Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Bước đầu thay đổi
Các đặc trưng về không gian và khu vực của Miền Nam Mới (New South) được thiết lập trên các hình mẫu đã phát triển qua nhiều thập niên, và về một số phương diện, qua nhiều thế kỷ. Điều then chốt trong những thay đổi gần đây là sự mất dần đi tính biệt lập của khu vực này.
Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, hầu hết người dân miền Nam, dĩ nhiên là cả tầng lớp lãnh đạo, đã phản ứng trước các sự kiện theo một cách thức dường như miền Nam là một quốc gia riêng biệt, họ miễn cưỡng phải hợp tác với người láng giềng phía bắc. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1930, đặc biệt là từ cuối những năm 1940, các xu thế và áp lực bên ngoài đối với miền Nam đã bắt đầu thâm nhập vào khu vực này và phá vỡ tính biệt lập của nó.
Nền kinh tế của miền Nam trong những năm 1930 hầu như không khác biệt bao nhiêu so với năm 1870: đất đai là chủ đạo, các sản phẩm nông nghiệp sơ chế được sản xuất chủ yếu là để xuất khẩu, thiếu vốn, được hỗ trợ bởi việc sử dụng nhiều lao động thủ công và sức súc vật, và được vận hành thông qua những thỏa thuận lĩnh canh và qua sự canh tác của tá điền, cùng với một chế độ xiết nợ bằng các vụ mùa rất đặc trưng cho khu vực này. Ngành công nghiệp tồn tại chủ yếu là những ngành có mức tiền công thấp hoặc được định hướng vào những thị trường địa phương nhỏ hẹp. Cơ cấu đô thị của khu vực tiếp tục phản ánh sự định hướng này, với những trung tâm thị trường nhỏ bé, những thị trấn ven đường sắt, những thị trấn dệt, và những chức vụ trong quận huyện thể hiện hình thái đô thị thịnh hành ở miền Nam.
Trải qua nửa thế kỷ tiếp theo, những thay đổi to lớn đã diễn ra. Đầu những năm 1950, hơn một nửa lực lượng lao động của khu vực đã có việc làm phi nông nghiệp ở đô thị, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp tiếp tục giảm. Điều này diễn ra song song với sự gia tăng sử dụng nhân công trong khu vực chế tạo và trong các hoạt động dịch vụ. Hơn nữa, sự pha trộn trong công nghiệp ở miền Nam cho thấy một xu thế đa dạng hóa đã phát triển mạnh, hoạt động chế tạo ở phía nam không còn bị giới hạn trong những giai đoạn đầu chuyên chế biến nguyên liệu thô nữa.
Trong nông nghiệp cũng diễn ra quá trình đa dạng hoá. Bông vẫn là loại cây trồng thương mại quan trọng nhất trong khu vực, tiếp theo là các cây khác như thuốc lá, mía đường, lạc, và lúa gạo. Nhưng khu vực sản xuất bông ngày nay chỉ còn là chiếc bóng của chính nó xưa kia, xét về phương diện quy mô. Sự giảm sút này một phần là do sự huỷ bỏ các xưởng tách bông trong những khu vực sản xuất trước đây.
Trong khi sự thống trị của ngành bông giảm sút thì các ngành chăn nuôi gia súc ở trang trại và các loại cây trồng khác như đỗ tương lại tăng mạnh. Chăn nuôi bò thịt được phát triển nhanh chóng khi các nông dân cải tạo các đồng cỏ và các loại cây cho thức ăn gia súc, đồng thời áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong nhân giống. Đồng thời, các loại gia súc mới cũng được phát triển ở đây và là phương cách để tồn tại cũng như phát triển của khu vực này trong mùa hè nóng bức và ẩm ướt. Trong 30 năm qua, việc chăn nuôi gà đã được công nghiệp hóa và tập trung ở miền Nam.
Sự thay đổi trong các cách thức sản xuất ở nông trại còn mạnh mẽ hơn. Máy móc đã được áp dụng vào những lĩnh vực có thể trong tiến trình sản xuất, và nền kinh tế nông nghiệp khu vực đã có hiệu quả hơn nhiều so với trước đây. Hệ thống lĩnh canh truyền thống từ giữa những năm 1930 hầu như không còn, quy mô trung bình của toàn bộ trang trại ở miền Nam đã tăng mạnh.
Sự di cư từ nông thôn đến các đô thị ở miền Nam phát triển nhanh chóng khi nền kinh tế khu vực tham gia vào quá trình mở rộng sau thời kỳ Đại suy thoái vào cuối những năm 1930. Năm 1940 chỉ có 35 thành phố với dân số hơn 50.000 ở miền Nam. Vào năm 1950 con số này là 42 thành phố và vào năm 1980 là 75 thành phố. Nhiều khu vực nhỏ khác ở miền Nam đã phát triển mạnh mẽ thành các trung tâm lớn hơn.
