Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (30): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 3

Cấu trúc kinh tế phân tán(Tiếp theo)

Dịch vụ giao thông

Do lưu lượng giao thông ở Interior West không lớn, nên một mục tiêu quan trọng của các nhà phát triển giao thông ở đây là cho phép việc đi lại qua khu vực này nhanh chóng và rẻ tiền tới mức có thể. Kết quả là phần lớn các đường cao tốc và đường sắt quan trọng đều chạy qua khu vực này, từ đông sang tây, từ các trung tâm đô thị của Midwest tới các trung tâm đô thị vùng West Coast (Bờ biển Tây).

Do có những yêu cầu như thế về quy hoạch giao thông, với một diện tích vô cùng lớn, khu vực này còn đòi hỏi nhiều phương tiện dịch vụ giao thông xuyên vùng. Nhiều thị trấn trong khu vực bắt đầu được tạo dựng như là các trung tâm để phục vụ và điều hành các tuyến đường sắt. Bất kỳ nơi nào cần đến lao động đường sắt thì đều mọc lên những trung tâm như vậy, cho dù nơi có đông cư dân hay không. Mặc dù nhu cầu về công nhân địa phương phục vụ trong ngành đường sắt giảm đi do việc ứng dụng những tiến bộ công nghệ vào cuối những năm 1940, nhưng bù lại cho sự giảm sút này là nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực phục vụ việc giao thông bằng xe hơi và xe tải tại các trạm bán xăng, các cơ sở sửa chữa ô tô, các nhà nghỉ có chỗ đỗ xe và nhà hàng.

Mặc dù ban đầu, dịch vụ giao thông có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các trung tâm đô thị, nhưng việc hình thành nên những thành phố lớn nhất còn là kết quả của sự trợ giúp của nhiều yếu tố khác nữa. Ví dụ, thành phố Spokanet thuộc bang Washington có số dân hơn 350.000 người đã trở thành trung tâm lớn cho “Inland Empire” (Đế chế trên đất liền) Washington. Về mặt địa lý vùng đất này được đánh dấu và được sông Columbia chảy qua trung tâm Washington bao bọc một nửa, từ lâu đã là một vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng. Thành phố Albuquerque thuộc bang New Mexico, với dân số khoảng 500.000 người, cũng có vai trò tương tự như Spokane nhờ vị trí trung tâm và dễ đi lại trong bang này. Thành phố Phoenix, Arizona lúc đầu là một trung tâm nông nghiệp nhưng sau đó, khi người Mỹ đổ xô về tận hưởng môi trường ấm áp và khô ráo, đã phát triển mạnh. Thành phố này nhanh chóng trở thành trung tâm dành cho người về hưu và cũng là một trọng điểm của các hoạt động chế tạo, với những ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm nhỏ nhưng có giá trị kinh tế cao, như công nghiệp điện tử, một ngành đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng của thành phố.

Ogden thuộc bang Utah là một cộng đồng tồn tại với tư cách là trung tâm đường sắt lớn, và sớm thuộc về những địa điểm quan trọng nhất của khu vực, nhưng đã không trở thành một khu đô thị lớn. Nó ở cách thành phố Salt Lake 55 km về phía bắc, đó là thành phố vẫn duy trì được vai trò thống trị nhờ chức năng quan trọng với tư cách là thủ phủ của Utah và của những người theo giáo phái Mormon.

Du lịch

Cảnh quan đa dạng và quyến rũ của Empty Interior đã thu hút được hàng triệu lượt khách mỗi năm. Khách tới tham quan hầu hết các công viên lớn ở đây trước hết đều phải đi qua một tuyến dài những nhà nghỉ có chỗ đậu xe, các quán bar, các cửa hàng lưu niệm và nhiều hình thái biểu hiện của sắc thái địa phương. Thêm vào đó, khoảng cách giữa các khu du lịch thường lớn, vì thế cần có dịch vụ giữa vô số các địa điểm đó. Khi hoạt động đánh bạc hợp pháp được chấp nhận như là một phần của ngành du lịch ở Nevada thì tác động tổng thể của ngành du lịch lên khu vực này càng lớn.

Chế biến gỗ và chăn nuôi gia súc

Chế biến gỗ và chăn nuôi gia súc phải lệ thuộc vào đất chính phủ để có được những nguyên liệu cơ bản. Đất đai thuộc quyền kiểm soát của Sở Lâm nghiệp và Cục quản lý đất được sử dụng để nuôi thả gia súc, còn phần lớn hoạt động chế biến gỗ ở Empty Interios được tiến hành trên đất của Sở Lâm nghiệp. Khối lượng sản phẩm tính cho một hécta của cả hai ngành chế biến gỗ và chăn nuôi là tương đối thấp, nhất là so với đất do tư nhân quản lý.

