Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bị ép bán vì thiếu vốn

Áp lực về vốn cho lĩnh vực kinh doanh chính buộc nhiều công ty thoái vốn ở mảng đầu tư “tay trái” là bất động sản.


Green Plaza Hotel được chuyển nhượng với giá 385 tỷ đồng (Ảnh: Đức Thanh)

 Thị trường chuyển nhượng dự án bất động sản từ đầu năm đến nay ghi nhận những giao dịch có giá trị lớn, do một số công ty gặp khó khăn hoặc thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống buộc phải bán bất động sản, hoặc phần vốn góp trong các dự án thuộc lĩnh vực này. 

Một trong những giao dịch lớn là thương vụ chuyển nhượng Khách sạn Green Plaza Đà Nẵng của Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xây dựng Thiên Thanh với giá trị hợp đồng lên đến 385 tỷ đồng. VNECO buộc phải bán Green Plaza Đà Nẵng do mảng kinh doanh chính (xây dựng điện), cũng như chi phí tài chính cao đã khiến Công ty thua lỗ trong năm 2008 và riêng quý I/2009 lỗ 25,7 tỷ đồng.

Cũng trong tình trạng thua lỗ và buộc phải tính đến phương án thu hẹp đầu tư bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (Shinpetrol). Ngành nghề chính của Shinpetrol là vận tải đường biển đã bị tác động nghiêm trọng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến khoản thua lỗ 205 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay và dòng tiền của Công ty đang bị mất cân đối trầm trọng. Shinpetrol đã phải cân nhắc chuyển nhượng một phần vốn trong Khu đô thị sân golf Mê Linh (Hà Nội). Đây là dự án bất động sản trọng điểm của Công ty, với diện tích 217 ha và tổng vốn đầu tư ước tính 1,2 tỷ USD.

Nếu như cả VNECO và Shinpetrol đều có lãi trong các thương vụ chuyển nhượng dự án để góp phần đạt mục tiêu lợi nhuận trong năm nay, thì Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình lại chấp nhận bán lỗ dự án để thu hồi vốn cho lĩnh vực kinh doanh chính. Cách đây 2 năm, Công ty mua mảnh đất 2.775 m2 tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với mục tiêu xây dựng toà tháp văn phòng cho thuê. 

Tuy nhiên, do mảng kinh doanh chính của Công ty là thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong năm 2008 do biến động về lãi suất và giá vật liệu xây dựng, nên Công ty buộc phải chuyển nhượng lại dự án này, với giá gần 12 triệu USD và chấp nhận khoản lỗ gần 30 tỷ đồng. 

Văn phòng cho thuê là mảng có nhiều dự án được chuyển nhượng nhất. Cách đây 2-3 năm, khi thị trường văn phòng cho thuê bắt đầu lên cơn sốt, do các toà nhà cho thuê hầu như kín chỗ và giá thuê tăng không ngừng, thì một số công ty đã dùng tiền từ phát hành cổ phiếu, hoặc vốn vay để mua đất đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê, xem đây là một trong những lĩnh vực kinh doanh mới mang lại nhiều lợi nhuận. Nhưng khi thị trường văn phòng cho thuê bắt đầu lao dốc từ giữa năm 2008 và hiện vẫn đang tụt dốc không phanh, thì các công ty lại tính đến việc bán dự án. 

Hoạt động chính là kinh doanh xăng dầu, nhưng Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn lại dự định đầu tư toà cao ốc văn phòng cho thuê ở 143-145, Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tuy nhiên, sau khi tính toán, Công ty thấy rằng, việc đầu tư cao ốc văn phòng trong thời điểm này không mang lại hiệu quả cao, nên đã quyết định chuyển nhượng dự án cho đối tác khác với giá trị hợp đồng khoảng 40 tỷ đồng. 

Tương tự, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun, cũng quyết định bán lô đất rộng 717 m2 tại đường Thủ Khoa Huân (TP.HCM) thay vì đầu tư tháp văn phòng Vinasun Tower. Giá vốn của lô đất này là 13,25 lượng vàng SJC/m2 và Công ty quyết định chuyển nhượng lại với giá không thấp hơn 22 lượng vàng SJC/m2. 

Những diễn biến trên thị trường chuyển nhượng dự án từ đầu năm đến nay cho thấy, người mua chủ yếu là các công ty tư nhân trong nước. Công ty cổ phần Bitexco Nam Long có ngành sản xuất chính là dệt may ở tỉnh Thái Bình đã chi 135 tỷ đồng để mua lại toà tháp văn phòng Vitek ở TP.HCM. Bên mua lô đất của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình cũng là một công ty trong nước hoạt động trong ngành dược phẩm. 

Thậm chí, thị trường chuyển nhượng còn ghi nhận những trường hợp các công ty cổ phần trong nước mua lại một phần, hoặc toàn bộ dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là IDJ Financial mua lại Trung tâm Thương mại Hanoi Plaza dưới hình thức thuê 50 năm++ với giá trị chuyển nhượng hàng chục triệu USD. Một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cũng cho biết, một công ty cổ phần trong nước cũng đang đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn của đối tác nước ngoài trong một khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội.

(Theo Hà Linh Giang // Báo đầu tư )

  • Khánh thành toà tháp Ceo - Văn phòng hiện đại nhất
  • Thị trường nhà đất cuối năm: Bỏ vốn vào đâu?
  • Thị trường bất động sản Đà Nẵng : Khởi động đón làn sóng mới
  • Luật thuế nhà, đất cần phải đảm bảo tính khả thi
  • Thị trường BĐS Hưng Yên: “Cơn sốt” loang rộng
  • 47 triệu USD xây tòa nhà phức hợp Cantavil
  • Biệt thự triệu đô: "Vẫn bán chạy nếu chọn đúng kênh"
  • Viglacera và “cuộc chơi” BĐS: Thành công từ sự mạo hiểm
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!