Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Chương 8: VÙNG CỰC NAM
Vùng văn hóa miền nam với tên gọi Deep South (bản đồ 7) có thể được xem như một hỗn hợp địa lý của các tôn giáo, các quan điểm, các phong cách sống, các thói quen và các tập quán có từ lâu đời. Rất nhiều hình mẫu trước đây cũng như những thay đổi hiện nay rõ ràng là mang tính chất địa lý và còn nhiều đặc điểm khác - tất cả đều là hệ quả của yếu tố địa lý.
Những khác biệt lớn tồn tại ngay trong lòng miền Nam. Gulf Coast (Vùng bờ Vịnh), vùng đất cao nguyên phía nam, Georgia - Carolinas Piedmont, và nhiều vùng thuộc nội địa phía bắc của miền Nam, mỗi nơi đều có những phiên bản văn hóa riêng của mình. Nhưng mỗi miền đều hiểu rất rõ về “tính cách phương Nam” mà họ cùng chia sẻ.
Di sản
Quá trình xâm chiếm thuộc địa sớm nhất của người châu Âu ở Mỹ là mang tính chất thương mại và khai thác. Đồng bằng ven biển phía nam Vịnh Delaware, đặc biệt là phía nam Vịnh Chesapeake chứa đựng nhiều vùng đất tỏ ra lý tưởng cho khai thác nông nghiệp. Những mùa hè dài và nóng, thường xuyên mưa, những mùa đông ấm áp đã cho phép những người định cư có được một sưu tập các loại cây trồng bổ sung cho những loại cây ở Bắc Âu. Số lượng lớn các con sông chảy qua vùng đồng bằng này, ít nhất cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các thuyền nhỏ, cho phép việc định cư mở rộng một cách tự do hơn giữa hai con sông James ở Virginia và Altamaha ở Georgia.
Mật độ dân số vẫn ở mức thấp trên hầu hết khu vực này với sự tập trung phần lớn vào các đô thị hơn là các làng nhỏ nằm trên ranh giới với các thành phố cảng (Norfolk ở Virginia, Wilmington ở Bắc Carolina, Charleston ở Nam Carolina, Savannah ở Georgia) hay các đầu mối giao thông đường thủy trên các con sông chính (Richmond ở Virginia, và sau này là Columbia thuộc Nam Carolina, và Augusta thuộc Georgia). Những đặc trưng nông thôn và đất đai mạnh mẽ của nền văn hóa miền Nam đã tạo nên một cách sống được duy trì khá lâu cho đến tận nửa cuối thế kỷ thứ 20.
Thành quả lớn nhất thu được từ nỗ lực của những người châu Âu trong quá trình định cư tại vùng đất thấp phía nam Đại Tây Dương này đều nhờ nền nông nghiệp với cơ cấu các loại cây có tính thương mại cao. Các tổ chức dạng đồn điền dần dần chiếm ưu thế trong nền kinh tế thuộc địa phía nam từ rất sớm. Ngành sản xuất thuốc lá dọc theo dòng sông James cho đến miền Nam thuộc đông bắc Bắc Carolina, ngành sản xuất gạo và thuốc nhuộm màu chàm ở trong và xung quanh những đầm lầy ven biển ở Carolina và Georgia đã trở nên quan trọng kể từ năm 1695 đến nay. Ngành sản xuất bông tăng trưởng không đáng kể xét trên phương diện tầm quan trọng cho mãi tới khoảng năm 1800. Nhưng sau đó, từ sự tập trung ban đầu vào những Vùng đảo ngoài khơi giữa Charleston và Florida thuộc quyền kiểm soát của Tây Ban Nha, ngành này đã mở rộng rất nhanh trong đất liền. Mặc dù những nông trại nhỏ do tư nhân nắm giữ rất nhiều, nhưng hình thức đồn điền cũng cho thấy những thành công đủ để lan sang phía tây với việc sản xuất bông và đạt tới hình thức phổ biến nhất tại Georgia, Alabama, Mississippi, và Louisiana trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ thứ 19. Thuốc lá cũng được phát triển về hướng tây sang Kentucky và Tennessee bởi những người định cư đến từ Virginia và Bắc Carolina.
