Giới kinh doanh bất động sản Đà Nẵng đang tích cực triển khai nâng cấp các mô hình hoạt động, nhằm đón đầu làn sóng đầu tư mới dự kiến sẽ xuất hiện từ quý 4-2009 hoặc đầu năm 2010 đến.
Nhu cầu đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng và miền Trung vẫn tiếp tục nóng. |
Ông Đinh Ngọc Sinh, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Thiên Kim (Công ty CP Thiên Kim Đà Nẵng) cho biết, DN sẽ đưa sàn giao dịch vào hoạt động kể từ sau ngày 19-7-2009. Đây là mô hình hoạt động mới, áp dụng nhiều giải pháp thông tin hiện đại và trực tuyến để hỗ trợ người tham gia giao dịch, phù hợp xu hướng phát triển thị trường bất động sản trong thời gian đến.
Quan trọng hơn, qua sàn này, Công ty Thiên Kim xác định sẽ đón đầu những cơ hội đầu tư bất động sản từ làn sóng các nhà đầu tư mới trong thời gian đến. Ông Sinh cho biết thêm: “Chúng tôi lựa chọn ngày 19-7 để khai trương giao dịch do đây là ngày diễn ra 2 sự kiện lớn của thành phố, vừa khánh thành cầu Thuận Phước vừa khởi công cầu Rồng. Hai dự án này chắc chắn sẽ tạo không khí mới cho thị trường bất động sản đầy tiềm năng phía bán đảo Sơn Trà. Cho đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy, các nhà đầu tư đã quan tâm hơn vào diễn biến thị trường bất động sản thành phố khi các dự án lớn tiếp tục được mở ra”.
Khảo sát của các nhà kinh doanh cho thấy, tính đến thời điểm này, Đà Nẵng đang có trên 100 DN môi giới bất động sản, trong đó có khoảng 10 sàn giao dịch. Trừ Trung tâm giao dịch địa ốc do UBND thành phố tổ chức, các sàn còn lại đều do các DN có đầu tư bất động sản trên địa bàn tham gia, như Savills Việt Nam, Sacomreal Đà Nẵng, Tập đoàn Cường Hưng Thịnh, EVN Land Central, Sài Gòn Land, Địa ốc Nhân Duyên… Do tình hình thị trường thời gian qua thiếu sôi động, nên các sàn đều trầm lắng, chỉ còn những cơ sở, trung tâm môi giới nhỏ lẻ hoạt động.
Tuy nhiên, các DN tin rằng, với dấu hiệu phục hồi kinh tế hiện nay, khả năng tái đầu tư bất động sản để kích hoạt các dự án lớn sẽ diễn ra. Đà Nẵng dẫu quy mô còn hạn chế, song có nhiều tín hiệu tiềm năng hơn 2 đầu đất nước, bởi đang được các nhà đầu tư đánh giá cao về các tiêu chí cơ hội tăng trưởng tương lai.
Có đến 90% nguồn vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng trực tiếp khai thác bất động sản du lịch và thương mại. Tất cả đang được hỗ trợ triển khai từ chính quyền địa phương. Điều này lại được tương hỗ nhờ những dự án hạ tầng như 2 cây cầu mới vượt sông Hàn. Cho nên, chắc chắn trong thời gian ngắn, các nhà đầu tư mới bên ngoài và từ 2 đầu đất nước sẽ tiếp tục tìm cơ hội vào Đà Nẵng.
Mặt khác, theo thống kê và định hướng phát triển của thành phố đến năm 2020, quỹ nhà ở hiện tại chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu dân cư Đà Nẵng. Do đó, thành phố sẽ còn mở thêm các khu đô thị ngoại thành và chỉnh trang các khu dân cư nội thành. Nhiều dự án đất nền, nhà ở, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, khách sạn theo đó sẽ tiếp tục biến chuyển, tạo dòng chảy mạnh mẽ về nhu cầu môi giới bất động sản.
Theo đại diện sàn giao dịch Cường Hưng Thịnh, điều các DN môi giới cần làm lúc này, là nên mạnh dạn phá vỡ những kiểu quan hệ mua bán, môi giới từng có để dịch chuyển sang chiều hướng chuyên nghiệp hơn, bằng việc chuyển sang dùng các hình thức hồ sơ điện tử, giới thiệu các dự án bất động sản, công trình nhà cửa bằng bản đồ số, clip phim, hình ảnh thiết kế 3D…, phục vụ thêm nhiều khách hàng ở xa hay không có thời gian đến tận địa chỉ môi giới.
Ông Sinh cho biết DN ông sẽ dành từ 6 - 12 tháng để thiết kế kho dữ liệu thông tin các dự án như vậy, nhắm đến yêu cầu dài hạn 5 - 10 năm. Với các thông tin ngày càng minh bạch và thiết thực theo hướng này, DN môi giới kỳ vọng sẽ thay đổi yếu tố tâm lý thị trường hiện nay, bên bán vẫn neo giá cao, còn bên mua vẫn chờ giảm giá.
(Theo Bài và ảnh: Thụy Bất Nhi/ĐN)