Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng trăm dự án “treo”: Thu hồi ngay nếu có sai phạm

Kết quả rà soát mới nhất của các liên ngành TP.Hà Nội cho thấy, số dự án chậm triển khai (dự án "treo") trên địa bàn còn khá lớn, lên tới 306 dự án.

Đặc biệt, có 26 dự án đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để đất bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc chuyển nhượng trái pháp luật.

Nhiều dự án tự chuyển đổi mục đích sử dụng

Báo cáo của UBND TP cho biết, trong số 306 dự án "treo" có 286 dự án thuộc diện chưa hoàn thành công tác GPMB. Một số dự án đã đưa đất vào sử dụng nhưng tiến độ triển khai chậm. Đặc biệt, có 25 dự án chủ đầu tư không liên hệ với chính quyền, không thực hiện GPMB dự án.

Đáng chú ý, có 26 dự án đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để đất bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc chuyển nhượng trái pháp luật.

Quận Ba Đình là địa bàn có nhiều dự án "treo" nhất với 9 dự án. Tiếp theo là các quận, huyện Chương Mỹ, Cầu Giấy, Long Biên, Thanh Xuân... Số lượng dự án sai phạm dưới dạng tự chuyển đổi mục sang làm nhà ở phổ biến nhất, lên tới 9 dự án với diện tích 17.600m2 đất.

Chẳng hạn, dự án tại quận Hai Bà Trưng của Hợp tác xã tổng hợp thương mại Đồng Thanh đã tự ý chuyển mục đích sử dụng, giao cho một số xã viên xây dựng nhà ở. Thanh tra TP đã kết luận và UBND TP đã chấp thuận thu hồi. Hiện nay, UBND quận Hai Bà Trưng đang lập hồ sơ thu hồi theo quy định.

Nằm trong danh sách bị thu hồi, còn một số địa chỉ khác như dự án của Cty CP thực phẩm Vạn Điểm, huyện Phú Xuyên (bỏ hoang hóa), dự án sản xuất gỗ Okal do Cty TNHH Hùng Hợp làm chủ đầu tư tại huyện Chương Mỹ...

Sẽ xử lý kiên quyết

Về nguyên nhân dẫn tới các dự án sử dụng đất ở Hà Nội bị “treo”, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TNMT  cho biết, sau khi được giao đất, chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục để khởi công chủ yếu do thiếu vốn. Một số dự án đủ vốn, đủ điều kiện lại xin điều chỉnh quy hoạch để nâng cao hiệu quả đầu tư nên chưa khởi công được.

Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, thị trường bất động sản trầm lắng nên một số nhà đầu tư chưa đẩy nhanh được tiến độ...

Và, nguyên nhân nữa làm cho các dự án chậm trễ còn do vướng mắc về quy hoạch. Có dự án bị tạm dừng để rà soát quy hoạch sau khi Hà Nội mở rộng. Có dự án trùng một phần diện tích do đã giao cho dự án liền kề...

Theo kiến nghị của Sở TNMT, để tháo gỡ các dự án “treo”, TP cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể, đối với các dự án vướng quy hoạch hoặc chậm do khiếu kiện về chính sách bồi thường, TP sẽ xem xét cho điều chỉnh quy hoạch và chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành vào cuộc gỡ vướng về cơ chế. Đối với các dự án chậm do khách quan và được phép tiếp tục triển khai, đề nghị TP gia hạn tiến độ từ 6 tháng tới 1 năm. Sau thời gian gia hạn, nếu dự án vẫn “treo”, sẽ dứt điểm thu hồi.

Đối với các dự án có vi phạm nghiêm trọng hoặc xác định nguyên nhân chậm do trách nhiệm của chủ đầu tư (như dự án chung cư thương mại của Cty CP cơ khí và xây lắp số 7, dự án văn phòng, biệt thự nhà vườn ở Ba Vì của Cty CP đầu tư xây dựng Tiến Phong, dự án nhà máy chế biến, đóng gói thực phẩm ở Thường Tín của Cty CP thực phẩm Hoàng Kim...) TP sẽ thu hồi ngay.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, đối với các dự án có sai phạm rõ ràng, cơ quan chức năng phải làm thủ tục, quyết định thu hồi ngay. Đối với 25 dự án không có thông tin về chủ đầu tư, sẽ thông báo rộng rãi về thời hạn cuối cùng, sau đó thu hồi theo quy định của pháp luật.

Với các dự án chậm do khách quan, có thể lựa chọn cho gia hạn 6 tháng. Nếu sau đó vẫn không triển khai, TP sẽ khẩn trương thu hồi. Tuy nhiên, đối với các dự án dạng này, Chủ tịch UBND TP yêu cầu làm rõ lỗi do ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Với những dự án trong quy hoạch có bố trí tái định cư tại chỗ mà chủ đầu tư không thực hiện, phải xử lý kiên quyết.
 
( Báo Lao Động)

 

  • Đầu tư xây dựng dự án tổ hợp Oceania Phan Thiết
  • Phí quản lý chung cư: vẫn còn phải chờ
  • Đất miền núi giá 30 triệu đồng/m2
  • Khởi công xây dựng hơn 95% dự án nhà ở sinh viên
  • Có thể được nợ tiền sử dụng đất khi làm "sổ đỏ"
  • Khung giá đất 2010 Tp.HCM không cao hơn Hà Nội
  • 5 sự kiện nổi bật trên thị trường địa ốc 2009
  • Bất động sản Đông Nam Bộ bước vào mùa cao điểm
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!