Cách quy hoạch không gian của miền Nam phát triển rất yếu với các khu chợ trung tâm dịch vụ nhỏ làm các điểm thu nhận và chuyển giao hàng hoá; những thành phố lớn hơn chứa đựng nhiều hoạt động kinh tế chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp. Mạng lưới giao thông đi đôi với đặc trưng này là một hệ thống cho phép các sản phẩm trong đất liền được vận chuyển trực tiếp đến các trung tâm xuất khẩu ven biển; các mối liên kết giữa các khu vực thị trường nhỏ hơn vẫn rất ít ỏi. Hệ quả chủ yếu của tình trạng này chính là sự tách biệt nông thôn với hầu hết cư dân sống trong khu vực.
Nền nông nghiệp đồn điền quy mô lớn cần một lượng đầu tư hàng năm hợp lý, và hầu hết khoản đầu tư này đều dưới hình thức lao động nô lệ từ châu Phi. Khi thực trạng này xuất hiện, nó đã hạn chế sự nhập cư của người dân bởi vì những người định cư tiềm năng và những lao động đô thị tìm thấy nhiều cơ hội tự do hơn ở miền Bắc. Vì thế, kể từ đầu thế kỷ thứ 19, tỷ lệ người sinh ra ở nước ngoài tại miền Nam đã thấp hơn bất kỳ một khu vực nào khác trong đất nước này. Và bởi vì sự nhập cư đáng kể vào Mỹ từ các nước không phải là nước Anh cho mãi đến những năm 1840 mới xuất hiện nên đa số dân da trắng miền Nam đều có gốc Anh.
Hai loại người định cư dài hạn không mang dòng máu Anh cũng như không phải gốc Phi là những người Cajun thuộc Nam Louisiana và một số cộng đồng người Mỹ bản địa. Những người Cajun theo Thiên chúa giáo nói tiếng Pháp này có tổ tiên là những người Pháp sống ly hương đến từ Canada. Những người dân Cajun nông thôn đã đến định cư tại Nam Louisiana và vẫn giữ được bản sắc văn hoá, mặc dù những khu vực còn lại trong bang đã dần dần có sự hòa nhập vào nền văn hóa của Deep South. Hầu hết các cộng đồng người Mỹ bản địa đều bị di chuyển từ miền Nam tới, theo một cách thức cũng tàn nhẫn không kém và cùng thời điểm với cuộc di chuyển tại Midwest, tuy nhiên, một số cộng đồng đáng kể vẫn trụ lại được như là một ngoại lệ. Lớn nhất trong số này là cộng đồng Lumbee ở đông nam Bắc Carolina; một số ít người còn sót lại của bộ lạc Cherokee một thời đầy quyền lực ở phía tây nam của Bắc Carolina, cộng đồng người Choctaw ở trung tâm Mississippi, và người Seminos ở Nam Florida.
Một yếu tố mạnh mẽ khác của văn hóa Deep South bắt nguồn từ các cộng đồng ruộng đất và trang ấp. Người dân miền Nam từ lâu đã được đặc trưng hóa bởi sự gắn bó với đạo Tin lành. Những nhà thờ nhỏ, khiêm tốn vẫn nằm rải rác ở các vùng nông thôn, thu hút các giáo dân từ những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn tới đây vào mỗi ngày Chủ nhật. Các giáo dân thuộc Hội Giám lý, Tân giáo, và những dòng đạo Tin lành khác cũng sinh sống phổ biến trên khu vực này, nhưng chiếm đa số ở đây lại là những người theo dòng Rửa tội.
