Hà Nội hiện có 12 trung tâm mua sắm chất lượng cao. Ảnh: Chí Cường |
Trong bảng xếp hạng các nước có chỉ số tăng trưởng thương mại cao nhất do Tập đoàn tư vấn quốc tế A.T Kearney thực hiện năm 2009, Việt Nam đang ở vị trí thứ 6 và trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp phân phối.
Theo Công ty Colliers International Vietnam, năm 2009, mức giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM dao động ở mức 60 USD đến 100 USD/m2/tháng, được xem là mức giá cho thuê đáng mơ ước trong điều kiện kinh tế suy giảm trên quy mô toàn cầu. Xung quanh khu vực mặt đường trung tâm Hà Nội mức giá cho thuê còn lên đến 150 USD/m2/tháng. Diện tích sàn được sử dụng ở các trung tâm mua sắm hiện tại là 90%.
Sự căng thẳng cung - cầu mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm Hà Nội cũng sẽ gia tăng, khi mà mới đây, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý với chủ trương tái cơ cấu Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - là cổ đông chi phối - thực hiện. Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp đang thuê mặt bằng bán lẻ tại đây trong một thời gian nhất định, phải tìm kiếm mặt bằng tại một địa điểm thay thế khác.
Cuối năm 2009, TP.HCM chỉ có Trung tâm thương mại Kumho Asiana Plaza (quận 1) hoàn thành, cung cấp khoảng 7.000 m2 sàn, hầu như không có tác dụng cải thiện sự thiếu hụt nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Thành phố này.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các quận trung tâm của TP.HCM dao động ở mức 80 USD đến 120 USD/m2/tháng. Các trung tâm mua sắm lớn như Diamond Plaza hay Parkson Plaza có mức giá cho thuê “khủng” lên tới gần 200 USD/m2/tháng, nhưng cũng rất ít diện tích trống. Lotte Mart, Parkson Hùng Vương, Thuận Kiều Plaza, Saigon Center, An Đông Plaza, Parkson Đồng Khởi, Tax Plaza, Diamond Plaza, Saigon Paragon và Now Zone là các trung tâm thương mại ở TP.HCM có mức giá cho thuê cao. Trong khi đó, nguồn cung hạn chế và nhu cầu đang tăng khiến giá thuê diện tích bán lẻ tăng lên từ 15% đến 30% ở từng địa phương.
Bà Nguyễn Thị Sâm, Phó giám đốc Công ty TNHH Lê Gia, đơn vị phân phối độc quyền nhãn hiệu Shoe Box (Mỹ) tại Việt Nam cho biết, mặc dù Shoe Box đang có nhu cầu mở rộng kinh doanh và đích ngắm đến là các trung tâm thương mại lớn, nhưng việc thuê mặt bằng là tương đối khó khăn. “Với mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên, người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn đang thay đổi thói quen mua sắm từ những chợ truyền thống ngoài trời sang các trung tâm bán lẻ hiện đại trở nên rõ ràng”, bà Sâm nhận xét.
Theo thống kê của MB Land, Hà Nội hiện có 12 trung tâm mua sắm chất lượng cao với tổng diện tích gần 160.000 m2.
(Theo Hà Quang // Báo đầu tư)