Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Vênh” báo cáo kiểm toán

Giữa báo cáo tài chính (BCTC) của DN trước và sau kiểm toán thường có độ "vênh" nhất định do điều chỉnh một số khoản mục theo đề xuất của kiểm toán viên. Thông thường, mức độ chênh lệch là không lớn và không thay đổi nhiều đến kết quả hoạt động của DN. Tuy nhiên, trong mùa BCTC năm nay đã xuất hiện khá nhiều sự biến động lớn về lợi nhuận của DN trước và sau kiểm toán.


Tiêu biểu nhất là việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank) công bố mức lợi nhuận sau khi đã kiểm toán giảm tới 133 tỷ đồng so với công bố ban đầu đã gây bất ngờ cho đông đảo nhà đầu tư. Ban đầu, ngân hàng này công bố lãi trước thuế đạt 1.243 tỷ đồng nhưng số liệu sau kiểm toán chỉ còn 1.110 tỷ đồng.


Nhiều DN khác cũng bị "vênh" số liệu khá lớn như: lợi nhuận trước thuế Cty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã CK: ABT) giảm từ 45,24 tỷ đồng xuống 24,13 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội (mã CK: KHA) cũng giảm từ 56,96 tỷ đồng còn 50,65 tỷ đồng...


Trong phần lớn các trường hợp, lợi nhuận sau kiểm toán của các DN đều giảm đi so với số liệu trước kiểm toán. Theo giải trình mà các DN đưa ra, sự chênh lệch chủ yếu phát sinh từ việc DN chưa thực hiện đúng các khoản trích lập dự phòng giảm giá cho các khoản đầu tư chứng khoán.

Như trường hợp của SacomBank, ngân hàng này xác định giá trị của cổ phiếu dựa trên nguyên tắc chiết khấu dòng cổ tức thu được trong tương lai, nếu giá trị này thấp hơn giá trị sổ sách thì SacomBank trích dự phòng. Trong khi đó, theo quy định, việc trích lập phải dựa trên cơ sở so sánh giá thị trường với giá trị sổ sách. Qua các vụ việc trên có thể thấy công tác lập BCTC tại nhiều DN vẫn còn rất nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo DN muốn "làm đẹp" báo cáo đã cố tình làm sai lệch số liệu, không hạch toán đầy đủ các khoản chi phí...

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, nếu ngay từ đầu các DN không thực hiện đúng các quy định về lập BCTC thì việc từ lãi thành lỗ hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, giá cổ phiếu của DN có thể suy giảm mạnh và những người chịu thiệt hại nặng nhất chính là các nhà đầu tư.


Mới đây, với mục đích nâng cao tính minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) và Hội Kiểm toán viên hành nghề VN (VACPA) đã kiến nghị với Bộ Tài chính 6 vấn đề liên quan đến BCTC và Kiểm toán BCTC của các Cty niêm yết. Trong đó, đề xuất quan trọng nhất là yêu cầu các Cty niêm yết thực hiện việc kiểm toán BCTC giữa kỳ trước khi công bố thông tin.


Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho rằng, điều này hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi, về phía các DN, nó giúp cho công tác hạch toán báo cáo tài chính thận trọng và tuân thủ đúng pháp luật, tránh các sai sót xảy ra do chủ quan muốn báo cáo tài chính đẹp, hạch toán không đầy đủ chi phí hoặc do hạn chế về năng lực của nhân viên kế toán, do không kịp cập nhập việc thay đổi chính sách tài chính, kế toán. Đồng thời phòng chống và hạn chế đuợc những gian lận tài chính có thể xảy ra và kéo dài trong ngắn hạn.


Về phía nhà đầu tư, khi BCTC quí được thẩm định bởi các Cty kiểm toán thì lòng tin của họ vào các số liệu tài chính sẽ gia tăng, qua đó có thể đánh giá đúng hơn về sức khỏe của DN.

 

( Theo Diễn đàn doanh nghiệp )

  • Năm 2009: Sẽ kiểm toán tại 37 tỉnh, thành phố
  • Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống pháp luật kinh doanh
  • Kiểm toán năm 2009: Tập trung vào các tổng Cty dịch vụ
  • Năm 2008: 13.565 tỷ đồng thu chi không đúng
  • Khai man thông tin sẽ bị phạt tiền
  • Thất thu hàng nghìn tỷ đồng vì thuốc lá nhập lậu
  • Vụ vaccine ghi nhầm sử dụng: Trách nhiệm của Hội đồng Thẩm định và Cục Quản lý Dược ở đâu?
  • Vi phạm trong lĩnh vực Internet: Phạt tối đa 70 triệu đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com