Một lý do của tình trạng kém hiệu quả rõ rệt này là chất lượng đất hạn chế. ở nhiều vùng khô hạn cần tới 40 hécta đất để có đủ cỏ cho một con gia súc. Sự khác biệt khá lớn của khí hậu theo mùa ở hầu khắp khu vực đã khiến nơi đây là một trong số rất ít vùng ở nước Mỹ có sự dịch chuyển theo con người là thông lệ - sự dịch chuyển của những đàn gia súc theo mùa, do người chăn dắt chúng thực hiện, từ vùng đất thấp vào mùa đông chuyển lên những đồng cỏ trên núi để chăn thả vào mùa hè. Đây là yếu tố quan trọng đối với nghề chăn cừu. Nhiều người Basques, các chuyên gia về cừu từ vùng Pyrenees của Tây Ban Nha và nước Pháp, đã tới đây với tư cách là lao động hợp đồng để quản lý đàn gia súc. Ngày nay, con cháu của người Basques chiếm một phần đáng kể trong dân số của nhiều bang, đặc biệt là Nevada.

Khai thác mỏ

Vào cuối của thế kỷ XIX, những người khai thác vàng đã sớm theo chân những giáo dân Mormon và trở thành nhóm ngươì định cư lớn thứ hai tại vùng này. Việc khám phá ra Comstock Lode ở Nevada đã dẫn đến sự hình thành Thành phố Virginia, một thành phố phát triển tới 20.000 dân trong những năm 1870, trước khi gần như biến mất do sự giảm sút quặng chất lượng cao.

Sự bùng nổ khai thác vàng và bạc trong những năm tiếp theo sau khi phát hiện ra Comstock đã làm dân số ở Nevada tăng lên vùn vụt. Điều này đã dẫn đến sự chấp nhận bang này vào liên bang năm 1864, sớm hơn nhiều so với các bang lân cận. Vào cuối thế kỷ XIX, các nguồn tài nguyên mỏ bị cạn kiệt, dân cư ở Nevada giảm đi rất nhiều, có nơi mãi cho tới thế kỷ XX mới hoàn toàn phục hồi được dân số. Ngày nay, khai thác mỏ đóng vai trò rất nhỏ bé trong nền kinh tế của bang, cũng như bất kỳ nơi nào khác của vùng nội địa phía tây - mặc dù một số trung tâm khai thác mỏ đã đóng cửa vẫn còn hấp dẫn nhiều khách du lịch.

Đứng đầu trong danh sách hiện nay về sự đóng góp khoáng sản cho nền kinh tế khu vực là mỏ đồng, với sản lượng tập trung ở Arizona và Utah. Những mỏ lộ thiên khổng lồ của mỏ Bingham, bên ngoài thành phố Salt Lake, được coi là sự khai thác do con người tiến hành vĩ đại nhất trên thế giới, đã đem lại sản lượng khoảng 8 triệu tấn đồng. Trong số các trung tâm khai thác đồng lớn và nhỏ ở Arizona, quan trọng nhất là vùng Morenci ở phía đông của bang này. Các mỏ quan trọng khác là thuộc về San Manuel, Globe, và Bisbee, tất cả đều nằm ở phía nam Arizona.

Hầu hết quặng đồng khai thác được ở Empty Interior đều có chất lượng thấp, với hàm lượng kim loại chưa tới 5%. Vì thế hầu hết các vùng mỏ đều có các cơ sở nung chảy và tinh chế tại chỗ để giảm bớt chi phí vận chuyển. Chính vì thế, tinh chế cũng là một ngành sản xuất chính trong khu vực.

Chì và kẽm đứng sau đồng về mức độ quan trọng đối với khu vực, và thường đi kèm với loại kim loại khác trong cùng một địa điểm khai thác. Mỏ Butte Hill thuộc Montana chẳng hạn, từ lâu đã là cơ sở lớn sản xuất kẽm và chì cùng với đồng. Quận Coeur d’Alene phía bắc Idaho sản xuất vàng, bạc, chì, kẽm; vùng Leadville thuộc Colorado cũng sản xuất bốn loại kim loại này cộng với molybden được sử dụng trong việc chế tạo các sản phẩm thép. Trên thực tế khoảng 3/4 khối lượng molybden trên thế giới là do Leadville cung cấp. Khai thác uranium cũng phát triển mạnh, hiện nay Utah và Colorado là hai bang sản xuất chủ yếu. Khoảng 25 triệu tấn than cũng được khai thác hàng năm.

Trải rộng trên hàng ngàn kilômét vuông, nơi gặp nhau của Utah, Colorado, và Wyoming là những trữ lượng đá chứa dầu khổng lồ của Green River Formation. Được chôn giấu trong những khối đá phiến này là hàng tỷ thùng dầu, nhiều hơn cả tổng trữ lượng dầu còn lại của thế giới. Tuy nhiên, những khó khăn về khai thác và môi trường còn đang kìm hãm mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Các nguồn tài nguyên khoáng sản này không đóng góp nhiều lắm cho sự tăng trưởng đô thị bền vững và chắc chắn. Butte, Monata, với dân số vào khoảng 34.000 người năm 1990 có lẽ là thành phố lớn nhất trong khu vực đã phát triển nhờ dựa vào công nghiệp khai thác (đồng) như là cơ sở chính của nền kinh tế - đồng thời, từ lâu nó cũng còn là một trung tâm chế biến nông sản quan trọng.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (16): Appalachia và Ozark - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (17): Appalachia và Ozark - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (18): Vùng cực nam -Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (19): Vùng cực nam -Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (20): Vùng cực nam -Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (21): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (22): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (23): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (24): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (25): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (26): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (27): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (28): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (29): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (30): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 3