Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (22): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 2

Trên vùng rìa lục địa: thương mại

Dọc bờ biển của Vịnh Mexico chỉ có một vài hải cảng có chất lượng cao, thích hợp cho những hoạt động thương mại với quy mô lớn. Là một dải bờ biển nông, mới xuất hiện, bao gồm nhiều bãi tắm có mức sử dụng cao, phần lớn vùng biển này nằm tựa lưng vào vùng đầm lầy rộng lớn hoặc bị che khuất một phần bởi những cồn cát ngầm ở cửa vịnh. Nếu như có thể tạo ra một lối đi thông qua các khoảng trống ở các cồn cát ngầm thì người ta sẽ tìm được chỗ che chở cho tàu bè khỏi các đợt biển động. Việc đi tàu dọc bờ biển đã sử dụng phương thức bảo vệ này trong hệ thống đường biển đi lại giữa các vùng từ Boston tới Texas. Tuy nhiên, do phần lớn các vịnh nằm ở phía sau các cồn cát ngầm quá nông nên khó có thể trở thành một chỗ thả neo tốt cho các con tàu chuyên buôn bán xuyên đại dương, phần lớn các cảng biển lớn hơn đều được xây dựng sâu vào phía trong đất liền một đoạn, bên rìa những cửa sông lớn dọc bờ biển hoặc nằm ở những cửa sông đổ vào Vịnh Mexico hoặc đổ ra Đại Tây Dương.

Mỗi một vịnh trong số những vịnh cung cấp các phương tiện cảng tốt, đều là nơi đổ ra của một con sông, chảy qua một phần lục địa, nhưng khả năng đi lại của tàu bè trên các dòng sông này rất khác nhau. Tất cả chúng đều hỗ trợ cho việc mở rộng định cư, và ở một vài nơi vẫn còn có các xà lan nhỏ đi lại trên sông. Tất cả chúng đều có đường đi vào lục địa, được củng cố bởi những tuyến đường sắt nối liền với những thị trường lớn ở trong đất liền, hoặc con sông chảy ra cảng ven biển đã được nâng cấp tạo điều kiện tốt hơn cho tàu bè đi lại. Chẳng hạn, Jacksonville từ lâu đã là ga cuối cùng của những tuyến đường sắt chạy từ Georgia tới Florida. Nó còn là trung tâm của phần nội địa được mở rộng về hướng tây tới vùng “quai chảo” của bang và về hướng nam tới vùng cao nguyên trung tâm trù phú về nông nghiệp. Kết quả là Jacksonville đã được xây dựng vững chắc ngay cả trước khi những tuyến đường cao tốc củng cố lại cơ sở địa phương của nó cho sự tăng trưởng.

New Orleans nổi bật hơn các địa điểm khác xét về khả năng đi lại. Trước đây, nó vừa là trạm kiểm soát vừa là trung tâm vận chuyển bằng tầu thủy của toàn bộ hệ thống sông Mississippi. Các tàu hơi nước chạy bằng guồng được thiết kế cho những nơi nước nông có thể đi lại được trên sông Mississippi (với một sự cẩn trọng) tới tận phía bắc, vào tới tận vùng đất trung tâm nông nghiệp. Các phụ lưu chính của con sông đã kéo dài hệ thống đường thủy một chiều, về hướng tây tới tận vùng Great Plains và về cả hướng đông tới Trọng điểm Chế tạo. Vị trí của New Orleans, nằm trong khu vực con sông lớn uốn khúc và trên một vùng châu thổ thấp, chỉ cao hơn mực nước biển trung bình có vài mét, có nghĩa là lũ lụt là một sự đe dọa hàng năm thường xảy ra. Nhưng vị trí của thành phố có một lợi thế to lớn đối với những thứ gắn liền với thương mại, khiến cho dân số của thành phố đã tăng lên nhanh chóng vào đầu thế kỷ thứ 19 và vẫn đang giữ ở mức độ cao.

Di sản thời kỳ là thuộc địa của Pháp ở New Orleans được gìn giữ một cách cẩn thận tại khu vực doanh trại Pháp trong thành phố. Và một sự pha trộn đặc sắc của phong cách nấu nướng kiểu Creole, Cajun của địa phương với phong cách nấu nướng kiểu Âu, sự phong phú của nhạc jazz và các cách thức biểu diễn, lối kiến trúc của thế kỷ thứ 18 đã thu hút hàng triệu du khách tới thành phố. Một khách thăm quan tới New Orleans có thể sẽ ngạc nhiên trước sự đi lại nhộn nhịp của xà lan và tàu trên sông (đây là cảng đông đúc nhất ở Mỹ) và bởi ngành công nghiệp nặng ở đây được hỗ trợ bởi hệ thống giao thông này.

