Hầu hết các chuyên gia tài chính và nhiều DN đều cho rằng phát hành trái phiếu là giải pháp hữu hiệu để DN BĐS khơi thông nguồn vốn. Bởi vì qua kênh trái phiếu, DN BĐS huy động được một lượng vốn lớn tiền mặt, tiêu thụ được sản phẩm mà lại còn hạn chế rủi ro, dễ dàng tính toán được chiến lược đầu tư cho DN. Tương tự, khách hàng được đáp ứng đúng và đủ nhu cầu về nhà ở và trái phiếu có giá trị thực tế hơn một hợp đồng hứa mua bán căn hộ như hiện nay.
Những dự án tốt, thương hiệu mạnh dễ dàng huy động vốn qua kênh trái phiếu. |
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủ Đức House cho rằng, lâu nay các Cty BĐS có nhiều cách để tìm vốn thực hiện dự án như việc vay ngân hàng, huy động vốn từ khách hàng, liên doanh liên kết, phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN; ngoài ra còn có một loại hình huy động vốn là quỹ tín thác đầu tư BĐS (Real Estate Investment Trust - REIT) chưa được ứng dụng tại Việt Nam, nhưng đã mang lại thành công cho nhiều quốc gia trên thế giới . Tuy vậy, cũng còn tùy vào từng loại hình cụ thể mà DN BĐS cần linh hoạt để có thể áp dụng cho phù hợp với tình hình hoạt động của Cty. Ông Hiếu cũng cho biết thêm về việc Thủ Đức House đã từng nghiên cứu việc phát hành trái phiếu BĐS để huy động vốn vào các dự án lớn của Cty, nhưng còn rất nhiều lo âu về chính sách cho trái phiếu BĐS vì chưa có hành lang pháp lý đầy đủ về vấn đề này.
Những mặt hạn chế của kênh huy động vốn này được các luật sư giải thích là theo quy định hiện hành, việc phát hành trái phiếu BĐS chỉ áp dụng cho các Cty CP, TNHH và ngoại trừ DNNN thì không được huy động vốn kiểu này. Theo luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc điều hành Cty Luật hợp doanh Luật Việt, loại hình huy động vốn trái phiếu BĐS chỉ chiếm khoảng 5 - 7% so với các kênh huy động khác. Thời gian trước đây, việc huy động vốn như vậy đã từng tạo ra tranh luận vì nhiều người cho rằng đó là hình thức lách luật. Mặc dù vậy, luật sư Cảnh khẳng định việc huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu BĐS là hợp pháp, vì điều 19 khoản 9 của Luật Kinh doanh BĐS quy định “chủ đầu tư dự án BĐS, dự án hạ tầng kỹ thuật KCN được phép huy động vốn theo quy định của pháp luật”. Hơn nữa, tại điều 77 khoản 3 Luật DN cũng ghi rõ “Cty CP có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn”, còn theo Nghị định 52/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật DN đã quy định tại điều 4 khoản 1 cho phép DN phát hành trái phiếu nhằm “thực hiện dự án đầu tư” và trong đó được bao gồm cả những dự án BĐS.
Luật sư Cảnh cũng cho rằng việc phát hành trái phiếu kèm quyền mua căn hộ, biệt thự đang thực hiện là quyền lợi của trái chủ, chứ không chịu điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành về BĐS như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. Những thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của pháp luật, chẳng hạn quyền mua căn hộ, nền dự án của các Cty khi họ đã làm đúng trình tự pháp luật về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, thì việc mua bán trái phiếu còn lại được chi phối bởi luật dân sự.
( theo Quang Huy // báo xây dựng )