Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (16): Appalachia và Ozark - Phần 2

Người dân Appalachia (Tiếp theo)

Cư dân Appalachia tương đối nghèo. ở một số khu vực, đặc biệt là đông Kentucky - nơi sản xuất than chủ lực của Appalachia, nguyên nhân chính của tình trạng nghèo đói là do sự suy giảm nghiêm trọng nhu cầu về lao động, kết quả của việc cơ giới hóa hoạt động khai thác than trong những năm 1940.

Thái độ của cư dân trong vùng khá bảo thủ. Nhiều trong số các dòng Đạo Tin Lành bảo thủ nhất có cội nguồn ở Appalachia. Một số dòng khác được thấy ở những nơi mà dân chúng vùng núi này di cư đến và mang theo tôn giáo của họ. Về chính trị, hầu hết các quan chức được bầu cử đều kiên quyết theo trường phái bảo thủ, mặc dù cũng có những biểu hiện của chủ nghĩa dân tuý nông thôn. Chủ nghĩa địa phương trong vùng bắt nguồn từ mối liên hệ chặt chẽ trong gia đình và cộng đồng được hình thành trong sự tách biệt một cách tương đối, yếu tố đã khiến các thành viên trong một cộng đồng gắn bó với nhau hơn nhưng lại giảm đi mối liên kết với các cộng đồng khác.

Phần phía nam của khu vực mới là nơi mang đặc trưng Appalachia rõ nét nhất, và là nơi mà hầu hết người Mỹ nhìn nhận là Appalachia. Nhưng phần lớn những gì đề cập trên đây về dân cư trong vùng cũng hoàn toàn đúng với vùng Ozarks và Bắc Appalachia.

Sự gắn bó với khu vực của người dân miền bắc Appalachia kém rõ nét hơn nhiều. Chắc chắn là họ cũng chia sẻ địa hình núi non, và những khó khăn trong sự phát triển do các sườn dốc tạo nên cũng là khó khăn chung. Nhưng so với miền Nam, tình trạng nghèo đói ở đây đỡ nghiêm trọng hơn nhiều. Hơn nữa, gần đây có thêm nhiều người đến khu vực này định cư, hòa nhập vào cộng đồng những người định cư Tây Bắc Âu đầu tiên. Điều này là đặc biệt đúng với Pennsylvania và phía bắc của Tây Virginia, nơi các mỏ than đã hấp dẫn không ít người di cư từ Đông Âu đến vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Nhiều mô hình văn hóa của người dân vùng bắc Appalachia, nổi bật là tôn giáo, rất khác biệt so với văn hóa của người vùng cao nguyên phía nam. Những dòng đạo chính thống không phổ biến lắm; ở một số quận, đặc biệt là tại Pennsylvania, Đạo Thiên chúa và các thành viên của các giáo hội Chính thống phương Đông (Chính thống giáo) chiếm đa số.

Giao thông trong khu vực Bắc Appalachia nhanh chóng trở nên thuận tiện hơn nhiều so với ở khu vực phía nam, một phần do núi non ở đây thấp và ít liên tục hơn, do đó dễ vượt qua hơn. Mặt khác, khi vùng cao Midwest (Trung Tây) phát triển mạnh, Appalachia trở thành trung tâm chính của sự tăng trưởng thương mại và chế tạo của lục địa. Những tuyến đường giao thông nối hai phần đông - tây của vùng Trọng điểm Chế tạo nhanh chóng vươn dài qua các dãy núi.

Kết quả kinh tế của điều này chính là sự phát triển xa hơn nữa trong khu vực Bắc Appalachia, đặc biệt là tại miền Trung tâm và Tây Pennsylvania và New York so với phía Nam Appalachia.