Một thành phố chính khác nằm ở phía tây của Southern Coastland, lớn nhất trong toàn khu vực cho tới năm 1970, là một sự tương phải với New Orleans. Houston thuộc Texas là một thành phố mới về nhiều phương diện. Khởi điểm đây không phải là một thành phố cảng, nhưng nó đã được xây dựng thành một thành phố cảng (bắt đầu vào năm 1873) và nhờ có sự nhiều lần nâng cấp đối với Kênh Tàu Houston đi xuyên qua Vịnh nông Galveston. Những tuyến đường nối với cảng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của thành phố vào cuối những năm 1940, cùng với sự phát triển của ngành hóa dầu địa phương.

Những chủ đề chính đặc trưng cho Southern Coastland có thể được khám phá thông qua sự biến đổi độc đáo về văn hóa của khu vực rộng lớn hơn – Miami thuộc Florida.

Trong suốt những năm 1950, sự hấp dẫn của Miami vẫn được coi là những đặc trưng có tính thụ động của vị trí. Chỉ hưởng thụ những gì sẵn có ở đấy đã là quá đủ. Thời tiết của thành phố ấm áp trong suốt mùa đông; vị trí ven biển giúp mọi người dễ dàng đến với các bãi biển chạy dài và mặt nước ấm áp xứ nhiệt đới; hải cảng chỉ cần một sự nâng cấp nhỏ để giúp cho các đoàn tàu du lịch dễ dàng đi lại từ Mỹ tới những hòn đảo Caribê gần đó. Mãi cho tới tận những năm 1960, vị trí của Miami nằm ở điểm cực nam của phần ven lục địa, mới giúp cho nó hội nhập hoàn toàn vào hệ thống tài chính và thương mại của Tây bán cầu.

Điểm mấu chốt dẫn tới sự thay đổi trong việc tận dụng vị trí địa lý của Miami là sự di dân của những người Cuba. Từ năm 1959 tới năm 1981, dân số Mỹ Latinh của vùng Miami Lớn (khoảng 85% trong số đó là người gốc Cuba) đã tăng từ 25.000 người lên tới gần 700.000 người.

Dân số gốc Cuba đã tham gia một cách tương đối nhanh chóng vào các hoạt động tài chính, thương mại và buôn bán. Tốc độ phát triển nhanh với số lượng lớn người đến định cư ở Miami đã tạo ra một thị trường “ăn liền” cho thành phố. Các doanh nghiệp ở các vùng khác của nước Mỹ muốn mở rộng các hoạt động của họ tới các thị trường Mỹ Latinh đã bắt đầu chuyển ít nhất một phần các hoạt động trong nước của họ tới Miami để tuyển dụng những người Cuba nói tiếng Tây Ban Nha. Các mối liên hệ kinh doanh xuyên Caribê cùng với những dân di cư gốc Cuba cũng thu hút những mối quan tâm của những doanh nghiệp Anh. Rất nhiều lần theo nhiều cách và trong hàng thập niên mô hình này đã khai phá phần địa lý tự nhiên của Miami về phía nam.

Phát triển công nghiệp

Phần ranh giới địa lý thật sự của lục địa Bắc Mỹ không đồng nhất với phần bờ biển. Thềm lục địa thấp hơn mực nước biển được mở rộng ra bên ngoài đường bờ biển. Trong một vài trường hợp, thềm lục địa chỉ mở rộng ra có vài kilômét, nhưng dọc theo gần hết phần bờ Đại Tây Dương và trong Vịnh Mexico, đường viền của thềm lục địa này có thể nằm cách bờ hơn 80 km. Việc khai thác khoáng sản dọc theo bờ biển từ con sông Rio Grande tới cửa sông Mississippi dẫn tới việc khám phá ra hàng loạt mỏ dầu và khí ga lớn, cả ở gần bờ lẫn ngoài khơi.

