|
Công tác bảo tồn biệt thự cổ ở Hà Nội đang trở thành bài toán khó khi cùng lúc phải đáp ứng được hàng loạt mục tiêu từ giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đến giá trị kinh tế, thương mại…nhưng vẫn chỉ thông qua những ý kiến của các nhà khoa học, giới nghiên cứu.
Thế nên, dù không phải vấn đề mới, song một lời giải cuối cùng có tính pháp lý và hiệu quả vẫn là điều mà các cơ quan quản lý đang còn “nợ”.
“Rối” vì biệt thự cổ
Theo thống kê, toàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 970 biệt thự, trong đó có 42 biệt thự thuộc diện không được bán; 228 biệt thự chưa bán; 164 biệt thự đã bán trọn biển; 536 biệt thự đã bán một phần hoặc đang cho doanh nghiệp thuê.
Đáng chú ý, trong số gần một nghìn biệt thự trên thì số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích chiếm đến 80%; trong khi số lượng biệt thự còn nguyên trạng chỉ chiếm tỷ lệ 15%; số lượng biệt thự đã phá đi, xây dựng mới chiếm tỷ lệ 5%.
Tuy nhiên, để đưa ra được một khung tiêu chí thống nhất giúp nhận biết thế nào là một biệt thự có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa… để từ đó đưa ra được một giải pháp hợp lý cho công tác quản lý, bảo tồn, bán hay không bán… vẫn đang là một ẩn số không dễ tìm.
Có ý kiến cho rằng, để xác định được một biệt thự có giá trị đúng nghĩa cũng không phải là việc quá khó, chỉ cần căn cứ vào các tiêu chí như: gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử; diện tích, phù hợp phong cách kiến trúc, có ý nghĩa về phong cách…
Song, cũng có một số ý kiến cho rằng, thế nào là một công trình có giá trị về kiến trúc vẫn là một khái niệm mang tính chất định tính, chưa thể xác định được bằng định lượng. Chính vì vậy, để phân loại chính xác giá trị của từng ngôi biệt thự cần phải lập hồ sơ cho mỗi ngôi biệt thự, từ đó thông qua bình chọn giá trị của các nhà khoa học có chuyên môn.
Trong một cuộc hội thảo về bảo tồn biệt thự cổ do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, PGS Đặng Thái Hòa (Bộ Xây dựng) cho biết, thống kê của nước bạn Trung Quốc cho thấy, có đến 80% công trình cổ ở nước này bị phá dỡ, hủy hoại là do phát triển kinh tế chứ không phải do hư hỏng hay không được bảo tồn.
Còn ở Việt Nam, tình trạng bán, phá biệt thự cổ để xây nhà cao tầng đang có chiều hướng gia tăng. Những ngôi biệt thự có giá trị lịch sử như biệt thự Nguyễn Khánh Toàn, biệt thự Trần Duy Hưng, biệt thự Nguyễn Văn Huyên hay biệt thự tại Bệnh viện 108, Việt Xô…cũng đều đã bị bán.
Tuy nhiên, vấn đề được cho là “rối” nhất hiện nay trong công tác quản lý biệt thự cổ là những ý kiến trái chiều trong việc bán, không bán, giữ gìn như thế nào, ai sở hữu…trong khi không có bất kỳ một quy định cụ thể nào về việc quản lý biệt thự cổ.
Càng khó khăn hơn khi sau hàng chục năm khởi xướng (từ năm 1989), song đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc, kiến trúc sơ khai của biệt thự. Một số cho rằng, tất cả những kiến trúc của ngôi biệt thự phải được giữ nguyên, không được đập phá, cải tạo, tránh băm nát kiến trúc biệt thự.
Song, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên giữ lại những kiến trúc bên ngoài, còn bên trong thì có thể sửa chữa, cải tạo nhằm thuận tiện cho người sử dụng. “Không có lý do gì lại bắt người dân phải sử dụng một công trình vệ sinh của biệt thự được xây cách đây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm”, KTS Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư) bày tỏ quan điểm.
Vẫn chỉ dừng ở...hội họp
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), vấn đề quản lý, bảo tồn biệt thự đã được giới chuyên môn đề cập và nghiên cứu rất nhiều. Hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đã được tổ chức, song rốt cuộc vẫn dừng lại ở…hội họp. Chính vì thế, dưới áp lực của kinh tế thị trường, nếu không có một quy định mang tính pháp lý, đặc biệt là chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước thì những nghiên cứu, khảo sát nhằm bảo tồn biệt thự cổ của giới khoa học cũng sẽ không còn ý nghĩa.
Còn theo ông Vũ Mạnh Cường, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho đến nay, ngoài Thông tư số 05/1993 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định diện tích sử dụng và phân cấp nhà ở và Quyết định số 189/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán biệt thự tại thành phố Hà Nội, thì chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng nhà biệt thự.
Đây cũng có thể hiểu là nguồn gốc gây nên những khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với quỹ nhà này hiện nay.
Thừa nhận những khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn biệt thự cổ của Hà Nội hiện nay, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh (Văn phòng Chính phủ), người trực tiếp thẩm tra đề án bảo tồn “đề án bảo tồn biệt thự của Hà Nội” cho biết, dù không phải là vấn đề quá lớn nhưng Chính phủ cũng đã phải họp rất nhiều lần về biệt thự cổ tại Hà Nội và Tp.HCM.
Theo TS Quỳnh, vấn đề quan trọng không phải là chuyện bán hay không bán mà là gìn giữ như thế nào, bất kể chủ sở hữu ngôi biệt thự là Nhà nước hay tư nhân. Chính vì vậy, quan điểm của Chính phủ là cái nào giữ được và có khả năng giữ thì mới giữ lại. Còn những biệt thự không thể giữ hoặc có giá trị về bất động sản, thương mại thì cho phép những người có nhu cầu tham gia sử dụng, sở hữu.
Cũng chính vì thế vừa qua, Thủ tướng đã cho phép Hà Nội bán một lượng lớn biệt thự vì thực tế nếu không bán thì cũng không thể giữ được vì ngân sách có hạn. Hơn nữa, thực tế thì không phải ai cũng trân trọng giá trị di sản, nên việc quản lý, bảo tồn biệt thự lại càng phải được thực hiện rõ ràng, quy định chặt chẽ.
Tuy nhiên, bà Quỳnh cũng thừa nhận, chính vì chưa có được một cơ sở pháp lý của công tác quản lý, bảo tồn biệt thự nên câu chuyện về văn hóa – kinh tế - quản lý trong bảo tồn biệt thự đến thời điểm này vẫn là...bài toán khó.
(Theo Từ Nguyên // VnEconomy)