Hình mẫu kinh tế và định cư

Hình ảnh mang tính chất quốc gia của Appalachia rõ ràng là vùng nông thôn. Trên một vài khía cạnh thì điều này là xác thực. Tỷ lệ đô thị cho khu vực này chỉ bằng khoảng một nửa tỷ lệ trung bình quốc gia. Đại bộ phận dân số được phân loại thành cư dân nông thôn hoặc cư dân nông thôn phi nông nghiệp (những người sống ở nông thôn nhưng lại có nghề nghiệp ở thành phố). Tuy nhiên, tỷ lệ nông thôn cao của Appalachia không được hỗ trợ bởi một hệ thống nông nghiệp thương mại quy mô lớn. Trái lại, sự nhỏ bé của những nông trại và khai thác mỏ (chủ yếu là than) là những nhân tố chính gây nên mật độ dân số cao.

Appalachia là khu vực chính trên nước Mỹ có các nông trại do chính các chủ sở hữu thực hiện canh tác mà Kentucky và Tây Virginia dẫn đầu quốc gia về loại hình này. Không có bất kỳ một cây trồng mang tính thương mại quan trọng nào ở Appalachia, hầu như không có sự phát triển sớm của việc thuê mướn trang trại, và mô hình sở hữu và canh tác trang trại cũ vẫn tồn tại.

Trang trại trung bình ở Appalachia chỉ rộng vào khoảng 40 hecta. Hơn nữa, địa hình gồ ghề, chất đất cằn cỗi và mùa sinh trưởng ngắn ở hầu hết khu vực đã khiến cho diện tích đất trồng trọt bị hạn chế và làm cho đồng cỏ và chăn nuôi gia súc được chú trọng hơn nhiều. Do những cánh đồng trong các thung lũng đều nhỏ và nằm rải rác nên việc sử dụng một cách hiệu quả các loại máy móc nông nghiệp lớn hầu như không thể thực hiện. Kết quả của tình trạng này là các nguồn thu nhập từ nông trại rất thấp. Nhiều nông dân trong vùng đã chuyển sang làm nghề phụ, tạo thêm thu nhập để có thể trụ lại được với các nông trại của mình.

Loại hình nông nghiệp có thể nhận thấy ở hầu hết khu vực này được gọi là canh tác tổng hợp, có nghĩa là không có một sản phẩm cụ thể nào hoặc sự kết hợp của nhiều sản phẩm nào mang tính chất chủ đạo trong nền kinh tế nông trại. Nuôi thả súc vật là phổ biến nhất và có lẽ đây chính là việc sử dụng hữu hiệu những sườn đồi dốc cho mục đích nông nghiệp. Một số loại cây trồng như thuốc lá, táo, cà chua, và bắp cải ở những vùng thung lũng có tầm quan trọng mang tính chất địa phương. Những lô đất nhỏ trồng cây thuốc lá chính là loại cây trồng hàng hóa phổ biến nhất ở miền nam Appalachia. Ngô là loại cây nông nghiệp hàng đầu của vùng này nhưng chỉ thường được sử dụng làm thức ăn cho gia súc ở nông trại.

Có một số ngoại lệ rất quan trọng đối với loại hình nông nghiệp này. Thung lũng Shenandoah của Virginia chẳng hạn, trước đây đã từng được gọi là vựa lúa mì của Virginia. Việc cạnh tranh trong việc trồng lúa mì ở những vùng đồng cỏ màu mỡ của Deep South và Great Plains đã đẩy thung lũng này ra khỏi thị trường lúa mì quốc gia vào cuối thế kỷ XIX. Mặc dù lúa mì mùa đông vẫn đang được trồng nhưng cỏ và ngô làm thức ăn gia súc cùng táo hiện đã trở thành những cây trồng chính của thung lũng, cũng như việc chăn nuôi gà tây ở vùng đất này đã có được tầm quan trọng trong khu vực. Những sản phẩm từ sữa và táo có được vị trí quan trọng đối với nhiều thung lũng của trung tâm Pennsylvania. Thung lũng Tennessee cũng là một vùng nông nghiệp rộng lớn, ngành kinh tế quan trọng nhất là các loại cây thức ăn gia súc và chăn nuôi gia súc.