Khi mỏ dầu của Gulf Coast được đưa vào khai thác ở đầu những năm 1900, Houston vẫn còn là một thành phố với quy mô khiêm tốn có dưới 75.000 dân. Khi cuộc điều tra dân số được tiến hành vào năm 1990, thành phố đã phát triển lên mức 1,6 triệu dân, đứng thứ tư ở nước Mỹ sau New York, Los Angeles và Chicago. Nằm ở đoạn giữa của hình vòng cung chạy dài dọc bờ biển từ sông Mississippi tới biên giới Mexico, Houston còn nằm tại phần đỉnh tam giác ven biển, hợp với các thành phố Dallas - Fort Worth và San Antonio tạo thành khu vực tam giác Texas. Với thành phố Dallas xếp thứ 8 về đông dân trong năm 1990 và San Antonio xếp thứ 10, những mối liên hệ với những trung tâm tăng trưởng chính trong nội địa và với những nhà xuất khẩu bông lớn bắt nguồn từ miền đông Texas cũng đã góp phần tạo nên thế mạnh về mặt vị trí cho Houston.

Việc tìm kiếm thêm các mỏ dầu lửa dọc theo bờ biển của Gulf Coast được mở rộng về phía biển từ trước những năm 1950. Thành công của các công ty dầu lửa đã làm nảy sinh những vấn đề mới, ngay cả khi các khó khăn về kinh tế tạm thời được dịu bớt nhờ có những mỏ dầu mới được khám phá. Trong việc khắc phục những khó khăn công nghệ về khoan và hút dầu có sử dụng những giàn khoan ở ngoài khơi xa, những yêu sách trái ngược nhau giữa chính quyền bang và liên bang về quyền sử dụng các nguồn lực của thềm lục địa đã bùng nổ. Kết quả của hàng loạt những phiên toà phức tạp là một sự phán quyết khác nhau: Florida và Texas được chấp thuận cho phép sử dụng tới 15,3 km hướng ra biển, trong khi Louisiana, Alabama và Mississippi bị giới hạn ở mức 4,8 km.

Việc tăng lên không ngừng của nhu cầu tiêu dùng nội địa về dầu mỏ, khí ga và các sản phẩm dầu khí đã khiến cho chính quyền liên bang trong đầu những năm 1970 phải mở đấu thầu thương mại các vùng biển ở Biloxi, Mississippi và Vịnh Tampa, Florida, và bắt đầu từ đầu những năm 1980, ở ngoài khơi Đại Tây Dương.

Các mỏ dầu được mở rộng dọc theo bờ biển từ bắc Mexico đến sông Mississippi nhiều đến nỗi tầm quan trọng của nguồn tài nguyên này của Southern Coastland được coi là một sự ưu tiên mang tính quốc gia ngay cả nếu các mỏ dầu này là nguồn khoáng sản duy nhất của khu vực. Texas và Louisiana hiện là hai trong số ba bang dẫn đầu về việc khai thác dầu mỏ (cùng với Alaska). Và trong khi Texas và Louisiana có các mỏ lớn đang được khai thác nằm sâu trong đất liền, các mỏ ven biển vẫn là những nguồn đóng góp chính cho tổng sản lượng dầu được khai thác ở cả hai bang.

Những mỏ khí đốt nhiều vô kể nằm rải rác ở vùng Gulf Coast đều nằm trong vòng cung dài của các mỏ dầu khí trong khu vực. Các đường ống dẫn khí từ các trung tâm khai thác chính ở ven biển tỏa đi đến những điểm tiêu thụ hàng đầu trên khắp đất nước và trong vùng Trọng điểm Chế tạo.

Ngoài ra, những cấu tạo địa lý của vùng bờ biển Texas và Louisiana không chỉ chứa dầu mỏ và khí đốt mà còn có hai nguồn khoáng sản có giá trị khác - lưu huỳnh và muối mỏ. Lớp đá lồi lõm phía dưới lớp đất bề mặt được tìm thấy ở những mỏ tích tụ dầu lửa và khí đốt mang lại hiệu quả kinh tế. Các lớp đá này được tạo nên là do áp lực đẩy lên dần dần của những mỏ muối lớn. ít giá trị hơn nhiều so với bất cứ nguồn khoáng sản nào khác, nhưng muối mỏ lại được khai thác với số lượng lớn ở vùng tây nam Louisiana. Lưu huỳnh, có giá trị hơn muối, được tìm thấy ở lớp đá bao phủ phía ngoài của nhiều mỏ muối. Các mỏ lưu huỳnh lớn ở Beaumont, Texas, và dọc ranh giới bang gần Hồ Charles, Louisiana, đã đáp ứng tất cả các nhu cầu của Hoa Kỳ. Các mỏ khác ở sâu trong đất liền và dưới thềm lục địa cho thấy sự dồi dào của nguồn khoáng sản này trong nhiều năm. Việc khai thác photphat từ những mỏ lớn ở Florida cũng có tầm quan trọng quốc gia.

