Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (28): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 1

Chương 12: VÙNG ĐẤT TRỐNG TRONG NỘI ĐỊA

Trải dài từ các sườn phía Đông của Rocky Moutains sang phía tây tới Sierra Nevada thuộc California, ngược lên phía trên dọc theo dải Cascade của vùng tây bắc Thái Bình Dương tới tận Alaska là vùng đất rộng lớn nhất có dân cư thưa thớt của nước Mỹ (bản đồ 11). Nét đặc trưng quan trọng của khu vực này là mật độ dân cư trung bình thấp. Những yếu tố địa lý khác của vùng lãnh thổ này trên thực tế khác biệt khá lớn. Những phần địa hình gồ ghề được xen kẽ với một loạt cao nguyên, lại chứa đựng cả những vùng đất bằng phẳng rộng mênh mông. Lượng mưa hàng năm thay đổi từ hơn 125cm ở phía bắc Indaho tới chưa đầy 25cm ở vùng cao nguyên. Dân số trong khu vực chủ yếu là người gốc châu Âu, mặc dù trên những vùng đất khá rộng ở phía Nam cũng thấy cả người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa. ở một số nơi, nông nghiệp có thủy lợi cũng như chăn nuôi gia súc đóng vai trò quan trọng, trong khi ở một số nơi khác, chế biến gỗ, du lịch và khai thác mỏ lại chiếm ưu thế.

Vùng đất mênh mông này chứa đựng trong đó những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ vào hàng bậc nhất nước Mỹ. Tác động của con người lên khu vực này, mặc dù về mặt địa phương là đáng kể, song xét về tổng thể vẫn bị lu mờ trước khung cảnh huy hoàng và đa dạng của môi trường thiên nhiên.

Môi trường khắc nghiệt

Người Mỹ ở phía đông đã quen với địa hình không bằng phẳng, với sự khác biệt ít gây ấn tượng và độ cao. ở những vùng núi, mức chênh lệch từ chân núi lên ngọn núi hiếm khi vượt quá 1.000 mét. Trong khi đó những thay đổi trên 1.000 mét lại rất phổ biến ở vùng nội địa phía tây.

Yếu tố thứ hai của địa lý tự nhiên trong khu vực là địa hình gồ ghề. Hầu hết các núi ở phía đông của Hoa Kỳ có vẻ phẳng và tròn trịa, những dải núi ở phía tây lại hiện ra sừng sững, gần như dốc đứng, và các đỉnh núi thường có dạng răng cưa, chĩa thẳng lên trời. Sự khác biệt này một phần là do tuổi của các núi. Phần lớn núi phía tây, mặc dù không phải tất cả, trẻ hơn rất nhiều so với những dải phía đông. Như vậy, quá trình xói mòn, mà kết quả cuối cùng của nó là tạo thành một bề mặt phẳng hơn, đã diễn ra mạnh mẽ trong một thời gian ngắn hơn rất nhiều.

Trong thời kỳ gần đây nhất của lịch sử địa chất, thời kỳ Băng hà, hiện tượng chia cắt gây ra bởi các khối băng ở trên núi là tác nhân chủ yếu hình thành nên địa hình của vùng nội địa phía tây, và những dấu tích của các núi băng vẫn còn thấy trong nhiều vùng của khu vực. Phân bố rộng khắp nhất trên dãy núi ven Thái Bình Dương thuộc miền nam Alaska, những núi băng nhỏ hơn vẫn còn được thấy ở xa về phía nam như vùng trung tâm Rocky Moutains ở Colorado và Sierra Nevada thuộc Califonia.

Những núi băng trên dãy Alps hình thành ở những độ cao hơn và khi dung lượng băng tăng lên, chúng dần dần trôi xuống phía dưới. Hiện tượng băng trượt này là tác nhân mạnh mẽ gây xói mòn. ở những nơi mà phương thức gây xói mòn này tiếp diễn trong một khoảng thời gian đủ dài, một thung lũng hình chữ U được tạo ra với hai vách gần như dựng đứng và một mặt đáy tương đối bằng phẳng. Nếu hai khối băng cùng trôi bên cạnh nhau thì chúng sẽ tạo thành một tuyến núi hẹp, được đặc trưng bởi các đỉnh nhỏ hình răng cưa, được gọi là những chóp núi. Thung lũng Yosemite ở Sierra Nevada, với độ sâu 2 kilômét, một thung lũng đặc thù được tạo nên từ hiện tượng băng trượt, có lẽ là hình ảnh rõ nét nhất của khu vực này về hiện tượng đóng băng trên dãy Alps.

