Do đó, nhiều DN vận tải đã phản ánh với Hiệp hội Vận tải hàng hóa (HHVTHH) TP HCM về những khó khăn, vướng mắc nhằm tìm kiếm một số giải pháp tháo gỡ từ QĐ này.
Thiệt hại kép
Xuất phát từ thực tế hiện khu vực nội đô TP HCM có rất nhiều kho hàng, nhà máy... Nên hàng ngày vẫn còn hàng ngàn lượt xe vận tải ra vào nội thành. Do đặc điểm các bãi xe thường ở ngoại thành, vì thế để điều động xe vào các cảng, nhà máy phải mất nhiều thời gian. Trong khi vướng QĐ 66 sẽ là bài toán khó cho DN vận tải. Xe chạy từ ngoại thành vào nội thành cũng phải mất đến 1-2 giờ sáng. Đến điểm giao nhận hàng thì vấn đề xếp, dỡ hàng cũng gặp nhiều khó khăn hơn phải làm việc vào ban đêm, năng suất lao động không cao. Nếu giao nhận hàng không nhanh, không kịp quay đầu xe ngay trong đêm thì lại phải nằm lại chờ thêm 1 ngày. Vô hình trung tạo ra những thiệt hại kép, không chỉ là chủ hàng hóa tốn thời gian cho việc giao nhận hàng mà còn phát sinh thêm nhiều chi phí và năng xuất vận chuyển của DN vận tải cũng bị giảm nghiêm trọng.
Bà Ngô Thị Nguyệt - GĐ Cty TNHH TM&DV Vận tải Nguyệt Hà (trụ sở tại Bình Dương) chia sẻ: Do xe của Cty phải chạy theo một hành trình dài gấp đôi trước đây: Từ QL.13 - Xa lộ Đại Hàn - XLHN - tỉnh lộ 25B - Cầu Phú Mỹ rồi vòng xuống cảng Bến Nghé phải đi qua 2 trạm thu phí thay vì 1 trạm như trước đây. Tốn thời gian, chi phí đặc biệt là phí nhiên liệu tăng mạnh trong khi giá cước vận tải tăng chẳng là bao.
Với các DN kinh doanh vận tải bằng xe container còn bi đát hơn vì quá trình làm thủ tục XNK gặp nhiều bất lợi. Các hãng tàu quy định thời gian nhận hoặc giao hàng phải hoàn tất trước 24 giờ đêm. Nếu quá thời điểm này xem như bị chậm trễ và sẽ bị thu thêm phí lưu container, phí bến bãi với mức 20 USD/TEU. hiện tại, lượng hàng hóa tồn đọng lại các cảng, KCN... rất lớn và DN vận tải vẫn ngày ngày còng lưng gánh một chi phí không hề nhỏ cho các hãng tàu nước ngoài vì “trễ giờ giao nhận hàng”.
Chính vì vướng QĐ 66 nên nhiều cảng tại TP HCM đã bị thiệt hại nặng nề do hàng hóa tồn đọng, mất mối tàu hàng. Với cảng Tân Thuận 2 (Q 7) tới nay vẫn còn ùn lại khoảng gần 2 vạn tấn hàng. Do bãi không còn chỗ chứa hàng, nên cảng đã cho đặt hàng trăm cuộn thép nằm dọc lối đi từ văn phòng cảng vào bãi hàng.
Ông Mai Văn Cự - GĐ Cảng Tân Thuận 2 cho biết, từ khi có lệnh cấm đường, thì tất cả xe tải muốn vào cảng phải đi ngược lại cung đường tốn thêm khoảng 15 km. Hàng hóa chỉ còn lưu thông được từ 24 giờ tới 6 giờ sáng, còn từ 6 giờ sáng trở đi hầu như cảng không hoạt động. Trong khi cảng Tân Thuận mới đầu tư 50 tỉ đồng để mua trang thiết bị chuẩn bị di dời một phần cảng Nhà Rồng- Khánh Hội. Nay ùn ứ hàng hóa, không hoạt động thì cảng phải lo trả nợ và khấu hao thiết bị, máy móc khoảng hơn 100 triệu đồng/ngày. Đồng thời, nhiều tàu cũng từ chối cập cảng vì thời gian cảng quá ngắn, không giải phóng tàu nhanh...
Lại chờ... giải pháp
Mới đây, đại diện cho HHVTHH TP HCM, ông Đinh Nam Dinh đã kiến nghị một số giải pháp: Thứ nhất, để hài hòa lợi ích chung giữa các bên cần sửa lại quy định về thời gian cấm xe tải nặng lưu thông đối với các tuyến đường ra, vào nội đô TP, cho phép xe chạy từ 09 giờ đến 16 giờ và từ 22 giờ đêm tới 6 giờ sáng hôm sau.
Thứ hai, nghiên cứu tiếp tục cho phép xe tải nặng được phép lưu thông trên tuyến đường liên cảng theo cả 2 chiều trong khung giờ từ 09 giờ tới 16 giờ hàng ngày. Nên xóa bỏ lệnh cấm đối với đoạn đường từ Ngã ba Cát Lái tới cầu Sài Gòn vì hai bên đoạn đường này không có khu dân cư, hành lang giao thông được giải tỏa thông thoáng rất thuận lợi cho xe tải lưu thông. Nhất là cầu Sài Gòn đang được sửa chữa để không hạn chế tải trọng đối với xe tải theo chủ trương trước đây, nên việc cấm là chưa phù hợp.
Thứ ba, đường Trần Xuân Soạn (đoạn Huỳnh Tấn Phát đến cầu Rạch Ông, Q 7) nên cho phép xe tải lưu thông 24/24 giờ. Vì tuyến đường này dân cư thưa vì một bên là bờ sông Kênh Tẻ, một bên là trụ sở các DN, trong lúc đó khối lượng hàng hóa từ các cảng Vict, Bến Nghé, Khánh Hội... được xe tải vận chuyển qua đường Trần Xuân Soạn tới các bến bãi bốc xuống xà lan theo đường sông về miền Tây hàng ngày là rất lớn.
Thứ tư, đề nghị UBND, Sở GTVT chỉ đạo các cảng điều chỉnh thời gian làm việc lại cho phù hợp để hỗ trợ DN vận tải đến giao nhận hàng tại các cảng của TP.
Theo điểm 8 mục A phần phụ lục QĐ 66: “Các tuyến đường xe ô tô vận tải nặng chỉ được phép lưu thông từ 24 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau: Đường Điện Biên Phủ (suốt tuyến); đường 3 tháng 2 (suốt tuyến); đường Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ; Nguyễn Thị Minh Khai (suốt tuyến); Trần Hưng Đạo (suốt tuyến); Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi; Lý Thường Kiệt (suốt tuyến)”. Xe ô tô vận tải nặng chỉ được lưu thông từ 09 giờ đến 16 giờ và từ 24 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau”. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com