Ở phần lớn Appalachia, cùng với các nông trại là sự hiện diện của than. Hầu như cả vùng Cao nguyên Allegheny đều nằm trên một loạt vỉa than có chứa nhựa đường mà kết hợp lại cùng tạo nên một vùng than lớn nhất thế giới. Các vỉa than đã lộ ra do chính những dòng nước, mà thông qua hoạt động xói mòn đã tạo nên vùng cao nguyên có địa hình gồ ghề này.

Than của Appalachia có được tầm quan trọng ngay sau thời kỳ Nội chiến của Mỹ vào những năm 1860. Sự phát triển những loại sắt nung bằng than cốc và các lò luyện thép đã hình thành nên nhu cầu đối với than, bởi vì than cốc được chế biến từ than có chứa nhựa đường. Các vỉa than dày của vùng Tây Nam Pennsylvania và Tây Bắc Virginia đã cung cấp chất đốt cho Pittsburgh, Pennsylvania, nâng vị thế Thành phố Thép của mình lên trong giai đoạn này. Khi đất nước chuyển sang giai đoạn dùng năng lượng điện vào thế kỷ XX, than từ Appalachia đã cung cấp chất đốt cho các nhà máy điện dọc theo hầu hết Bờ biển phía Đông và trong vùng trung tâm chế tạo nội địa.

Sau thời hoàng kim của một thế kỷ tăng trưởng, ngành than rơi vào giai đoạn suy giảm bắt đầu vào những năm 1950. Sản xuất giảm vì khí tự nhiên và dầu mỏ trở thành các nguồn nhiên liệu chủ yếu thay thế cho than. Giữa năm 1950 và 1960, nhiều địa hạt có than đã mất hoàn toàn 1/4 dân số của mình. Suy thoái kinh tế, đi kèm với đói nghèo phổ biến ở hầu hết vùng Appalachia, đã tạo nên một khu vực có những khó khăn nghiêm trọng.

Ngày nay, do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, cùng với những mối lo ngại thường xuyên về tính sẵn có và chi phí của các nguồn cung dầu mỏ cũng như độ an toàn của năng lượng nguyên tử, người ta lại quay về chú trọng nhu cầu than trong sản xuất năng lượng điện. Những nhà máy điện mới sử dụng số lượng lớn than khai thác tại địa phương để sản xuất điện, hầu hết lượng điện này đã được truyền đến những nơi nằm ngoài khu vực này. Gần 100 triệu tấn than của Appalachia được xuất khẩu hàng năm.

Than Appalachia được khai thác theo nhiều phương thức khác nhau. Khai thác than theo đường hầm lò hoặc giếng than được sử dụng trước tiên và đến nay vẫn khá quan trọng, đặc biệt là tại khu vực phía bắc của vùng này. Những kỹ thuật khai thác than dưới lòng đất hiện đại - sử dụng một cách rộng rãi những mũi khoan lưu động cực lớn và những máy khai thác liên hoàn, để bóc tách than khỏi vỉa, sau đó chuyển than vào các băng chuyền để đưa lên mặt đất - đồng nghĩa với việc người ta có thể bóc hàng tấn than ra khỏi vỉa trong mỗi phút.

Khai thác than lộ thiên hay khai thác dưới hình thức bóc tách là phương thức ít tốn kém hơn nếu các vỉa than nằm gần mặt đất, có tầm quan trọng ngày càng tăng. Tại khu vực trung tâm (chủ yếu là Đông Kentucky, Tây Virginia, và phía nam Tây Virginia), nơi đã trở thành khu sản xuất quan trọng nhất ngày nay, các máy móc lớn thực hiện việc di chuyển các tảng đá dọc theo sườn dốc bên trên một vỉa than và sau đó đơn giản bóc lấy những tảng than đã lộ ra. Bóc than dọc theo một số vỉa trên sườn dốc bằng phương pháp này đã tạo nên hình bậc thang, đặc biệt trông xa giống như một loạt những hộp nhỏ xếp chồng lên nhau.
 

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (16): Appalachia và Ozark - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (17): Appalachia và Ozark - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (18): Vùng cực nam -Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (19): Vùng cực nam -Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (20): Vùng cực nam -Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (21): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (22): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (23): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (24): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (25): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (26): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (27): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (28): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (29): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (30): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 3