Phần lớn vùng Empty Interior là cao nguyên chứ không phải là miền núi. Có lẽ vùng có cảnh quan gây ấn tượng mạnh nhất của khu vực này là Cao nguyên Colorado dọc theo vùng trung lưu sông Colorado thuộc Utah và Arizona. Mặc dù địa hình có một vài thay đổi lớn về cấu trúc ở độ cao, phần lớn vùng này được lót bởi đá trầm tích ở độ sâu vừa phải. Những đặc điểm chủ yếu của cảnh quan ở đây là kết quả của sự xói mòn gây ra bởi các dòng bên ngoài (được gọi như thế là do chúng mang theo nước, và đôi khi cả những thứ không được biết - chất lạ từ bên ngoài - vào môi trường khô cằn này) chảy qua cao nguyên, mà nổi bật là sông Colorado và các chi lưu của nó. Trong môi trường này, các dòng chảy dễ dàng có tác động xói mòn chủ yếu. Như vậy, khi đi kèm với hiện tượng nâng lên đáng kể về địa chất gần đây trên toàn cao nguyên, hiện tượng xói mòn nghiêm trọng về phía dưới đã xẩy ra chủ yếu là ở các vùng lân cận dòng chảy. Những vùng thung lũng được tạo ra từ đó là những ví dụ nổi tiếng nhất về cảnh quan thiên nhiên của Mỹ. Trên thực tế, Hẻm núi Lớn (Grand Canyon) của sông Colorado thuộc Arizona là một trong số những cảnh đẹp thiên nhiên hấp dẫn được thừa nhận rộng rãi nhất của đất nước. Trong Công viên Quốc gia Hẻm núi Lớn, một hệ thống hẻm núi được tạo trên một vùng có bề rộng lên tới 16 kilômét. Thêm vào đó, sức chống chịu khác nhau của các lớp đá trầm tích yếu và khoẻ đã tạo nên hình thái góc cạnh của những đường dốc cũng là đặc trưng riêng biệt của vùng này.

Khắp một vùng từ Cao nguyên Colorado về phía nam qua vùng nam New Mexico và Arizona, sang phía tây tới Thung lũng Chết (Death Valley) và Sa mạc Mojave ở California, và xa lên phía bắc tới Oregon và Idaho, là một khu vực rộng lớn và trũng. Nơi đây có một loạt hơn 200 dãy núi chạy dọc thẳng theo hướng bắc - nam, thường dài không quá 120 kilômét, và điển hình là cao từ 1000 đến 1600 mét tính từ chân núi, trong một tổng khoảng 80 lòng chảo lớn và bằng phẳng. Phía bắc và tây của lòng chảo sông Colorado, phần lớn diện tích có hệ thống tiêu thoát nội địa; nghĩa là các dòng chảy đều bắt nguồn và kết thúc ngay trong khu vực này mà không có cửa thoát ra biển. Kết quả là vùng đất này nhận được một khối lượng phù sa khổng lồ được bào mòn từ các dãy núi bao quanh.

Trong thời kỳ Băng hà, có những vùng rộng lớn trong khu vực được che phủ bởi các hồ tạo thành từ khí hậu ẩm ướt và từ sự tan chảy của băng trên dãy Alps. Hồ lớn nhất là Bonneville, có diện tích 25.000 km2 nằm ở miền bắc Utah. Đa số các hồ đó đã biến mất hoặc bị thu hẹp diện tích bởi ngày nay các dòng chảy phụ thuộc vào một lượng mưa hàng năm thấp hơn trước, và nhiều trong số những hồ còn lại, như Hồ Pyramid ở Nevada hay Hồ Great Salt ở Utah, đã bị nhiễm mặn nặng. Dòng chảy luôn luôn mang theo một khối lượng muối nhỏ có thể hòa tan, thường đóng góp một phần không đáng kể làm nên độ mặn của các đại dương trên thế giới. Nhưng do không có cửa thoát đổ ra biển, các hồ nằm trong vùng trũng và rộng này có hàm lượng muối ngày càng tăng. Hồ Great Salt, với diện tích 5000 km2, là dấu tích của Hồ Bonneville, hiện có hàm lượng muối cao hơn nhiều so với hàm lượng muối các đại dương.

