và dễ dàng hơn, và tình trạng này ngày càng nhiều.

Vẫn thiếu sự phối hợp

Ông Đỗ Hữu Quang, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, nói buổi hội thảo rằng dù lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, bộ đội biên phòng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý kịp thời nhiều vụ việc nhưng tình trạng bày bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Công tác chống hàng giả hiện gặp khó khăn vì nhiều lý do. Trước hết, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, thể hiện qua việc các quy định chưa thống nhất, cụ thể nên chưa có sở sở xác định hàng giả và xử lý hàng giả cả về hành chính và hình sự.

Các chế tài quy định ở nhiều văn bản nhưng không thống nhất, hay thay đổi, chồng chéo, trùng lắp nên khó thực thi. Ở cơ chế thực thi thì sự phối hợp giữa các cơ quan có chung chức năng lại chưa chặt chẽ, chưa thống nhất, phân công không hợp lý dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong công việc chung. Cơ chế xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ còn có sự khác nhau giữa các ngành trong cùng một lực lượng, xử lý tùy tiện… Trong khi đó, năng lực của những người thực hiện nhiệm vụ lại hạn chế.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, cho biết: “Điều chúng tôi bức xúc nhất là việc luật trùng lắp, mâu thuẫn nên có nhiều vụ việc không thể xử lý được”. Ông Nhân dẫn chứng, trước đây tội xâm phạm sở hữu công nghiệp theo luật sẽ bị xử phạt, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sau đó, cơ quan quản lý lại quy định, các vi phạm quy mô thương mại không bị xử phạt. Vì chữ “quy mô thương mại” này mà nhiều lô hàng vi phạm trị giá hàng vài tỉ đồng cơ quan chức năng bắt được mà không thể xử lý được.

Cũng theo ông Nhân, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, những chủ thể bị xâm phạm hàng hóa cũng có vấn đề. Ví dụ như với Hiệp hội gas, nếu như trước đây quản lý thị trường bắt được hàng giả, gọi các doanh nghiệp gas xuống chứng kiến thì chỉ 3-4 giờ sau là có mặt, thì nay báo trước cả tuần cũng không có công ty nào đến.

Luật sư Châu Huy Quang nêu ý kiến, so với mặt bằng chung với các lĩnh vực khác, hệ thống luật về phòng chống hàng giả ở Việt Nam tương đối hoàn thiện, cũng có tới 5-6 cơ quan được phân công thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, có thể nói, luật và quy định không thiếu mà cái thiếu chính là việc thực thi. Các cơ quan chức năng không có sự phối hợp và kiểm tra kiểm soát vẫn chủ yếu là các sự vụ cụ thể, dựa trên các đơn thư tố cáo của doanh nghiệp chứ chưa có kế hoạch, chưa có sự phân công theo thứ tự ưu tiên cũng như không có sự dự báo tình hình.

“Vấn đề là phải bắt tay vào làm. Trong 5 năm trời mà cơ quan chức năng phát hiện 22 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ như báo cáo thì rõ ràng là không phản ánh được đúng thực tế”, ông Quang nhận xét.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%