Việc sử dụng mạnh nô lệ ở các thuộc địa phía nam là điểm then chốt của cả hai yếu tố cấu thành nên nền văn hóa phương Nam. Một trong những nhân tố tác động chính là sự lan truyền nhiều đặc điểm của các nền văn hóa châu Phi sang khu vực này và sự pha trộn của các yếu tố này với các yếu tố văn hóa khác của người da trắng. Những người châu Phi đầu tiên đã tới Virginia vào năm 1619, chỉ 10 năm sau khi khu định cư đầu tiên được thiết lập tại sông James. Mặc dù mãi tới đầu thế kỷ XVIII, nô lệ mới được nhập khẩu với số lượng lớn vào khu vực này, nhưng người da đen đã có mặt ở đây và là một phần của tổ chức và môi trường xã hội của khu vực từ những thời kỳ đầu. Tác động đối với các hình mẫu giao tiếp, ăn uống và âm nhạc của miền Nam là không phải bàn cãi.
Các hậu quả về phương diện văn hóa cũng không thể bác bỏ nhưng kém tính tích cực hơn. Để biện minh cho việc bắt người khác làm nô lệ, người ta cần phải coi nhóm người bị bắt làm nô lệ là loại hạ đẳng. Việc người da trắng chấp nhận quan điểm kỳ thị người da đen này cũng không khác mấy với quan điểm cơ bản tồn tại cho đến tận cuối thế kỷ XVIII của người châu Âu. Tuy nhiên, cho đến ngưỡng cửa của thế kỷ XIX, sự phản đối chế độ nô lệ đã có được sức mạnh ở những nơi mà chế độ nô lệ ít có ý nghĩa hơn. Việc bào chữa cho chế độ buôn bán và nắm giữ nô lệ trở nên mạnh mẽ và tự thị hơn trong khu vực khi áp lực xoá bỏ chế độ này phát sinh từ bên ngoài.
Cho đến khi bùng nổ Nội chiến vào những năm 1860, trong đó chế độ nô lệ là một nguyên nhân sâu xa kích động cuộc chiến Bắc - Nam, thì hình mẫu địa lý về sự định cư và tổ chức kinh tế của miền Nam đã thay đổi nhanh chóng so với những giai đoạn đầu của chế độ thuộc địa. Tuy nhiên khu vực này vẫn mang tính nông thôn rất mạnh - phát triển đô thị bị hạn chế trong một số làng và thị trấn nhỏ, các thành phố lớn hơn hầu hết nằm ở bên bờ biển hoặc tại các điểm trung chuyển chính dọc theo các tuyến đường thủy nội địa, còn mạng lưới giao thông và truyền thông rất thưa thớt.
Sản xuất của những đồn điền bông đã thành công đến mức nền kinh tế khu vực bị chi phối bởi chỉ một loại cây này. Những loại cây khác như thuốc lá, gạo, mía, và cây gai dầu cũng được trồng ở đây nhưng chủ yếu được xem như là nguồn cung cấp thực phẩm địa phương hay như một lựa chọn thương mại thứ yếu. Vào năm 1860, bông đã ảnh hưởng lớn không chỉ tới nền kinh tế miền Nam mà còn tới toàn bộ nền kinh tế đất nước, ít nhất là trong thu nhập từ xuất khẩu; hơn 60% tổng giá trị hàng xuất khẩu từ Hoa Kỳ trong năm đó là thu từ xuất khẩu bông. Hiện nay bông vẫn được sản xuất với số lượng lớn bên ngoài miền Nam, và đứng hàng thứ năm trong tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ vào năm 1996.
Với hậu quả của Nội chiến, nền tảng kinh tế miền Nam bị tàn phá nặng nề. Các tuyến đường sắt bị phá hỏng và các thiết bị bị tịch thu, mạng lưới tàu bè bị rối loạn và hầu hết các cơ sở công nghiệp nằm rải rác đều bị phá huỷ. Đồng tiền Liên bang và các trái phiếu trở nên vô giá trị. Lượng bông tích trữ dự định bán sau Nội chiến nằm trong các nhà xưởng, các cảng bị phá huỷ bởi quân miền Bắc. Nông trại và các cánh đồng không được khôi phục lại, nông cụ và gia súc hoặc bị lấy cắp hoặc đánh mất. Nguồn cung cấp nô lệ chính thức bị xoá bỏ và quyền sở hữu đất đai bị tước bỏ hoặc bị đánh thuế nặng.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com