Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thay đổi về chất DNNN: Bắt đầu từ quản trị

Cty TNHH một thành viên - Tập đoàn dầu khí Việt Nam là một trong những DN hàng đầu trong nước cũng như triển khai nhiều hoạt động đầu tư có hiệu quả tại nước ngoài

Cơ cấu quản trị DN, chứ không phải cơ cấu sở hữu, quyết định thành công dài hạn của DNNN. Vì thế, khung quản trị hình thành theo quy định của Luật DN có thể là “khuôn mẫu” mà quản trị thực tế, cụ thể của từng Cty phải hướng tới. 

Có thể nói, Luật DN là một bước tiến lớn, tạo ra một thay đổi căn bản trong quá trình hoàn thiện khung quản trị DN ở nước ta. Trước hết, lần đầu tiên trong gần 20 năm cải cách, pháp luật về DN đã được thống nhất không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Luật DN cũng đã quy định khá đầy đủ và cụ thể các nội dung hay yếu tố cấu thành của khung quản trị Cty, nhất là đối với Cty cổ phần. Và những nội dung đó của khung quản trị Cty đã tuân thủ và về cơ bản phù hợp với các nguyên tắc và thông lệ phổ biến.

Tổ chức chuyên trách quản lý vốn nhà nước

Tập trung đổi mới công tác tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN. Hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các Cty CP, Cty TNHH. Tổ chức chuyên trách trực thuộc Chính phủ, thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại Cty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, các TCty và các DNNN quy mô lớn quan trọng, kể cả đối với TCty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Tổ chức chuyên trách thực hiện các quyền cơ bản của chủ sở hữu nhà nước, có chức năng tổ chức, quản lý và giám sát thực hiện mục tiêu của Nhà nước giao, các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại các TCty, Cty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước và các DNNN quy mô lớn quan trọng; bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước ở các DN này. Nội dung các quyền và nghĩa vụ cụ thể của chủ sở hữu nhà nước tương ứng với hình thức tổ chức của các DN này là  Cty cổ phần hay Cty trách nhiệm hữu hạn.

Tổ chức chuyên trách có bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ chuyên trách và chuyên nghiệp để theo dõi, thu thập và tổng hợp thông tin thống nhất và nhất quán về tập đoàn kinh tế nhà nước, các TCty và các DNNN quy mô lớn quan trọng; phân tích, đánh giá việc thực hiện các quyền cơ bản của chủ sở hữu nhà nước; đưa ra các đề xuất và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhân sự của bộ máy chuyên trách phải có trình độ và năng lực  phù hợp, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao. Cần có cơ chế huy động các nguồn lực hoặc phối hợp tư vấn từ các chuyên gia, tổ chức chuyên nghiệp, kể cả các tổ chức dịch vụ tư vấn tài chính, đầu tư, kiểm toán... có uy tín của nước ngoài.

Tổ chức chuyên trách không thực hiện bất cứ chức năng nào thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước (đối với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế). Sau khi thành lập tổ chức chuyên trách chủ sở hữu trực thuộc Chính phủ, các bộ quản lý ngành không làm đại diện chủ sở hữu nhà nước; chỉ thực hiện vai trò quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, trong đó, có quản lý nhà nước đối với các DN không phân biệt thành phần kinh tế.

Hình thành bộ phận chuyên trách thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với các DN chưa chuyển giao quyền quản lý vốn nhà nước về SCIC. Bộ phận chuyên trách này không thực hiện quản lý hành chính nhà nước đối với DN. Xác định rõ các hoạt động đặt hàng, kế hoạch, tổ chức đấu thầu thực hiện cung cứng sản phẩm dịch vụ công ích hoặc phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm lợi ích cộng đồng ở địa phương thuộc chức năng quản lý nhà nước, không thuộc chức năng của chủ sở hữu nhà nước.

TCty, Cty mẹ tập đoàn kinh tế nhà nước là chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thành viên. SCIC thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN độc lập trực thuộc bộ, UBND cấp tỉnh chuyển đổi thành các Cty cổ phần hoặc Cty TNHH một thành viên.

Kiện toàn tổ chức; cơ cấu lại danh mục đầu tư; chuyển đổi SCIC thành Cty cổ phần hoặc Cty TNHH một thành viên. Tổ chức lại mạng lưới người đại diện vốn của SCIC tại các DN; bỏ cơ chế người đại diện của SCIC đồng thời là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước của các bộ, ngành, UBND các cấp. Bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu theo nguyên tắc thị trường; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước và không làm tổn hại đến lợi ích của các DN khác.

Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư vốn và cổ đông ở các Cty, cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế nói chung và tại từng Cty cụ thể có cổ phần nhà nước nói riêng.

Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, mô tả công việc và quy trình lựa chọn, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các DN, cán bộ quản lý DN tại các Cty 100% sở hữu nhà nước hoặc nhà nước có phân vốn góp, cổ phần chi phối.

Thiết lập hệ thống thông tin quản lý vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DN, kết nối từ Ban chỉ đạo TƯ, các bộ, UBND cấp tỉnh, mà trực tiếp là bộ phận chuyên trách và các DN trong đó cổ phần, phần vốn nhà nước.

Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước trong kinh doanh. Quy định cụ thể các tiêu chí Chính phủ giám sát, đánh giá thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện chủ sở hữu nhà nước. Chính phủ chịu sự giám sát của Quốc hội về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với các DNNN; định kỳ trình Quốc hội báo cáo tổng hợp về thực trạng kinh doanh vốn sở hữu nhà nước, bảo toàn và phát triển  vốn và tài sản nhà nước tại DN. Quốc hội tăng cường giám sát Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, các khoản vay có bảo lãnh của nhà nước vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, TCty nhà nước. Thể chế hóa việc giám sát, đánh giá bằng quy định pháp luật.

Bảo đảm cách thức tác động của chủ sở hữu nhà nước vào quyết định của DNNN tương đồng với cách thức tác động của các chủ sở hữu khác theo đúng quy định của Luật DN và Điều lệ DN. Không sử dụng các hình thức quyết định hành chính nhà nước để truyền tải quyết định của chủ sở hữu nhà nước. Quyết định của chủ sở hữu nhà nước có hình thức và theo mẫu riêng, khác với mẫu quyết định hành chính nhà nước.

Tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát nhiệm vụ bảo vệ lợi ích chủ sở hữu vốn nhà nước đối với người đại diện theo uỷ quyền tại các Cty cổ phần, Cty TNHH. Khắc phục sự tuỳ tiện trong việc cử người đại diện tại các DN bằng mối quan hệ hợp đồng, ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm pháp lý; xác định rõ những quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu do người đại diện trực tiếp thực hiện, quyền và nghĩa vụ cần phải thông qua ý kiến của chủ sở hữu trước khi biểu quyết hoặc bỏ phiếu hoặc quyết định ở Cty cũng như cơ chế xử lý hậu quả khi đại diện theo uỷ quyền thực hiện không đúng ràng buộc, tổn hại đến lợi ích của cổ đông nhà nước. Người đại diện theo uỷ quyền tại DN không thực hiện bất kỳ công tác nào thuộc chức năng quản lý hành chính nhà nước. Tiếp tục giảm thiểu hoạt động đầu tư vốn trực tiếp của Nhà nước vào các DN. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các DN...

Cải thiện cách thức can thiệp vào các DNNN lớn, quan trọng. Không trực tiếp sử dụng DNNN trở thành công cụ quản lý nhà nước trong điều tiết kinh tế vĩ mô; không giao nhiệm vụ cho TCty và tập đoàn kinh tế nhà nước soạn thảo, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lãnh thổ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Việc định hướng DNNN tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả, bình ổn thị trường và các nhiệm vụ chính trị - xã hội khác được thực hiện thông qua chức năng chủ sở hữu nhà nước bằng cơ chế phân công, giao nhiệm vụ cho người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN thực hiện. Không sử dụng quyết định hành chính nhà nước để chi phối và can thiệp vào quan hệ  mua bán sản phẩm giữa các DNNN; việc chi phối và can thiệp (nếu cần thiết) phải bằng các quyền của chủ sở hữu và thông qua người đại diện chủ sở hữu tại DNNN.

Đối với Cty có quy mô tương đối lớn, có tỷ lệ sở hữu nhà nước lớn, thì cần xem xét thực hiện các giải pháp sau đây: Chủ tịch HĐQT không đồng thời kiêm GĐ/TGĐ điều hành. Bổ nhiệm thành viên độc lập của HĐQT. Thành viên độc lập phải có các đặc điểm sau đây: là thành viên không điều hành; không làm việc hay là nhân viên của Cty; không phải cổ đông lớn của Cty và không phải là người có liên quan của những người có liên quan của Cty.

HĐQT phải xây dựng và đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quy trình: lập chiến lược và kế hoạch kinh doanh; cảnh báo, xác định và đánh giá rủi ro; đánh giá hiệu quả kinh doanh của Cty; đánh giá hiệu quả của HĐQT, từng thành viên HĐQT và GĐ.

Quản trị Cty TNHH một thành viên nhà nước

Quy định về điều kiện trở thành thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Cty, GĐ/TGĐ DNNN là Cty TNHH một thành viên.

