Kho bạc Hà Nội cho biết, đến tháng 5 năm 2009, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tới 150 dự án đã kết thúc đầu tư, với mức đầu tư từ hàng chục tỷ đến gần hai trăm tỷ đồng mỗi dự án, song các chủ đầu tư vẫn chưa tất toán tài khoản dự án theo đúng quy định của Nhà nước. Các dự án, công trình trên là các dự án đầu tư theo giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007, phần lớn thuộc khu vực phía Tây Hà Nội. Tổng mức đầu tư của 150 dự án này là 982,267 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước chiếm trên 783 tỷ đồng, số vốn đã thanh toán từ nguồn ngân sách này gần 562 tỷ đồng. Trong các dự án trên, nhiều dự án có vốn đầu tư lớn như: Dự án Cấp nước từ Nhà máy nước Bắc Thăng Long qua cầu Thăng Long để cung cấp nước cho nội thành Hà Nội (169,055 tỷ đồng); Dự án xây dựng chợ Hàng Da (91,722 tỷ đồng); Xây dựng trạm cấp nước Kim Liên (43 tỷ đồng); cải tạo tránh ách tắc chùa Hương (32,881 tỷ đồng); xây dựng cầu đi bộ vượt đường Giải Phóng (6,766 tỷ đồng)...
Theo một lãnh đạo Kho bạc Hà Nội, nguyên nhân chính của việc 150 dự án chưa tất toán tài khoản theo đúng quy định là: đã nhận được quyết định phê duyệt quyết toán nhưng phải thu hồi do thanh toán cao hơn quyết toán, hoặc chưa nhận được quyết định phê duyệt quyết toán dự án, công trình hoàn thành. Trong đó, việc chưa nhận được quyết định là do cấp trên của chủ đầu tư sáp nhập, chia tách, hoặc ban quản lý giải thể; chuẩn bị đầu tư tại một nơi, thực hiện đầu tư tại nơi khác; dự án bị đình hoãn hoặc không còn giao dịch thanh toán. Được biết, trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư, tất toán tài khoản và thu hồi công nợ phải trả ngân sách các dự án đã kết thúc đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, xem xét trách nhiệm và xử lý các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) trực thuộc UBND thành phố, nhà thầu vi phạm và chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố.
* Cà Mau hiện còn 4.464 dự án, công trình và hạng mục công trình đã thi công xây dựng hoàn thành nhưng chưa quyết toán dứt điểm, với tổng giá trị đã cấp phát thanh toán hơn 2.545 tỷ đồng. Đây là những dự án, công trình thuộc nguồn vốn ngân sách do cấp tỉnh và huyện quản lý tồn đọng, kéo dài nhiều năm qua, trong đó có 586 dự án, công trình thuộc kế hoạch phân bổ từ năm 2004 trở về trước. Nguyên nhân do chủ đầu tư thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu quan tâm chỉ đạo sâu sát, trình độ năng lực quản lý, điều hành hạn chế, không nắm vững và thực hiện đúng trình tự thủ tục quyết toán theo quy định nên công tác quyết toán bị tồn đọng kéo dài. Phần lớn hồ sơ thủ tục pháp lý không đảm bảo đúng quy định, thậm chí bị mất mát, thất lạc chứng từ, nhất là những công trình từ năm 2004 trở về trước. Thủ tục thực hiện quy trình đầu tư dù được cải tiến liên tục nhưng còn khá rườm rà, phức tạp và mỗi dự án, công trình phải lập bình quân từ 15 đến 25 loại hồ sơ. Tiếp đến, nhiều nhà thầu thiếu trách nhiệm, không hợp tác với chủ đầu tư trong thực hiện quyết toán nên thủ tục, chứng từ chậm bổ sung đầy đủ. Một số nhà thầu đã được ứng tiền tương đương, hoặc vượt mức tổng vốn đầu tư để thi công dự án, công trình nên chây ì và né tránh quyết toán. Công tác thẩm tra quyết toán đầu tư của Sở Tài chính tỉnh còn hạn chế, do đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bình quân mỗi năm chỉ thẩm tra quyết toán, thẩm định dự toán khoảng 500 hồ sơ, những hồ sơ phức tạp, có giá trị lớn từ 20 - 30 tỷ đồng thì 1 cán bộ phải mất thời gian từ 2 tháng trở lên mới hoàn thành, điển hình như dự án Nhà máy Đường Thới Bình phải thực hiện 6 tháng.
Để giải quyết tình trạng chậm quyết toán, Cà Mau thành lập tổ xử lý tất toán dự án hoàn thành do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, tiến hành lập kế hoạch, xây dựng phương án, với những chế tài cần thiết và trực tiếp xử lý các vướng mắc từng dự án, công trình và hạng mục công trình; đồng thời xây dựng quy chế và xử lý trong thẩm tra phê duyệt quyết toán để ban hành thực hiện đúng quy định, tạo nề nếp trong đầu tư xây dựng cơ bản. Bố trí và tăng cường thêm cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ làm công tác thẩm tra quyết toán đầu tư cho Sở Tài chính. Chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương lập báo cáo quyết toán các dự án công trình hoàn thành để thẩm tra phê duyệt đúng theo quy định. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản./.
(Theo báo xây dựng )