Một khu nhà tái định cư ở Thủ đô |
Từ năm 2000 đến nay, Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai khoảng 80 dự án xây dựng nhà ở tái định cư. Đến ngày 30/3, tổng số căn hộ đã hoàn thành là 8.165 căn. Trong đó, có 6.894 căn đã đưa vào sử dụng; 1.271 căn đã bố trí về nguyên tắc cho các dự án nhưng chưa sử dụng.
Trong năm 2009, số căn hộ dành cho tái định cư có thể hoàn thành là 4.984 căn, và từ năm 2010 - 2011 dự kiến sẽ có thêm 7.123 căn hộ.
Tính đến nay, đã có 4 dự án có quỹ nhà 30% bán lại cho thành phố 124 căn hộ. Cụ thể: 42 căn hộ tại khu nhà ở chung cư cao tầng tại ngõ 67, phường Đức Giang, quận Long Biên, 32 căn hộ tại dự án nhà ở bán tại xã Mỹ Đình; 32 căn hộ tại số 62 ngõ 83 đường Trường Chinh, 18 căn tại khu nhà ở phố Cự Lộc.
Đến nay, diện tích đất 20% thuộc 15 dự án đang giải phóng mặt bằng và 7 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa giao cho chủ đầu tư để xây dựng nhà ở tái định cư là 242.942 m2 đất; Diện tích đất 20% thuộc 24 dự án đã giao thành phố sử dụng quỹ đất 20% là: 350.554 m2 đất.
Nhiều khu tái định cư tập trung đã được UBND Thành phố giao chủ đầu tư để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó theo quy hoạch có diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng tái định cư như: khu nhà ở phục vụ di dân giải phóng mặt bằng và công trình công cộng tại phường Xuân La, quận Tây Hồ; khu tái định cư tập trung tại xã Phú Diễn huyện Từ Liêm; khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng đường 5 kéo dài và cầu Nhật Tân tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh; khu tái định cư Xuân Canh, Đông Hội huyện Đông Anh; khu tái định cư Tây Nam Kim Giang... Theo thiết kế sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn hộ tái định cư, dự kiến thời gian có nhà tái định cư vào những năm 2011 - 2015 và các năm tiếp theo.
Như vậy, số căn hộ sẽ được hoàn thành trong thời gian tới cộng với số căn hộ tái định cư đã hoàn thành là không nhỏ. Trong đó, số căn hộ đã hoàn thành, chưa sử dụng cũng khá lớn. Điều này cũng cho thấy việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án tại Hà Nội trong thời gian qua thực hiện chưa tốt. Trên thực tế, nhiều dự án vẫn bị chậm tiến độ do ách tắc khâu tái định cư.
Phần lớn các dự án có thu hồi đất chưa có khu tái định cư hoặc có khu tái định cư nhưng chưa xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng (giao thông, đường điện, đường nước, nhà trẻ, trường học...), không đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ nên dân không chịu di dời, làm chậm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng.
Hiện UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng hoàn chỉnh đề án xây dựng các khu đô thị mới phục vụ tái định cư và nhà ở xã hội, nhà ở chính sách để báo cáo UBND Thành phố thông qua và triển khai thực hiện. Giai đoạn 2010-2020, thành phố dự kiến triển khai thực hiện từ 3 đến 5 khu đô thị mới phục vụ tái định cư và nhà ở xã hội, nhà chính sách. Sở Xây dựng đang hoàn chỉnh đề cương dự kiến báo cáo UBND thành phố trong tháng 4/2009.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng đã giới thiệu ba khu đô thị tái định cư bao gồm: Khu Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Khu La Phù, huyện Hoài Đức và khu Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Dự kiến sẽ giới thiệu thêm các khu đô thị tái định cư tại các huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm, khu Tây Nam các trường đại học - huyện Từ Liêm, mỗi khu với quy mô từ 50 ha trở lên đảm bảo đủ tiêu chuẩn đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Dự kiến đến năm 2010, chỉ tính riêng Hà Nội cũ đã cần khoảng 25.000 lô đất, căn hộ và khoảng 1000 căn hộ chung chuyển để làm dự trữ cho các nhu cầu giải phóng mặt bằng các dự án đột xuất của thành phố và trung ương. So với nhu cầu thì vẫn thiếu khoảng 9.000 căn hộ và khoảng 1000 căn hộ làm quỹ nhà chung chuyển phục vụ cải tạo các khu chung cư cũ, xuống cấp.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc chuẩn bị đủ nguồn lực tài chính để xây căn hộ tái định cư với hạ tầng đồng bộ, rất cần phải cân đối tài chính dành để hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ phục vụ sản xuất tại khu tái định cư cho người dân một cách hiệu quả. Qua đó nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thực hiện dự án, đồng thời góp phần phát triển Hà Nội một cách bền vững.
(Theo Phan Dương - VnEconomy )