Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (19): Vùng cực nam -Phần 2

Hậu quả

Nửa thế kỷ đầu sau Nội chiến là giai đoạn tái điều chỉnh cho miền Nam. Người da trắng có những phản ứng khác nhau đối với địa vị được giải phóng của phần lớn người da đen trước khi họ được định cư thành từng nhóm có tổ chức. Về phần mình, người da đen đã trải qua những thay đổi về mặt cơ hội mà phần lớn là nằm ngoài sự kiểm soát của họ, cho đến hơn một nửa thế kỷ sau chiến tranh. Đây cũng là giai đoạn mà thái độ và cảm nhận của người phương Nam đối với sự biệt lập với phần còn lại của đất nước càng trở nên cứng nhắc.

Tình trạng phân rã của cơ cấu kinh tế thời tiền chiến đã khiến hầu hết cư dân miền Nam phải chịu những thời kỳ khó khăn cho trong giai đoạn 12 năm xây dựng lại (1865-1877) sau Nội chiến. Ngoại trừ sự phá huỷ giao thông và năng lực sản xuất, nền kinh tế đồn điền đã đi đến chỗ xơ cứng và quá phụ thuộc vào lao động nô lệ. Sau chiến tranh, việc tiếp tục các hoạt động khai thác mạnh mẽ là điều cần thiết để đối phó với tình trạng thuế và các chi phí khác cho xây dựng lại quá cao. Nguồn lực sẵn có nhất để khai thác vẫn là đất đai, do vậy sản xuất bông vẫn chiếm ưu thế trong nền kinh tế khu vực.

Những yếu tố khác cần cho sản xuất lại rất thiếu. Vốn địa phương khan hiếm, hầu hết đã chi tiêu cho cuộc chiến hoặc bị miền Bắc rút lại thông qua thuế má sau chiến tranh. Lãi suất tăng mạnh và nông dân thấy mình chìm trong nợ nần. Điều này có xu hướng làm cho miền Nam phụ thuộc vào nông nghiệp.

Với rất ít việc làm mới ở các thị trấn nhỏ, hầu hết người da đen ở nông thôn bắt buộc phải chấp nhận bất kỳ một sự dàn xếp nào có thể với các chủ đất da trắng còn lại. Việc lĩnh canh - theo đó người da đen được cấp tín dụng để mua công cụ, hạt giống, nơi cư trú và thực phẩm, và phải trả lại bằng một phần các sản phẩm cây trồng được trồng trên đất của người khác - đã trở thành phương tiện để sinh tồn, và là con đường sống, cũng giống như đối với nhiều người da trắng nghèo bị mất đất. Một khi đã được thiết lập, thông lệ này được thực thi bằng “Luật về người da đen’’ nhằm hạn chế sự di chuyển của người da đen bên ngoài khu vực nông nghiệp, và bằng việc duy trì những cơ hội học hành ít ỏi. Thậm chí, khi họ được làm chủ ruộng đất, người nông dân da đen vẫn bị cản trở bởi họ ít có khả năng được vay vốn, diện tích nông trại lại quá nhỏ bé nên khó có thể có năng suất cao, cùng những yếu tố chống lại người da đen của nền văn hóa khu vực này.

Khoảng năm 1880, môi trường cho các cơ hội kinh tế ở miền Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Trong thập niên này, ngành chế tạo đã phát triển nhanh chóng bởi có sự tăng trưởng của ngành công nghiệp dệt sợi bông. Cho đến năm 1929, 57% số các con suốt trong cả nước là thuộc về miền Nam, gấp hơn hai lần so với năm 1890.

Các ngành sản xuất sợi tự nhiên và sợi tổng hợp bắt đầu xuất hiện trong khu vực để sản xuất nguyên liệu cho các cơ sở dệt vải bông và vải tổng hợp, cũng giống như các ngành dệt lại cung cấp nguyên liệu cho ngành may mặc. Tận dụng lợi thế về khoảng cách gần, sự tăng trưởng trong ngành dệt và may mặc trên toàn vùng Carolina Piedmont và phía bắc Georgia đã kéo theo tăng trưởng về số lượng các cơ sở và sản lượng của công nghiệp sợi tổng hợp.