Hướng dẫn cụ thể quy định Chủ tịch Cty hoặc Hội đồng thành viên có quyền nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện các quyền của chủ sở hữu theo hướng: xác định rõ Chủ tịch Cty hoặc Hội đồng thành viên là người quyết định các quyền của chủ sở hữu quy định tại Điều 64 Luật DN. Trường hợp vượt quá thẩm quyền được uỷ quyền, Chủ tịch Cty/Hội đồng thành viên vẫn là người quyết định sau khi được sự đồng ý hoặc phê duyệt của cơ quan chủ sở hữu. Ý kiến đồng ý hoặc phê duyệt của cơ quan chủ sở hữu chỉ có giá trị pháp lý trong quan hệ giữa cơ quan chủ sở hữu với Chủ tịch Cty/HĐTV.

Ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin và báo cáo thường xuyên cho chủ sở hữu về các vấn đề có liên quan của Cty; bổ sung các quy định về cơ chế cho phép HĐTV, Chủ tịch Cty tiếp cận các thông tin thuộc quyền kiểm soát của GĐ, đồng thời đa dạng hóa các kênh thông tin ngoài chế độ báo cáo bằng sổ sách như hiện nay.

Thống nhất các quy định về cơ chế hoạt động tài chính, lao động tiền lương của các Cty TNHH một thành viên, không quy định riêng cho Cty TNHH một thành viên 100% sở hữu nhà nước. Thống nhất áp dụng chế độ hợp đồng lao động đối với GĐ (TGĐ), Phó GĐ (Phó TGĐ), Kế toán trưởng và các chức danh quản lý điều hành của Cty TNHH một thành viên.

Nâng cao tính độc lập, chuyên nghiệp và năng lực chuyên môn của Ban kiểm soát. Bắt buộc các Cty nhà nước phải bổ nhiệm người bên ngoài làm thành viên BKS. Thành viên nay phải là chuyên gia tư vấn độc lập có trình độ nghề nghiệp cao và giàu kinh nghiệm thực tế. Xây dựng phương pháp đánh giá hoạt động của BKS và từng thành viên BKS nhằm tạo sức ép thúc đẩy BKS nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc. Có chế độ thù lao, khuyến khích vật chất hợp lý với thành viên BKS.   

Tóm lại, trong thời gian qua, nhờ quản trị DN tốt, nhiều DNNN đã lớn mạnh, bắt kịp xu thế phát triển hiện đại và mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, gia tăng tương đối sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế dựa trên một số lợi thế sẵn có của mình. Trong số đó, có thể kể đến một số dự án đầu tư ra nước ngoài trọng điểm như dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại Madagasca, tổng vốn đầu tư 117,3 triệu USD do TCty đầu tư phát triển dầu khí thực hiện năm 2007, dự án thiết lập và khai thác mạng viễn thông sử dụng công nghệ VOIP cung ứng dịch vụ điện thoại và mạng thông tin di động tại Campuchia, tổng vốn đầu tư của dự án là 27 triệu USD của Viettel và sắp tới một dự án đầu tư ra nước ngoài được đánh giá là lớn nhất VN với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP và nhà máy sản xuất Amonia tại Morocco của Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) với đại diện là Cty CP Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). Sự vươn ra thị trường quốc tế này đánh dấu một bước tiến dài của DNNN trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Sau 1/7/2010 sẽ có nhiều thay đổi lớn :
 
1. Cơ cấu quản trị DN, chứ không phải cơ cấu sở hữu, quyết định thành công dài hạn của DNNN.
2. Ranh giới giữa DNNN và DN của tư nhân sẽ ngày càng mờ nhạt.
3. Đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D) chính là điểm mạnh của các DNNN lớn.
4. Các DNNN có thể trở thành các Cty đa quốc gia thành công.
 
PGS TS Nguyễn Đình Tài
ThS Đinh Trọng Thắng
ThS Nguyễn Thị Lâm Hà

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Cho thuê lại lao động – ai lợi hơn ai?
  • Đề xuất miễn thuế xuất khẩu da trăn nuôi
  • Từ 1/7, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới nộp thuế
  • DN thêm gánh nặng phí
  • Phạt nặng kinh doanh, nhập khẩu hàng lậu
  • Chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước: Chưa căn cơ, thiếu đồng bộ
  • Từ năm 2012, đất lấn chiếm chịu thuế suất 0,2%
  • Chính thức đưa chung cư tư nhân vào quản lý
  • Tổ chức Hội nghị CG chính thức năm 2010 tại Hà Nội
  • Tất cả các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài phải đóng cửa trước 31/7
  • Chậm cấp thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị phạt nặng
  • Từ 8/8: Mua nhà ở xã hội chỉ được bán sau 10 năm
  • Từ 1-7: Chỉ dùng một loại tem duy nhất dán cho mũ bảo hiểm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%