Việc lấy dầu mỏ và khí ga lên, tự bản thân chúng, thường không kéo theo một sự tăng trưởng mạnh về đô thị và công nghiệp của địa phương. Quá trình thăm dò và khoan đòi hỏi phải có những thiết bị chuyên dụng và đắt tiền nhưng rất nhiều hoạt động khai thác mỏ không đòi hỏi phải có một số lượng lớn nguyên vật liệu và lao động phụ trợ. Tuy nhiên, việc khai thác dầu mỏ với một số lượng lớn có thể tạo ra nguồn vốn khổng lồ trong một thời gian ngắn và lượng tài nguyên tích lũy được của địa phương đã thu hút nhiều ngành công nghiệp khác nhau sử dụng các khoáng sản ở gần nơi sản xuất của họ. Các nhà máy lọc dầu đã được xây dựng ở bên ngoài tất cả các cảng chính từ Corpus Christi, Texas, cho tới Pascagoula, Mississippi, với sự tập trung nhiều nhất ở quanh Houston, Beaumont, và cảng Arthur ở Texas.

Những ngành công nghiệp mà sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào đầu ra của nhà máy lọc dầu, chẳng hạn như hóa dầu, có ảnh hưởng lớn hơn đến sự phát triển. Các sản phẩm từ khí ga và dầu mỏ được sử dụng như những yếu tố hóa chất cấu thành nên nhiều sản phẩm lớn hơn. Các mặt hàng từ những đồ bằng nhựa dẻo, sơn màu, hóa phẩm chống đông cho tới phân bón, thuốc trừ sâu và các loại thuốc men đều bắt nguồn từ các nhà máy hóa chất xây dựng dọc phần bờ biển phía tây của Gulf Coast. Ngoài ra, các ngành hóa chất khác không gắn chặt với sản phẩm của dầu mỏ và khí ga, chẳng hạn như các ngành sản xuất ra axít sulphuric, phân bón có chứa photphat và cao su nhân tạo, đều là những ngành chủ yếu sử dụng lưu huỳnh và muối mỏ. Sự trùng hợp có nhiều loại khoáng sản quan trọng trong khu vực này đem lại những khả năng to lớn về vốn đầu tư, hỗ trợ cho sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế và dân số.

Tuy nhiên địa điểm nơi ngành công nghiệp đóng còn quan trọng hơn cả sự sẵn có về nguồn vốn và nguyên liệu thô, thậm chí ngay cả đối với ngành công nghiệp hóa dầu - đó là vấn đề về khả năng có thể tiếp cận được. Southern Coastlands, như đã lưu ý, nằm trên rìa lục địa và một vị trí như vậy hợp thành một tuyến đường lưu thông giữa giao thông đường thủy và giao thông đường bộ. Hơn nữa, do việc vận chuyển bằng đường thủy rẻ hơn bằng đường bộ, việc chuyên chở bằng tàu biển các sản phẩm đã được hoàn thiện từ Gulf Coast đến các cảng của Megalopolis có thể được tiến hành một cách có hiệu quả bởi một hãng tàu thủy hoặc bằng xà lan thông qua tuyến đường biển ven bờ và hệ thống của sông Mississippi tới vùng Trọng điểm Chế tạo. Ngược lại, các sản phẩm và nguyên liệu thô có thể được vận chuyển hiệu quả hơn tới các ngành công nghiệp nằm bên Gulf Coast.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (16): Appalachia và Ozark - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (17): Appalachia và Ozark - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (18): Vùng cực nam -Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (19): Vùng cực nam -Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (20): Vùng cực nam -Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (21): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (22): Vùng đất ven biển phía nam - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (23): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (24): Vùng trọng điểm nông nghiệp - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (25): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (26): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (27): Vùng đồng bằng và thảo nguyên lớn - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (28): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (29): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (30): Vùng đất trống trong nội địa - Phần 3