Sản xuất vải sợi bông không phải là nguồn mới duy nhất tạo cơ hội sản xuất công nghiệp. Việc xây dựng lại các tuyến đường sắt và việc nâng cấp những công trình công cộng khác trong khu vực đã khuyến khích các dòng tiền và sự phát triển các thị trấn đường sắt. Sản xuất thuốc lá bắt đầu được tập trung tại các khu vực trồng cây thuốc lá của Bắc Carolina và Virginia. Với sự ra đời của một chính sách đất đai liên bang mới và một mạng lưới đường sắt được tăng cường, các nguồn tài nguyên gỗ lớn của miền Nam bắt đầu được khai thác. Hầu hết gỗ được khai thác làm nguyên liệu, nhưng ngành chế tạo đồ nội thất Bắc Carolina và Virginia và (sau năm 1936) ngành sản xuất bột giấy và các sản phẩm giấy trên toàn miền Nam cũng là một kết quả tất nhiên của việc khai thác này. Những ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục duy trì được tầm quan trọng của chúng.

Hơn nữa, trong một phần tư cuối cùng của thế kỷ XIX, những cải tiến công nghệ trong sản xuất sắt đã khiến cho Chattanooga thuộc Tennessee trỗi dậy như một trung tâm sản xuất sắt quan trọng. Đồng thời, một mỏ than cốc chất lượng cao cũng được phát hiện ở gần Birmingham thuộc Alabama, và việc khai thác mỏ than này được bắt đầu trước khi khép lại thập kỷ. Những công ty sản xuất sắt và các ngành công nghiệp sử dụng sắt thép đã tập trung ở Birmingham và Chattanooga cũng như xung quanh đó. Cho đến cuối thế kỷ, hai thành phố này, kết hợp với trung tâm giao thông vận tải và các ngành công nghiệp phụ trợ ở Atlanta, Georgia, đã hình thành nên một tam giác công nghiệp quan trọng vào cuối thế kỷ.

Sự phát triển này có tầm quan trọng đáng kể về địa lý kinh tế ở miền Nam nhờ cái cách thức mà theo đó, sản xuất thép có xu hướng thu hút những nhà sản xuất khác phụ thuộc vào thép - những ngành công nghiệp mà kỹ năng cũng như tiền công không thấp như ở ngành sản xuất sản phẩm dệt và thuốc lá. Hơn nữa, khu vực phát triển kinh tế phi nông nghiệp được bố trí tập trung này lẽ ra đã có thể trở thành một trung tâm công nghiệp của toàn miền Nam, kích thích việc tăng thêm các kỹ năng lao động, mức thu nhập, và phúc lợi kinh tế chung thông qua sự nối liền từng thành phố với những trung tâm đô thị lớn khác.

Điều này, ở một mức độ nào đó, quả đã diễn ra, nhưng mức cước phí vận tải bằng tàu thủy áp dụng có phân biệt đối với các sản phẩm được chế tạo tại Birmingham đã cản trở những hiệu quả về lợi ích một cách đáng kể. Cho dù thông lệ định giá này cuối cùng đã bị coi là bất hợp pháp và đã được chấm dứt, chính sách đó đã hạn chế nghiêm trọng lợi thế cạnh tranh về chi phí của thép Alabama trong những thập niên mở rộng kinh tế nhanh chóng đầu thế kỷ XX, và góp phần giảm tốc độ tăng trưởng của công nghiệp miền Nam.

Vào cuối những năm 1880 và 1890, các bộ luật hạn chế được thông qua trong mỗi bang phía nam đòi hỏi phải có sự phân biệt chủng tộc ở ngày càng nhiều khía cạnh của đời sống phương Nam. Phân biệt đối xử mang tính chất chính thức có nhiều biểu hiện về phương diện địa lý. Hai hệ thống trường học được hoạt động. Hai hệ thống nhà hàng, khu vui chơi giải trí, ghế dài trong công viên, các loại đồ uống, các phòng nghỉ, và các điểm tiếp xúc khi cần thiết giữa người da trắng và người da đen phải được thiết lập và duy trì. Nhà ở được tách thành khu vực dành cho người da trắng và khu vực dành cho người da đen. Việc gia nhập vào những ngành nghề nhất định bị hạn chế, và những nỗ lực của người da đen đòi quyền bỏ phiếu cũng bị áp đặt những hạn chế ngầm hoặc công khai.

