Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhà nước tăng giá đất, thị trường lại tụt?!

Hà Nội lấy việc giá đất trên thị trường tăng làm căn cứ điều chỉnh giá đất. Thế nhưng, trong một diễn biến khác, sau hơn 2 tháng leo thang liên tục, từ cuối tháng 11/2009, giá đất tại nhiều khu vực ở Hà Nội đã “trèo” qua đỉnh và bắt đầu trượt xuống phía bên kia của con dốc.

Giao dịch ở một loạt dự án đình đám, vốn là tâm điểm của thị trường từ hồi tháng 9/2009 đến nay, đã bắt đầu chững lại. Ông Lê Xuân Trường - Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản B.Đ.S cho biết, số lượng khách hàng quan tâm đến tìm hiểu các dự án đã giảm tới 60%. Tương tự, lượng giao dịch cũng giảm 60-70%. Thậm chí, có những sàn giao dịch không có mua bán từ đầu tháng trở lại đây.

Từ đầu tháng 12/2009, các dự án đang “sốt nóng” ở huyện Hoài Đức, Đan Phượng như Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Dương Nội... đều chuyển sang trạng thái chờ, không có người hỏi mua, mặc dù giá giảm từ 500.000 đến 1 triệu đồng/m2. Dự án Splendora một dạo có mức chênh lệnh so với giá gốc lên tới 1,8-2,1 tỷ đồng/căn hộ đến nay giảm xuống chỉ còn chênh khoảng hơn 1,1-1,2 tỷ đồng.

Cũng từ cuối tháng 11/2009, một số dự án căn hộ chung cư ở dọc trục Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cũng đã công bố ngừng bán hàng bởi rất ít người hỏi mua. Đang từ chỗ dễ dàng “lướt sóng” với số tiền chênh lệch trên dưới 100 triệu đồng, hiện nay, ở một số dự án, người bốc thăm trúng căn hộ đang “mời” người mua lấy suất không mất tiền chênh bởi nếu không có người rước hộ “cục nợ”, họ sẽ có nguy cơ mất 100 triệu đồng (tiền đã đặt cọc với chủ đầu tư) hoặc phải tiếp tục thực hiện hợp đồng góp vốn với số tiền phải đóng thêm ít nhất 300-400 triệu đồng mỗi đợt.

Một nhà đầu tư bất động sản cho biết, do thị trường nóng, rất nhiều chủ dự án cùng tung hàng ra bán khiến cho nguồn cung tăng lên nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn nên sự hấp dẫn trên thị trường giảm sút. Bình luận về xu hướng này, ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Hà Nội cho rằng, bản chất của cơn sốt nóng trên thị trường bất động sản Hà Nội thời gian qua là do tính chất đầu cơ quá mạnh.
 
Thế nên, khi giới đầu cơ không còn hứng thú tham gia, thậm chí đua nhau xả hàng, thị trường sẽ sớm “mất nhiệt”. Thêm vào đó, nhiều người cũng bắt đầu nhìn ra, nguồn cung trên thị trường bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội sẽ tăng mạnh trong 1-2 năm tới, nên cung - cầu trên thị trường đang dần được cân bằng.

Lý do để điều chỉnh giá đất, theo UBND TP Hà Nội, là vì giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường Hà Nội trong năm 2009 đã tăng khá mạnh, dù không đồng đều. Kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, giá đất tại các quận, thị xã, thị trấn, huyện giáp ranh nội thành, trục đầu mối giao thông đều tăng trung bình 20%. Cá biệt có những khu vực tăng giá tới 100%. Ngoài ra, một số khu vực đã được Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội... đã làm tăng giá đất, nên cần điều chỉnh để đảm bảo thu ngân sách cho Nhà nước.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho rằng, cần điều chỉnh giá đất cục bộ theo hướng từng bước tiếp cận với giá thị trường trong điều kiện bình thường để giải quyết những mâu thuẫn, bất cập hiện nay, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, thúc đẩy khai thác, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Thêm vào đó, giá đất tăng sẽ giúp Nhà nước tăng thu ngân sách, do các tổ chức, cá nhân sử dụng đất phải đóng thuế nhiều hơn.

Cụ thể, theo khung giá mới, từ 1/1/2010, tại 9 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên), giá đất tại vị trí 1 (mặt đường) tại một số đường phố có khả năng sinh lợi cao nhất (ví dụ như Hàng Ngang, Hàng Đào) sẽ điều chỉnh tăng 21%, bằng mức vượt khung tối đa do Chính phủ quy định là 81 triệu đồng/m2. Các đường phố, vị trí còn lại sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với mức vượt khung tối đa của Chính phủ theo hướng giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra. Như vậy, giá đất ở tại nội thành thấp nhất sẽ là 1,8 triệu đồng/m2 (vị trí 4 của đường 72 đi qua phường Dương Nội, Hà Đông) và cao nhất là 81 triệu đồng/m2 (vị trí 1 phố Hàng Ngang, Hàng Đào...).


(Landtoday)

  • Đổi giấy tờ nhà đất cũ sang mới không cần nộp bản vẽ
  • Hà Nội, TPHCM: Giá đất cao nhất 81 triệu đồng/m2
  • Thực chất cơn sốt nhà đất mới ở Hà Nội
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!
  • Địa ốc Hà Nội bung hàng, giá giảm
  • Kỹ càng cho vay mua nhà trả góp
  • Bất động sản không còn “sóng”
  • Quản lý chung cư: Giải pháp... chạy theo thực tế
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!