Phía bắc của vùng lòng chảo và rặng núi này, Cao nguyên Columbia, được tạo nên bởi sự chồng lấn dần dần của các dòng dung nham. Những dòng dung nham với độ dày trung bình từ 3 đến 6 mét, liên tục gối lên nhau, tích luỹ lại và tạo thành cao nguyên, nhiều nơi cao tới 650 mét. Vùng này còn được điểm vào một số ngọn núi lửa nhỏ và những khối bụi than hình nón, nhưng đặc điểm cơ bản của hoạt động của núi lửa ở đây là các dòng vật chất lớn bị nung chảy từ trước. ở đây, các dòng suối cũng gây xói mòn, tạo nên những hẻm núi sâu có vách dựng đứng.

Với một vài chỗ đứt đoạn, hình mẫu cao nguyên bị xói mòn tiếp tục triển khai về phía bắc, vào vùng đất mới Yukon nằm giữa Rocky Moutains và các dải núi ven Thái Bình Dương. ở trung tâm Alaska, lòng chảo tiêu thoát của sông Yokon chiếm một phần lãnh thổ từ dải Alaska tới dải Brooks. Các chất liệu bề mặt chủ yếu là đá trầm tích.

Giữa lượng mưa và độ cao trên toàn khu vực Interior West có một sự kết hợp chặt chẽ. Các vùng thấp thường khô. Trong khi đó lượng mưa lớn tập trung ở giữa các triền núi. Toàn vùng hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào vùng chảy từ bên ngoài vào, mang theo lượng nước bề mặt.

Sự kết hợp giữa địa hình, nhiệt độ và lượng mưa tạo nên sự phân vùng thực vật rõ rệt theo độ cao trong toàn vùng Empty Interior. Những nơi có độ cao thấp nhất thường được che phủ bởi loại cây bụi hoang mạc, đáng chú ý nhất là cây ngải đắng. Xa về phía nam, sự gia tăng lượng mưa vào cuối mùa hè cho phép có sự kết hợp giữa cây ngải đắng và đồng cỏ. ở một số nơi khác, sự kết hợp này được thấy ở những độ cao cao hơn hoang mạc. Bên trên tầng ngải đắng là một tuyến cây thân gỗ, do ở đây có lượng mưa đủ để cây thân gỗ phát triển. Rừng thoạt tiên là rừng hỗn hợp mang tính chuyển tiếp giữa cỏ và cây thân gỗ nhỏ, như cây pinon pine và juniper. Cao hơn nữa, chúng pha trộn trong những khu rừng rộng lớn hơn với các loại cây thân gỗ như các loại thông ponderosa pine, lodge pole pine, và douglas fir. Nếu như núi đủ cao thì tiếp theo sẽ là những cây thân gỗ nhỏ hơn, như cây subalpien fir và sau đó là tuyến cây thân gỗ thứ hai. Bên trên tuyến cây này, gió lớn và mùa sinh trưởng ngắn và mát khiến cho cây thân gỗ không sinh trưởng được. Chúng bị thay thế bởi thực vật cực địa.

Empty Interior là nơi cho các quần thể động vật hoang dã sinh sôi phát triển, bao gồm bò rừng, nai sừng tấm Bắc Mỹ, linh dương, gấu, hươu đuôi trắng và gà rừng.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (16): Appalachia và Ozark - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (17): Appalachia và Ozark - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (18): Vùng cực nam -Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (19): Vùng cực nam -Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (20): Vùng cực nam -Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (21): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (22): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (23): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (24): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (25): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (26): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (27): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (28): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (29): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (30): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 3