Theo Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, đến ngày 1-7 sẽ còn khoảng 51 doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005. Dù chưa hoàn thành mục tiêu đề ra nhưng con số doanh nghiệp được chuyển đổi khá ấn tượng, khi trước đó có đến 1.500 doanh nghiệp cần phải chuyển đổi. Tuy nhiên, trên bình diện khác, vấn đề công luận quan tâm, băn khoăn là sau chuyển đổi, hoạt động của doanh nghiệp có gì khác?
![]() |
Sản xuất sữa tại nhà máy Vinamilk (ảnh minh họa). Ảnh :TL |
Quá trình chuyển đổi đòi hỏi ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định khác đồng bộ với Nghị định 25 (về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên). Song các tiêu chí phân loại doanh nghiệp hay thay đổi, chưa mang tính dài hạn khiến doanh nghiệp luôn phải sắp xếp, thay đổi hình thức, làm mất ổn định trong sản xuất kinh doanh.
Thí dụ cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn về quản lý lao động, tiền lương, thưởng đối với công ty TNHH một thành viên để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc quản lý lao động, trả lương, thưởng sau chuyển đổi. Bởi có sự khác biệt nhất định về việc này tại các công ty TNHH một thành viên là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước và các công ty TNHH một thành viên khác.
Bên cạnh đó, khi công ty nhà nước chuyển sang công ty TNHH một thành viên, cần khắc phục tình trạng chỉ đạo từ nhiều đầu mối, mang tính thụ động diễn ra ở công ty nhà nước trước đây. Điều này đòi hỏi các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải cơ cấu lại thành một tổ chức làm chủ sở hữu.
Trên thực tế, đối với các công ty TNHH một thành viên, chưa thực sự có một tổ chức làm chủ sở hữu, vẫn còn nhiều đầu mối. Vì thế, đối với các tập đoàn, tổng công ty khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên cần tách chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước, tách hoặc tổ chức cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu độc lập với cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Hiện nay nhiều người băn khoăn liệu có “bình mới rượu cũ” khi các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi hoạt động thành công ty TNHH một thành viên?
Về mặt hình thức là có sự thay đổi bởi khi chuyển sang công ty TNHH một thành viên, điều lệ công ty cũng phải thay đổi, có nhiều điểm khác biệt như phải có quy định điều chỉnh quy chế nội bộ, có kiểm soát viên do chủ sở hữu bổ nhiệm để kiểm soát các hoạt động của công ty; đồng thời là người thay mặt chủ sở hữu kiểm soát các hoạt động của công ty cũng như giám sát những người quản lý, điều hành nhằm đảm bảo tài sản của chủ sở hữu không bị thất thoát.
Đây là điểm khác biệt so với trước kia. Về khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên sẽ khiến cho tốc độ cổ phần hóa ngày càng chậm. Theo Nghị định 25, doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa sau khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên phải tiếp tục chuyển thành công ty cổ phần theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã triển khai từ năm 1993 đến nay chưa năm nào hoàn thành kế hoạch theo "lộ trình quy định", việc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước vẫn không đạt yêu cầu.
Nay, sau khi "thay tên đổi họ" các doanh nghiệp nhà nước để "thực thi" cam kết khi gia nhập WTO, chắc chắn sẽ xuất hiện tâm lý yên tâm và coi các công ty TNHH một thành viên là điểm dừng trong quá trình cải cách nền kinh tế.
Vì thế, rất có thể tốc độ cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên lại rơi vào tình trạng rùa bò và không có cá nhân hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng năng động, hiệu quả cần khẩn trương có văn bản quy định về lộ trình thực hiện việc cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên sau ngày 1-7. Bởi lẽ những văn bản trước đây, về nguyên tắc đã hết hiệu lực thi hành.
Đầu Tư Tài Chính
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com