|
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc chọn lựa đúng một trong số nhiều cơ hội đầu tư đem lại hiệu quả để tái cấu trúc sản xuất là sự lựa chọn khó khăn hiện nay.
Hướng đi của Đất Việt được đánh giá thức thời, ra lợi nhuận trong lúc thị trường nhà đất đang mong đợi “cuộc cách mạng” về nhà ở và xây dựng với giá thấp.
Địa phương chào đón
Tham dự hội nghị bàn về cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản hậu khủng hoảng trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế bất động sản Việt Nam, diễn ra tại Tp.HCM đầu tuần này, Tây Ninh và Phú Yên là hai địa phương nhiệt tình nhất trong việc mời gọi đầu tư.
Ông Phạm Ngọc Chi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực nhằm đầu tư chiều sâu vào kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các khu du lịch, xây dựng khu đô thị mới Nam Tuy Hòa và chuỗi đô thị ven biển, phát triển vùng cao nguyên Vân Hòa thành đô thị du lịch sinh thái nghỉ mát của Phú Yên.
Trong số 34 dự án kêu gọi đầu tư vào Phú Yên giai đoạn 2009-2020, gần một nửa trong số đó có liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý, trong xu thế bùng nổ các dự án bất động sản du lịch tại một số địa phương có ưu thế, Phú Yên cũng “nhanh chân” mời gọi nhà đầu tư đổ vốn vào 6 dự án thương mại du lịch, gồm khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ; khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện sông Hinh; khu du lịch, khách sạn, nhà hàng khu vực Tp.Tuy Hòa; cụm du lịch sinh thái ở các huyện miền núi; cụm du lịch sinh thái Đông Hòa; các khu du lịch tắm khoáng bùn kết hợp nghĩ dưỡng, chữa bệnh Lạc Sanh.
Ông Chi cũng khẳng định, từ nay đến năm 2020, Phú Yên có nhu cầu đầu tư trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để nhà đầu tư trong và ngoài nước có nhiều thuận lợi, tỉnh sẽ triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về giá thuê đất, địa bàn và lĩnh vực ưu đãi.
“Ngoài ra, định kỳ 6 tháng một lần, tỉnh sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và đề ra biện pháp hỗ trợ kịp thời”, ông Chi nói.
Cũng như Phú Yên, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khẳng định rất nhiều cơ hội lớn đang chờ nhà đầu tư bất động sản tìm đến khám phá và thực hiện ý tưởng độc đáo của mình.
Trong hàng loạt lĩnh vực kêu gọi đầu tư, thị trường bất động sản du lịch - dịch vụ được lãnh đạo địa phương xác định nhiều tiềm năng nhất với 2 triệu lượt du khách mỗi năm đến thăm Núi Bà Đen cao nhất Nam Bộ, hồ Dầu tiếng rộng 27.000ha với các đảo còn hoang sơ, vườn quốc gia Lò Gò nơi có hệ động thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam, tòa thánh Cao đài, căn cứ Trung ương cục Miền Nam…
Một cán bộ thuộc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch tỉnh Tây Ninh nói với VnEconomy, Tây Ninh là tỉnh biên giới, do đó tỉnh chỉ yêu cầu giới đầu tư đáp ứng những nghĩa vụ tối thiểu, trong khi nhà đầu tư lại được hưởng nhiều chính sách ưu đãi cao nhất trong các khung quy định của Nhà nước.
Doanh nghiệp tìm “ngách” thị trường
Đánh giá về chất lượng của VNREAL EXPO 2009, Kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất lành cho biết, không phải ngẫu nhiên vào thời điểm khủng hoảng, số lượng các đơn vị tham gia hội chợ lại tăng lên với số lượng lớn.
Theo số liệu từ ban tổ chức, triển lãm lần này gồm 1500 gian hàng với 300 doanh nghiệp tham dự, trong đó 169 đơn vị trong nước, 54 đơn vị liên doanh và 81 doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đến từ 10 quốc gia và khu vực.