Việc di cư về thành phố được khuyến khích bởi sự phát triển công nghiệp và sự đa dạng hóa các ngành nghề hứa hẹn đáp ứng được sự tăng trưởng nông nghiệp phía nam và tạo ra một tập hợp các ngành nghề. Tỷ lệ lực lượng lao động phi nông nghiệp tăng mạnh, và gần như trong mỗi lĩnh vực sản xuất của vùng, tỷ lệ này đều tăng. Các ngành công nghiệp truyền thống như thép, thuốc lá và hàng dệt vẫn quan trọng trong khu vực nhưng không còn giữ vị thế thống trị khi một số ngành sản xuất khác xuất hiện. Các ngành dệt tổng hợp và may mặc trước đây chỉ phát triển ở Carolina và sau đó ở phía bắc Georgia, đã mở rộng hoạt động trong lòng lĩnh vực công nghiệp rộng lớn này. Ngành công nghiệp hóa chất cũng mở rộng nhanh chóng ở Vùng bờ Vịnh (Gulf Coast). Ngành sản xuất đồ dùng nội thất ở trung tâm Carolina Piedmont gia tăng và các ngành trồng cây lấy gỗ khác trở nên nổi bật ở miền Đông và các vùng đồng bằng miền biển ở vùng Vịnh. Ngành đóng tàu vẫn phát triển ở Norfolk, Virginia, và bắt đầu phát triển nhiều nơi ở Gulf Coast; ngành công nghiệp sản xuất máy bay phát triển ở Marietta, Georgia, đã thu hút các lao động có tay nghề với mức lương cao hơn đến làm việc tại khu vực Atlanta.
Điều đáng chú ý nhất là khi mức lương trung bình của người tiêu dùng miền Nam cao hơn, thì thị trường khu vực lại phát triển đủ để thu hút nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng vào miền Nam. Điều này làm tăng mức cầu về lực lượng lao động phi nông nghiệp, tăng thu nhập và tăng cường thị trường địa phương.
Sự phát triển công nghiệp nhanh chóng ở miền Nam là kết quả của sự phát triển thị trường khu vực, mức cầu về hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng. Nhưng người ta vẫn đặt câu hỏi: Tại sao thị trường mở rộng được? Một quan sát viên cho rằng Luật Điều chỉnh Nông nghiệp (1935 và sau đó) của Chính phủ Liên bang đã tạo động lực cho thị trường phát triển.
Trước khi Luật đó có hiệu lực, giá cả mà các sản phẩm của những nông trại có thể đòi hỏi được thiết lập ở một mức độ lớn là theo cung - cầu trên thị trường quốc tế. Đối với miền Nam, điều này có nghĩa là giá của mặt hàng bông của miền Nam chẳng hạn, sẽ lên xuống một phần tuỳ thuộc vào sự thành công hay thất bại của các khu vực trồng bông khác trên thế giới. Quan trọng hơn là, người lao động trồng bông ở miền Nam phải cạnh tranh với các nhà sản xuất bông ở những vùng mà chủ yếu vẫn đang là một nền kinh tế thế giới thuộc địa hoá. Khi tiền công và giá cả trong nông nghiệp được điều chỉnh tăng lên theo Luật Điều chỉnh Nông nghiệp để phản ánh những khác biệt về tiền công trong công nghiệp ở tầm quốc gia, thì thị trường những mặt hàng chế tạo được cải thiện rõ rệt ở miền Nam đã khởi đầu cho dòng xoáy phát triển đi lên đang tác động tới khu vực này.
Trong một đạo luật về sự can thiệp của liên bang, mà được thừa nhận rộng rãi là có ý nghĩa đối với cơ cấu xã hội của miền Nam, Toà án Tối cao Hoa Kỳ, năm 1954, đã đánh gục học thuyết “Phân tách nhưng bình đẳng’’ của những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, được chấp nhận từ 70 năm trước. Những thay đổi trong địa lý xã hội của miền Nam được khởi đầu bởi quyết định này, những thay đổi đã vang dội đến mọi miền của đất nước, nơi mà màu da ảnh hưởng tới cơ hội, với những dư âm còn chưa tắt cho tới ngày nay.
Xuyên suốt những thay đổi của miền Nam kể từ giữa những năm 1930 tới nay là sự giảm sút dần dần của bản sắc khu vực của nó. Tính đa dạng kinh tế đang thay thế sự phụ thuộc đơn giản vào nông nghiệp. Có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung lao động tiền công thấp của khu vực này gần như đã cạn kiệt, các hoạt động công nghiệp và dịch vụ mới sẽ phải cạnh tranh tích cực hơn và có thể tiếp tục buộc tiền công tăng lên chậm. Khối lượng đáng kể người di cư từ phía bắc, đặc biệt là tới các trung tâm tăng trưởng siêu đô thị của khu vực, đã khiến một số thành phố ở đây ít mang bản sắc phương Nam hơn về mặt văn hoá, và mang tính chất đô thị rõ ràng hơn.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com