Các dự án luật mới đều được Quốc hội thông qua với số phiếu thuận khá cao. |
Sáng 8/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 4 luật mới vừa được kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa 12 thông qua.
Đó là Luật Trọng tài thương mại và Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2011; Luật Thi hành án hình sự và Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Điểm rất mới của Luật Thi hành án hình sự là hình thức thi hành án tử hình sẽ được thực hiện bằng tiêm thuốc độc thay vì xử bắn như hiện nay. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.
Cũng theo quy định của luật này thì trước khi thi hành án, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được gửi đơn đến chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Kể từ ngày luật này có hiệu lực, Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 2007 sẽ hết hiệu lực.
Luật Trọng tài thương mại quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài gồm giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
Cũng theo quy định của luật này, tòa án xem xét hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên. Một trong các căn cứ khiến phán quyết trọng tài bị hủy là chứng cứ giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài…
Gồm 11 chương, 72 điều, Luật An toàn thực phẩm đã đưa ra nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm, trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế và các bộ khác có liên quan.
Trong đó có một chương riêng để "quản” thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ do đây là loại hình kinh doanh đặc biệt, là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất.
Luật Nuôi con nuôi gồm có 5 chương với 52 điều lần đầu đề ra hệ thống nguyên tắc, quy chuẩn để đảm bảo quyền cũng như điều kiện tốt nhất cho trẻ em. Trẻ chỉ được cho làm con nuôi người nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Theo luật, người nước ngoài nhận con nuôi Việt Nam ngoài khoản lệ phí đăng ký nuôi con nuôi còn phải trả một khoản tiền bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết con nuôi nước ngoài (bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận; chi phí xác minh nguồn gốc của trẻ được giới thiệu làm con nuôi; thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng).
Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa 12 đã thông qua 10 dự án luật. Ngày 7/7, các Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng đã được công bố.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com