Thực tế, càng lúc khó khăn, doanh nghiệp địa ốc càng cần nhiều sân chơi như thế để tìm hiểu cơ hội đầu tư lẫn nhau. Doanh nghiệp tham gia hội chợ gồm chủ đầu tư, đơn vị phận phối, nhà môi giới, các sàn giao dịch. Tuy nhiên, nhìn vào chủng loại mặt hàng tại chợ địa ốc lớn nhất Tp.HCM trong năm nay, các sản phẩm được giới thiệu chủ yếu là những công trình cũ, rất ít những sản phẩm mới mang tính đột phá. Điều này cho thấy thực tế kém hấp dẫn của thị trường bất động sản.
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, năm 2008, thành phố này thu hút 3 tỷ USD vốn FDI vào thị trường bất động sản. Đến nay thị trường này đã sụt giảm mạnh do không tìm được dòng vốn ổn định tiếp sức.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, sự sụt giảm kinh tế rõ ràng đã tác động mạnh đến tâm lý đầu tư nhà đất. Cuối năm 2008 đến nay, số lượng giao dịch chuyển nhượng nhà đất có đăng ký nộp thuế giảm so với cùng kỳ năm 2007, tỷ lệ sụt giảm phần lớn rơi vào khu vực dự án đầu tư xây dựng nhà riêng lẻ, căn hộ chung cư. Do ngân hàng có chủ trương giới hạn cho vay thế chấp nhà đất nên tỷ lệ hồ sơ giao dịch thế chấp bất động sản giảm nhiều.
Dự đoán về diễn biến của thị trường nhà đất sắp tới, ông Đào Anh Kiệt cho rằng doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức khi suy giảm kinh tế toàn cầu còn tiếp tục trong thời gian nữa. Các ngân hàng vẫn thắt chặt tín dụng đối với các khoản vay. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp trong nước tuy đông đảo nhưng bị chi phối bởi các tập đoàn nước ngoài nên khó có cửa trong những dự án lớn.
Đối với Tp.HCM, nền tảng cho thị trường hồi phục vẫn rất rõ khi tiến trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhiều khu vực đô thị phát triển, nhiều công trình lớn đã và đang triển khai đầu tư như cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây và cầu Phú Mỹ, đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi, các tuyến metro. Thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục trong những năm qua làm tăng nhu cầu về chỗ ở mới và các dịch vụ khác.
Phân tích về cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước, ông Đào Anh Kiệt khuyên nhà đầu tư nên tìm “ngách” thị trường mà đi. Ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu đã kéo giá nhà đất tại thị trường phía Nam giảm mạnh. Đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư nhận chuyển nhượng đất, chuyển nhượng dự án đã bồi thường xong để triển khai đầu tư nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay là nhà ở thu nhập thấp và trung bình.
Ông Marc Townsend đưa ra dự đoán rằng, hướng đi của thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai là sự phát triển của các quỹ đầu tư tập hợp nguồn vốn trong nước gắn với hai lợi thế về kiến thức và quỹ đất.
Còn ông Nguyễn Văn Đực lại chắc chắn hướng đi đúng vào lúc thị trường không thuận lợi chính là đầu tư nhà giá thấp. Tuy nhiên việc giải bài toán về nhà ở giá thấp không thể phụ thuộc vào việc trưng mua 20% số căn hộ nằm trong dự án hay việc thúc ép chủ đầu tư từ phía cơ quan quản lý.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác đã chia sẻ phương án kinh doanh với VnEconomy và cho biết đang thực sự lo lắng khi việc áp thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà, đất mà ngành thuế đang chuẩn bị triển khai đã tạo diễn biến hoàn toàn bất lợi cho nhà đầu tư. Khách hàng chào bán hàng loạt, nhưng giao dịch hầu như không có.
(Theo Hạnh Liên // VnEconomy)