Trong gần 50 năm sau khi kết thúc Nội chiến, dòng chảy chậm chạp của người di cư da đen rời khỏi miền Nam tăng rất ít. Do vậy, vào năm 1870, 91,5% toàn bộ dân da đen nước Mỹ định cư tại miền Nam và 89% vào năm 1910. Trong một thập kỷ tiếp theo đó, làn sóng di cư của người da đen đột ngột tăng vọt do chịu áp lực từ các bộ luật hà khắc, bạo lực và các điều kiện kinh tế khắc nghiệt. Hơn nữa, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã khiến ngành công nghiệp phía bắc nỗ lực “lôi kéo” dân da đen (và dân da trắng nghèo) ra khỏi miền Nam.

Trước năm 1914, việc mở rộng nền công nghiệp quốc gia phụ thuộc vào hàng triệu dân nhập cư châu Âu trong việc đáp ứng nhu cầu lớn về lao động. Vào năm 1910, hơn 1/3 dân số Hoa Kỳ được sinh ra ở nước ngoài hoặc ít nhất có bố hoặc mẹ sinh ra ở nước ngoài.

Khi chiến tranh cắt đứt nguồn cung cấp này, người ta đã tìm ra một hướng đi khác, đó là lực lượng lao động thất nghiệp và bán thất nghiệp ở phía nam.

Nền kinh tế phía nam có thể đã không phải chịu tổn thất từ sự ra đi đồng loạt của người da đen nếu số dân di cư không mang tính lựa chọn cao độ. Hầu hết những người da đen rời khỏi nơi này ở độ tuổi từ 18 đến 35. Lớn lên ở miền Nam nhưng những năm tháng có hiệu quả nhất về mặt kinh tế của họ lại được cống hiến cho khu vực khác. Số người ở lại thì phần lớn ở cuối độ tuổi sản xuất, đã nghỉ hưu, hoặc chưa đến tuổi lao động. Những giới hạn mang tính phân biệt chủng tộc đối với các cơ hội, trong những nghề nghiệp chuyên môn, cũng dẫn đến tình trạng khu vực này mất đi rất nhiều thanh niên được đào tạo kỹ càng.

Một hậu quả khác của cuộc Nội chiến là sự phát triển ngày càng tăng của chủ nghĩa cục bộ địa phương mà người ta có thể cảm nhận từ trước ở khu vực này. Miền Nam là phần duy nhất của Hoa Kỳ phải gánh chịu sự chiếm đóng của một đội quân viễn chinh, và phải mất hơn một thế kỷ cũng như cần đến một mức độ tăng trưởng kinh tế rất lớn để có thể làm dịu đi nỗi đắng cay sau chiến tranh.

Cuộc Nội chiến và việc xây dựng lại cũng chỉ là phương tiện để thống nhất những người da trắng miền Nam. “Miền Nam Cứng Đầu” là một cách nói cho thấy rằng toàn bộ khu vực này thường bỏ phiếu như một liên minh và thường đi ngược lại với các xu hướng quốc gia khác. Cuộc chiến tranh và xây dựng lại này gắn với miền Bắc và đảng Cộng hoà, vì vậy người da trắng miền Nam trở thành những người cứng đầu theo phái Dân chủ. Khi những người da trắng miền Nam không còn chấp nhận mối liên kết tư tưởng với đảng Dân chủ, thì cái mác cục bộ “Phái Dân chủ miền Nam” trở nên phổ biến. Ngày nay, những thay đổi chính trị quốc gia và những biến đổi trong nền văn hóa miền Nam đã làm cho khu vực này không còn mang tính dân chủ cứng nhắc nữa. Toàn bộ các sắc thái chính trị này được thể hiện trong hàng ngũ các quan chức được bầu chọn ở miền Nam, mặc dù nhiều người trong số đó có xu hướng tiếp tục một số định hướng truyền thống.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (16): Appalachia và Ozark - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (17): Appalachia và Ozark - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (18): Vùng cực nam -Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (19): Vùng cực nam -Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (20): Vùng cực nam -Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (21): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (22): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (23): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (24): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (25): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (26): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (27): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (28): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (29): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (30): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 3