Tại buổi toạ đàm sáng 31-3 vừa qua về các nội dung của dự thảo Thông tư hướng dẫn về tập sự hành nghề luật sư, các đại diện của đoàn luật sư nhiều tỉnh, thành đã bàn luận sôi nổi về vấn đề có hay không việc Văn phòng luật sư (VPLS) phải trả chi trả thù lao cho luật sư tập sự (LSTS). Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có quy định cứng này thì nhiều VPLS khó mà dang tay ra chào đón người đến xin tập sự.* Luật sư tập sự: Không cho xuống nước sao thành kình ngư?
![]() |
LSTS cần được “học” nhiều hơn để “hành” . |
Dự thảo Thông tư không quy định về việc trả lương hay thù lao cho người tập sự vì theo ban soạn thảo, trong trường hợp hai bên có thoả thuận về việc trả lương hoặc thù lao thì quyền và nghĩa vụ của hai bên được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động hoặc pháp luật dân sự.
Tuy nhiên, một số luật sư (LS) tham gia buổi tọa đàm cho rằng, LSTS cũng cần được hưởng một khoản phí xứng đáng và thực tế nhiều VPLS đã làm việc này. Ông Nguyễn Văn Thảo- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, cần có quy định về mức lương đối với LSTS và đó là số tiền mà họ cần được hưởng trong qúa trình tập sự tại văn phòng.
Tại VPLS Hằng Nga, LSTS nhiều khi “được cho ra biển nhưng lại không được phép bơi”. Do đó LSTS cần phải được “tập bơi” và việc nhận thủ lao là đương nhiên theo từng vụ việc cụ thể. Theo LS Hằng Nga, quy định của pháp luật dường như ngày càng “bó hẹp” hơn đối với LSTS. Pháp lệnh Luật sư năm 1997 cho phép LSTS có thể tham gia tranh trụng tại tất cả các cấp. Pháp lệnh năm 2001, LSTS chỉ được phép tranh tụng tại các toà án cấp quận, huyện. Và đến dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đối với LSTS thì đối tượng này chẳng được làm gì cả ngoài “giúp việc” theo chỉ dẫn của LS hướng dẫn.
Tuy nhiên, LS Nguyễn Huy Thiệp- Đoàn LS Hà Nội nhấn mạnh, nếu có quy định VPLS phải nhận và trả thủ lao cho LSTS thì sẽ chẳng có văn phòng nào “mở cửa” cho người đến xin tập sự. Trên thực tế, có nhiều VPLS hoạt động cầm chừng, sống vất vả với nghề nên việc đưa ra những quy định kiểu áp đặt, ràng buộc nghĩa vụ “cứng” là không khả thi. “LSTS nên lai lưng ra mà làm chứ cứ ngồi chờ phân công thì sẽ chẳng có việc gì mà làm”, ông Thiệp nói. Luật sư Nguyễn Hiếu cũng cho rằng, liệu các VPLS có chịu tiếp nhận LSTS hay không nếu họ coi đó là gánh nặng.
LS Nguyễn Phúc Tiến- Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Phú Thọ, thực tế, các LSTS tại đây thường được chi trả 20% trên tống số phí mỗi vụ nhưng không có nghĩa là nên quy định chung cho tất cả. Nếu LSTS mà không làm việc đòi trả thù lao thì lại không hợp lý, do đó cần dựa trên công việc thực tế và sự thoả thuận để đưa ra khoản phí cho LSTS. Phan Thanh Long - chủ nhiệm Đoàn LS Thái Nguyên khẳng đinh, điều 55 của Luật Luật sư chỉ quy định việc trả phí đối với Luật sư chứ không có quy định về việc trả phí cho LSTS do đó chỉ nên tính chuyện thoả thuận mà thôi.
Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Thông tư lần này cũng quy định chung chung rằng, khi người tập sự được nhận vào một tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức đó có xác nhận bằng văn bản thức ghi nhận thoả thuận giữa hai bên. Như vậy, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về luật sư và Thông tư này.
Song theo Liên đoàn luật sư Việt Nam, dự thảo Thông tư cần quy định người tập sự hành nghề luật sư và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự phải thoả thuận về việc ký kết hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi hai bên.
LSHà Thị Thanh – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên cho hay, “trên thực tế, tại văn phòng của chúng tôi đã ký hợp đồng lao động với những người tập sự và cho họ được tham gia vào nhiều vụ việc thực tế. Do đó, sau khi hết thời hạn tập sự, hầu như họ đều hành nghề khá vững”.
Phản bác lại quan điểm này, ông Phan Thanh Long khẳng định, nếu dùng hợp đồng lao động thì cũng không đúng vì bản chất của hợp đồng này là quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động nhưng ở đây là đi tập sự hành nghề chứ không phải xin lao động. Mà đã ký hợp đồng lao đồng còn phải thực hiện nghĩa vụ chi trả ốm đau… do đó đối với các VPLS điều này là khó khả thi.
Như vậy, quy định về mức thù lao cũng như ký kết văn bản thế nào giữa VPLS và người tập sự là hoàn toàn là câu chuyện “thoả thuận”. Việc chi trả thù lao chính là sự thừa nhận năng lực cũng như đóng góp của LSTS đối với VPLS. Tuy nhiên, thực tế điều đầu tiên mà mà các luật sư tập sự mong muốn khi “gõ cửa” các VPLS chắc chắn không phải là có được chi trả thù lao hay không mà là được “va đập” thực tế để thu về kỹ năng hành nghề. Vì thế, dự thảo thông tư cần có những quy định mở hơn nữa đối với LSTS để họ nhanh “cá chép hoá rồng”.
(Theo Hương Nguyên // Báo Nhân dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com