Quốc hội vừa bấm nút thông qua Luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai cho phép mở rộng diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong nước. Liệu điều này có tạo ra làn sóng mới nào trên thị trường bất động sản?
Nhiều người lo sẽ có làn sóng đầu cơ nhà đất mới trong khi cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định không nên băn khoăn về việc đó. Bộ Xây dựng cho biết, sẽ khẩn trương dự thảo Nghị định để Luật chính thức đi vào cuộc sống từ 1 - 9 tới.
Mở thế nào?
Nói về độ thoáng của chủ trương mới được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam bình luận:“Đã mở hết cỡ cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể mua và sở hữu nhà ở trong nước”. Theo Luật sửa đổi, những đối tượng gồm người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước, được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. Cũng theo Luật sửa đổi, người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng nêu trên được cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Sau hơn 8 năm cho phép Việt kiều sở hữu nhà trong nước, mới có 140 người chính thức đứng tên mua nhà |
Tính toán của cơ quan chức năng chỉ ra, có khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn đang giữ quốc tịch gốc. Điều này có nghĩa cơ hội sẽ mở rộng hơn cho đông đảo kiều bào nói chung được mua và sở hữu nhà ở trong nước.
Không ngại đầu cơ
Từ khi chủ trương mở rộng diện Việt kiều được mua nhà trong nước còn là dự Luật được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, mối lo về làn sóng đầu cơ nhà đất mới tại Việt Nam đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói thẳng: “Đầu cơ là hiện tượng đi liền với cơ chế thị trường. Nếu Việt kiều không mua nhà thì hiện tượng đầu cơ nhà đất vẫn diễn ra. Vì thế, cần có sự can thiệp của Nhà nước để làm minh bạch hoạt động này, hạn chế tiêu cực trên thị trường nhà đất”.
Trấn an các nhà đầu tư bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, hạn chế đầu cơ không có nghĩa là cấm đoán, là không khuyến khích. “Không thể chống đầu cơ bằng cách cấm người dân mua hai, ba căn hộ, thửa đất. Nhà nước phải điều tiết bằng chính sách thuế nhằm tăng ngân sách và dùng tiền đó để đầu tư cho các chính sách an sinh xã hội khác. Mỗi lần chuyển nhượng nhà đất là phải nộp thuế, ai mua nhiều, sở hữu nhiều cũng phải nộp thuế. Chính sách thuế áp dụng cho tất cả các đối tượng chứ không chỉ riêng Việt kiều” - Thứ trưởng Nam cho biết.
Cho rằng chủ trương mới không gây biến động lớn cho thị trường nhà đất nhưng các chuyên gia nhận định “tác động nếu có cũng là tích cực”. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam lập luận: “Kiều bào có tiền, có nguyện vọng mua nhà ở cho bản thân ở trong nước là điều tốt, đáng khuyến khích, sẽ làm tăng trưởng thị trường bất động sản. Tôi hiểu có nhiều người lo ngại việc đầu cơ, nhưng đừng lo việc đó bởi chúng ta có đủ công cụ để hạn chế đầu cơ”. Thêm nữa, giá bất động sản ở Việt Nam đang rất cao, Việt kiều về nước đầu cơ không có lợi. Ngoài ra, không phải Việt kiều nào cũng nhiều tiền. Nhiều kiều bào ở nước ngoài là người lao động chứ không phải ai về cũng có tiền mua nhà. Đến nay, mới có hơn 140 Việt kiều mua nhà trong nước. Giả định số người mua sau này tăng lên 100 lần là 14.000 người, so với nguồn cung trên thị trường cũng chưa ăn thua. Đã vậy, hầu hết Việt kiều đều mua bán ở phân khúc nhà ở cao cấp, không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng chung.
Tránh vết xe cũ
Không thừa khi nhiều người lo Luật thông thoáng nhưng văn bản dưới Luật có thể lại “thắt” khiến giao dịch khó khởi sắc. Con số 140 Việt kiều mua nhà trong nước trong thời gian dài hơn 8 năm qua chính là một minh chứng.
Nhắc lại thời kỳ bí bức vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2001, Chính phủ đã ban hành chính sách cho phép 4 đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam (Nghị định 81/CP) song thực tế là có rất ít Việt kiều đứng tên mua nhà. Theo ông Hà, cản trở lớn nhất của Nghị định 81/CP là do không có quy định cụ thể về thủ tục. Đơn giản nhất là việc cơ quan nào xác nhận người đó là Việt kiều và đủ điều kiện mua nhà cũng không rõ ràng. Không có gì làm bằng nên rất nhiều địa phương “đảm bảo an toàn” bằng cách… không giải quyết trường hợp nào!“Những năm trước, rất nhiều Việt kiều hỏi về thủ tục mua nhà theo Luật Nhà ở nhưng chính cơ quan quản lý nhà cũng chỉ biết trả lời phải đợi vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể! Trong đó, vướng mắc chính là các cơ quan chức năng chưa ban hành được hướng dẫn cụ thể việc xác định thời hạn cư trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi cấp visa theo quy định”- ông Hà nói.
Ngoài ra, theo phản ánh của kiều bào, khó khăn, vướng mắc trong việc mua và sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn do Nghị định số 90/CP (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) không quy định cụ thể các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà giao cho hai cơ quan chức năng ban hành văn bản hướng dẫn, nhưng đến nay hai cơ quan này vẫn chưa thực hiện!
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, những “rào cản” này sẽ được gỡ bỏ trong thời gian tới. Ông Nam cam kết: “Quy định mới chắc chắn sẽ khả thi bởi nó cởi mở hơn nhiều. Sau khi Luật sửa đổi được Quốc hội thông qua, sẽ sớm có Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết để các địa phương tạo điều kiện cho Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Đương nhiên, thủ tục sẽ đơn giản và rất cụ thể nhằm khơi thông bế tắc. Chẳng hạn, Chính phủ sẽ hướng dẫn trong trường hợp có nhu cầu mua nhiều nhà thì cần có các điều kiện cụ thể gì hoặc cũng cần quy định về việc cho thuê, chuyển đổi như thế nào... đảm bảo để Luật có thể thực hiện từ 1 - 9 tới đây”.
(Theo Mai Phương/dddn)