Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Văn bản này mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ưu đãi đầu tư cần được áp dụng cẩn trọng để tránh các vụ kiện thương mại quốc tế cũng như không vi phạm “luật chơi” của WTO.
Với lĩnh vực nông nghiệp, WTO phân loại trợ cấp thành hai nhóm chính là trợ cấp nội địa (domestic supports) và trợ cấp xuất khẩu (export subsidies). Trong đó trợ cấp xuất khẩu do hệ quả bóp méo thương mại nên bị xếp vào diện cấm sử dụng hoàn toàn.
Hơn nữa, nhóm trợ cấp này cũng được Việt Nam cam kết bãi bỏ lập tức sau khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO vào tháng 1-2007. Vì vậy, về cơ bản doanh nghiệp Việt Nam khó được hưởng các hình thức trợ cấp xuất khẩu vốn đã bị cấm và được cam kết loại bỏ nói trên.
Về nhóm trợ cấp nội địa, nhìn chung có thể sử dụng, nhưng theo các chuyên gia cần phải tuân thủ những điều kiện và tiêu chí riêng cho từng loại. Cụ thể, nhóm hỗ trợ trong nước được chia thành bốn loại, ứng với mỗi loại WTO quy định một cơ chế áp dụng riêng (xem bảng).
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty luật Nam Hùng, tiêu chí, điều kiện để đưa ra các ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010 (Nghị định 61) lại không rõ ràng cho lắm. Cụ thể, Nghị định 61 chia ra ba đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm: (i) dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; (ii) dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; và (iii) dự án khuyến khích đầu tư tại vùng nông thôn.
Với loại đối tượng thứ ba, tiêu chí “vùng nông thôn” là quá rộng và chung chung, mặc dù Nghị định 61 chỉ giới hạn việc ưu đãi trong phạm vi 28 ngành, nghề cụ thể. Hơn nữa, ngay cả khi đưa ra những ngành, nghề này cũng không rõ đâu là căn cứ để xác định ưu đãi.
Chẳng hạn như: sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến; chăn nuôi, sản xuất gia cầm, gia súc tập trung; chế biến nông, lâm, thủy sản; bảo quản nông, lâm sản, thủy sản sau thu hoạch...
“Tôi không hiểu dựa vào đâu để xác định những ngành, nghề này được hưởng ưu đãi đầu tư. Phải có căn cứ xác định phù hợp với những nguyên tắc, tiêu chuẩn của WTO thì việc trợ cấp ấy mới được xem là hợp pháp, bằng không thì sẽ rất dễ bị quy vào diện bất hợp pháp” - TS. Nam băn khoăn.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng Ban pháp chế VCCI, cũng cho rằng theo Hiệp định Nông nghiệp của WTO, xét về ngành, nghề thì đối tượng được phép trợ cấp ưu đãi phải là ngành nghề có sản phẩm cuối cùng là sản phẩm nông nghiệp.
Thế nhưng, một số ngành, nghề thuộc diện ưu đãi đầu tư theo Nghị định 61 lại có vẻ như không thuộc lĩnh vực nông nghiệp, như: dệt vải, hoàn thiện các sản phẩm dệt; sản xuất tơ, sợi các loại; thuộc da, sơ chế da; sản xuất thiết bị máy móc cho ngành dệt, ngành may, ngành da; sản xuất giấy, bìa, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản trong nước; sản xuất bột giấy; sản xuất máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm, thiết bị tưới tiêu...
Đúng ra, đây là những ngành, nghề phi nông nghiệp vì sản phẩm cuối của chúng không phải là sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, theo quy định của WTO các khoản trợ cấp phi nông nghiệp về cơ bản đều thuộc diện bị cấm áp dụng.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp từ Ban Pháp chế - VCCI |
Xét về loại trợ cấp, luật sư Ngô Quang Thụy, Giám đốc điều hành Công ty luật NT Trade Law LLC, lưu ý thêm rằng một số khoản ưu đãi theo Nghị định 61 có khả năng là chưa phù hợp vì có thể gây bóp méo thương mại.
Ví dụ như miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước...
Theo các chuyên gia, tuy một số trợ cấp nội địa mang tính chất bóp méo thương mại được phép áp dụng (ví dụ “trợ cấp hộp hổ phách”) nhưng nếu gây tác hại hoặc gây nguy cơ tác hại đến các nước thành viên WTO thì vẫn có thể bị kiện.
Mặt khác, sẽ bị coi là bất hợp pháp nếu như những trợ cấp dạng này (ví dụ như miễn, giảm tiền sử dụng đất như đã đề cập) được áp dụng trong các lĩnh vực ngoài nông nghiệp.
Chúng có thể trở thành cớ sự dẫn đến các vụ kiện nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài - điều mà các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý khi nhận ưu đãi. Trường hợp mới đây nhất được luật sư Thụy dẫn chứng là vụ sản phẩm túi nhựa xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại Hoa Kỳ. Các công ty sản xuất túi nhựa của Việt Nam đã bị quy kết bán thấp hơn giá thị trường và phải chịu áp thuế trợ giá do đã nhận trợ cấp của Chính phủ từ 1-52,56%, trong đó có khoản miễn giảm tiền thuê đất khi triển khai dự án đầu tư.
Trong khi đó, trả lời những thắc mắc trên, ông Nguyễn Đình Tài, Giám đốc Trung tâm Tư vấn quản lý và Đào tạo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định 61, nói rằng quá trình soạn thảo đã được bàn bạc và thẩm định rất kỹ bởi nhiều cơ quan như các bộ Tài chính, Công thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ...
“Chúng tôi biết rằng nhiều loại hỗ trợ bị WTO cấm. Thế nhưng, người ta cũng có lộ trình cho phép Việt Nam bảo lưu chứ không cấm ngay được như đối với các nước phát triển” - ông Tài trấn an.
Giải thích rõ hơn, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết ngoài các trợ cấp “hộp xanh” được phép, Việt Nam vẫn được quyền sử dụng các trợ cấp “hộp hổ phách”, tuy nhiên với điều kiện mức trợ cấp phải nằm trong giới hạn không vượt quá 10% giá trị sản phẩm (hoặc tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp) hoặc không được vượt mức trần cam kết.
“Đối chiếu với quy định của WTO và cam kết thì trợ cấp của Việt Nam cho nông nghiệp vẫn trong ngưỡng cho phép” - bà Hồng khẳng định.
(thesaigontimes)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com